Hà Nội

Thế giới động vật đang nổi loạn

28-11-2011 11:43 | Thời sự
google news

Ngang nhiên tấn công con người, lờn mặt với đủ loại hóa chất, giao phối bất kể giới tính, ăn tươi nuốt sống cả trứng và con mình khi đói, hành quân hay tụ tập thất thường, cho ra đời thế hệ quái thai…

Ngang nhiên tấn công con người, lờn mặt với đủ loại hóa chất, giao phối bất kể giới tính, ăn tươi nuốt sống cả trứng và con mình khi đói, hành quân hay tụ tập thất thường, cho ra đời thế hệ quái thai… đó là những gì đang diễn ra trong nhiều loài động vật. Dường như thế giới động vật đang “phản công” lại con người…

Cả trên cạn lẫn dưới nước đều… loạn

Thế giới động vật dường như đang đảo lộn và biến đổi khác hẳn so với những quy luật tự nhiên mà ta vẫn thường thấy. Giờ đây, không có gì lạ nếu vô tình bắt gặp cảnh một con chuột đang giỡn mặt con mèo hay những con ếch nhái dám tấn công cả rắn - kẻ thù truyền kiếp của chúng. Theo nhà động vật học Andrew Wattaki (Canada), trong thế giới tự nhiên đang xuất hiện những thế hệ động vật điên loạn, hung hăng và thích bạo lực hơn hẳn cha ông chúng.

 Bầy quạ hung hăng tấn công cảnh sát ngay trên đường phố châu Âu.

Andew đã tìm hiểu hơn 10 loài ong và 20 loài kiến ở khu vực Tây Phi để đi đến kết luận rằng chúng đang ngày càng trở nên “ghê gớm” hơn và hay tấn công con người hơn. Tại Kenya và Mozambic, nhiều loại ong bắp cày bỗng tỏ ra bị kích động dữ dội và tấn công bất cứ sinh vật nào chúng gặp. Những cuộc hành quân của kiến đỏ trước đây chỉ diễn ra vào đầu mùa mưa, nhưng nay là bất cứ khi nào. Trước đây kiến cũng chỉ tấn công những loại côn trùng khác, nhưng bây giờ chúng không tha cả con người. Số trẻ em bị ong và kiến tấn công ở Trung Phi tăng 22,4% trong 6 tháng đầu năm nay là một bằng chứng. Nhiều loài lưỡng cư ở châu Á và châu Úc cũng thay đổi hẳn tập tính. Chúng hung hăng hơn, con đực tìm mọi cách để giết tình địch còn con cái thì xơi cả trứng và con của mình ngay khi vừa đẻ ra.

Chưa hết, nhiều loài ốc sên bỗng có cơ quan sinh dục phát triển quá mức và không thể thực hiện việc truyền giống như xưa (ốc sên là loài lưỡng tính). Một số loài chim lại có những hành vi kỳ quặc như trong phim viễn tưởng: những con đực tìm cách giao phối với nhau và chê những con cái! Nhưng nghiêm trọng hơn cả là khả năng lờn thuốc của nhiều loài côn trùng. Việc con người sử dụng vô tội vạ các loài thuốc diệt côn trùng đã khiến chúng có khả năng đề kháng tốt hơn hẳn! Khoảng 6 loài châu chấu và 5 loài muỗi ở Zimbaqwe, Congo, Algerie đang thách thức mọi loại thuốc diệt côn trùng trong khi cha anh chúng không thể thực hiện được điều này.

Trên cạn đã vậy, dưới nước tình hình cũng không khá hơn. Nhiều quốc gia có truyền thống sống bằng những loài hải sản như sứa, hải sâm, sá sùng đã bị thất thu nghiêm trọng do những loài này đột nhiên sinh sản lung tung, không theo chu kỳ nhất định như trước. Hơn nữa, chúng lại cho ra đời những thế hệ con cháu kém chất lượng hơn hẳn, hoặc quá nhỏ hoặc dị dạng. Một số loài cá ngựa cũng thay đổi tập quán nuôi con: cá đực không ấp trứng và chăm con cái nữa, bỏ mặc trứng làm mồi cho các loài khác. Một số loài mực và bạch tuộc (con đực) không còn biết thả một xúc tu chứa tinh dịch (tự động tìm con cái) như xưa nữa. Giống loài của nhiều loài sinh vật vì vậy đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Nguyên nhân do đâu?

Nạn ô nhiễm môi trường được coi là thủ phạm chính của tình trạng này.

Thật vậy, chính những chất thải và hóa chất nguy hại trong sinh hoạt và sản xuất mà con người thải ra đã gây xáo trộn nghiêm trọng thế giới muôn loài, tạo ra những thái độ hành xử tiêu cực ở nhiều loài động vật. Trên tạp chí Animal Behaviour số ra tháng 9 mới đây, đã chứng minh rằng: chính chất chì và thủy ngân mà con người sử dụng trong hoạt động khai thác đánh bắt hải sản đã làm hỏng “la bàn” trong não của một số loài chim biển, khiến chúng mất khả năng giữ thăng bằng, bị say sóng và mất phương hướng.
 
Chất atrazine thì làm nhiều loài cá đỏ ở Ấn Độ Dương hung hăng hơn, sẵn sàng cắn chết bạn tình ngay sau khi giao phối. Vài loài khỉ ở châu Á thì bị chất tetrachlorodibenzo - p - dioxine (TCDD) có trong thuốc trừ sâu, diệt cỏ hành hạ đến nỗi trở nên điên loạn, giết con vô cớ, đánh nhau lung tung và sẵn sàng giao phối với cá thể cùng phái. Tại nhiều vùng núi cao, tưởng chừng chất độc không lan đến được, hiện tượng rối loạn hành vi và sinh sản do bị nhiễm độc cũng ảnh hưởng gián tiếp đến nhiều loài. Do ăn phải những con chuột và dơi nhiễm chì, một số chim ưng trên dãy Alpes và Andes đã trở nên “trái tính”, ăn cả chim con khi quá đói, hoặc vừa đẻ trứng xong đã hất sạch trứng ra khỏi tổ…

Tại hội nghị xử lý chất độc được tổ chức mới đây tại Amsterdam, Hà Lan, hơn 200 nhà khoa học đã nhất trí đề nghị hơn 30 biện pháp cấp thời chống ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Mục tiêu của những kế sách này không phải chỉ giúp để bảo vệ con người mà còn giúp muôn loài trở về cuộc sống bình thường. Hơn ai hết, giới khoa học hiểu rằng, một khi thế giới loài vật nổi loạn thì những hậu quả mà con người phải gánh chịu chắc chắn sẽ không hề nhỏ!

       Khánh An (Theo Le Monde)


Ý kiến của bạn