Lần thứ 2 WHO họp khẩn về căn bệnh dịch do virus NCoV
Dịch bệnh gây viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) có khởi nguồn tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong tăng hàng nghìn trường hợp mỗi ngày . Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để đối phó với căn bệnh này như huy động hàng nghìn y bác sĩ ở các tỉnh trong cả nước tới Hồ Bắc – trung tâm dịch bệnh- để cứu chữa cho người dân, xây mới bệnh viện, ngừng hoạt động các phương tiện công cộng, kéo dài thời gian nghỉ lễ, hủy bỏ các hoạt động lễ hội hay phong tỏa các thành phố có nhiều người mắc bệnh… . Tuy nhiên con số người mắc, chết hay nghi nhiễm bệnh, phải cách ly vẫn không ngừng tăng lên.
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, số người mắc bệnh do NCoV tại Trung Quốc đã vượt xa số người mắc hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) – dịch bệnh đã khiến cho 5327 người mắc và 349 người tử vong, và gây thiệt hại lớn ở Trung Quốc hồi cuối năm 2002 đầu năm 2003.
Bệnh viện ở Vũ Hán tràn ngập bệnh nhân đến khám
Chuyên gia y tế cho rằng, dịch bệnh do NCoV không nguy hiểm bằng SARS, dù nó dễ lây lan hơn. Những thông tin dự báo chủng virus corona mới ở Vũ Hán sẽ tạo ra một đại dịch SARS tiếp theo có thể chỉ là những “kịch bản” bị thổi phồng. Chuyên gia hô hấp hàng đầu của Trung Quốc, ông Zhong Nanshan dự báo dịch bệnh do NCoV tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vòng từ 7-10 ngày nữa.
Trước tình hình đó, ngày 30/1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế giới (WHO) triệu tập cuộc họp khẩn cấp cùng các chuyên gia trên thế giới để xác định liệu dịch viêm phổi do NCoV có phải là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ Vũ Hán
Dịch bệnh do NCoV đang ảnh hưởng không chỉ tới đời sống của người dân Trung Quốc mà dự báo sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của cả Trung Quốc và thế giới.
Những hình ảnh xuất hiện thường xuyên ở mọi nơi
Tại cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đầu tiên trong năm tài chính 2020 , các chuyên gia lo ngại dịch bệnh viêm phổi do nCoV bùng phát sẽ tác động xấu đến kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân là do dịch bệnh không chỉ ở Trung Quốc mà còn lây lan sang nhiều nước khác có thể khiến cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc, kéo theo tác động đến kinh tế toàn cầu trong đó có cả Mỹ. Nhu cầu về hàng hóa ở Trung Quốc giảm , có thể tác động tiêu cực đến thỏa thuận thương mại Mỹ Trung đang được tiến hành.
Thị trường chứng khoán thế giới “chao đảo” trước nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Từ châu Á đến Mỹ, hàng loạt thị trường đều chìm trong sắc đỏ giảm điểm, nhiều công ty du lịch tới Trung Quốc cổ phiếu “lao dốc”.
Nhiều hãng hàng không trên thế giới đã ngừng hoặc giảm số chuyến bay tới Trung Quốc như Air France, British Airways, Cathay Pacific, Finnair, Lion Air, United Airlines. Các tập đoàn toàn cầu cũng hạn chế nhân viên tới nước này. Thậm chí, một công ty sản xuất ô tô của Nhật còn tuyên bố đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc đến ngày 9/2, các chuỗi cà phê Starbucks đóng cửa một nửa số cửa hàng ở nước này, nhà bán đồ nội thất hàng đầu thế giới IKEA cũng tuyên bố đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Trung Quốc….
Các bệnh viện vật lộn với tình trạng quá tải bệnh nhân
Hàng loạt quốc gia sơ tán công dân
Mặc dù một cuộc sơ tán quy mô lớn chưa diễn ra, nhưng nhiều quốc gia đã đưa máy bay tới khu vực trung tâm của dịch bệnh để sơ tán khẩn cấp công dân của mình. Ngày 29/1, Nhật Bản đã đưa 206 người di tản khỏi Vũ Hán bằng máy bay, đưa tổng số người Nhật sơ tán khỏi Trung Quốc lên 650 người kể từ khi dịch bệnh xảy ra.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ đã sơ tán hàng trăm người khỏi thành phố Vũ Hán. Sáng ngày 30/1, một loạt quốc gia thông báohọ đang tiến hành các bước để di tản công dân của mình khỏi Vũ Hán như New Zealand, Singapore, Indonesia, Australia…
Chính phủ các nước đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn ngay từ khu vực biên giới như Nga hạn chế hoạt động đường sắt nối với Trung Quốc, đóng cửa 5 khu vực có cửa khẩu biên giới với Trung Quốc ở Viễn Đông. 720 người Hàn Quốc trở về nước từ Vũ Hán bị cách ly theo dõi ngay tại sân bay, dự kiến sẽ có hàng trăm người nữa cũng bị cách ly khi trở về quê hương “trốn” khỏi dịch bệnh ở Trung Quốc. Trong động thái mạnh nhất, Kazakhstan đình chỉ các tuyến giao thông đường bộ và đường hàng không với Trung Quốc, ngưng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc nhập cảnh nước này. Nhiều quốc gia đã ban hành các khuyến cáo người dân hạn chế đến Trung Quốc.