Thế giới đối mặt với cuộc chiến tiền tệ

16-02-2013 15:16 | Quốc tế

Để thúc đẩy kinh tế quốc gia tìm lại con đường tăng trưởng, nhiều Ngân hàng Nhà nước chủ trương giảm tỷ suất hối đoái. Trung Quốc với chính sách kiềm giá đồng tiền, Hoa Kỳ với biện pháp giữ lãi suất gần mức số 0,

Để thúc đẩy kinh tế quốc gia tìm lại con đường tăng trưởng, nhiều Ngân hàng Nhà nước chủ trương giảm tỷ suất hối đoái. Trung Quốc với chính sách kiềm giá đồng tiền, Hoa Kỳ với biện pháp giữ lãi suất gần mức số 0, bây giờ đến lượt Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tung đồng yen tràn ngập thị trường. Nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua phá giá đồng tiền đe dọa thế giới.

Chỉ trong vòng 2 tháng, trị giá đồng yen của Nhật đã giảm 10% so với đôla Mỹ và 20% đối với euro. Nguy cơ chiến tranh tiền tệ sẽ là trọng tâm của nhiều cuộc thảo luận gần đây, tại Brussels, trong khối sử dụng đồng euro và vào cuối tuần tại Matxcơva trong nhóm G20.

Thế giới đối mặt với cuộc chiến tiền tệ 1
Nguy cơ chiến tranh tiền tệ sẽ là trọng tâm của nhiều cuộc thảo luận gần đây.

Trong cuộc họp của nhóm đồng tiền chung euro, Pháp nêu vấn đề trị giá cao của đồng euro cản trở chính sách ngoại thương và làm tiêu tan hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng xuất khẩu. Tại Thủ đô nước Nga, nhóm G20, 20 quốc gia phát triển nhất địa cầu sẽ thảo luận về viễn cảnh kinh tế toàn cầu bị đe dọa vì các biện pháp hạ giá các đơn vị tiền tệ chính yếu trên thế giới trừ đồng euro.

Nhật Bản bị cáo buộc “khơi ngọn lửa” chiến tranh tiền tệ, nhưng trên thực tế từ 5 năm qua, hầu hết các cường quốc kinh tế, trừ khối đồng tiền chung euro đã “điều chỉnh” đồng tiền quốc gia kích thích kinh tế. Cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới là Trung Quốc đã kiềm chế đồng nhân dân tệ thấp hơn trị giá thật, như là vũ khí để thúc đẩy xuất khẩu. Bị Hoa Kỳ phản đối, Bắc Kinh chỉ “thả nổi” tỷ suất hối đoái 2% mỗi năm thay vì phải 10% theo nhịp độ tự nhiên của thị trường.

Hoa Kỳ cũng không phải là tay vừa. Sau đợt khủng hoảng nợ xấu năm 2008, Ngân hàng Liên bang Mỹ liên tục hạ lãi suất chỉ đạo và in đô-la tung ra thị trường để tài trợ cho các kế hoạch chấn hưng kinh tế và xuất khẩu. Tại châu Âu, Anh quốc cũng áp dụng cùng biện pháp để hạ giá bảng Anh. Tuy kết quả không rõ nét bằng Hoa Kỳ, nhưng từ một tháng nay, bảng Anh mất 6% trị giá so với euro. Cũng từ một tháng nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đi theo con đường này. Cuối cùng, chỉ có Ngân hàng Trung ương châu Âu còn chậm chân. Lo ngại kinh tế vùng đồng tiền chung euro bị thua thiệt và những nỗ lực cải cách kinh tế của Chính phủ Pháp bị cuốn trôi, Paris kêu gọi phải có “thảo luận” về trị giá đồng euro, phải có một chính sách hối đoái co giãn hơn. Tuy nhiên, Chính phủ Đức với nỗi ám ảnh lạm phát của thập niên 1920 mở đường cho chế độ Quốc xã, chủ trương duy trì đồng euro vững mạnh.

Vấn đề là nếu tất cả mọi quốc gia đều phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu, thì sau những hiệu quả đầu tiên, vực dậy guồng máy sản xuất thì chính sách này sẽ đưa đến hậu quả lạm phát không tránh khỏi. Trong lịch sử, cuộc chiến tranh tiền tệ đầu tiên xảy ra vào năm 1930 tiếp theo khủng hoảng 1929 và nạn lạm phát phi mã tại Đức mà hậu quả cuối cùng là Thế chiến thứ hai 1939 - 1945.

Theo Fréderic Ducrozet, một chuyên gia ngân hàng Pháp thì “nỗi đau khổ” của châu Âu là Ngân hàng Trung ương BCE không có thẩm quyền ấn định chính sách hối đoái. Nhưng một phần có thể là tình trạng châu Âu chưa đến nỗi nguy ngập để các thành viên chấp thuận bàn bạc về trị giá hối đoái của đồng tiền chung.

Nguy cơ vùng euro bị cô lập có lẽ không tránh được. Quyết định của Nhật Bản yểm trợ đồng yen để cạnh tranh đã buộc Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schable nhìn nhận là tình hình “đáng quan tâm”. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jens Weimann lo ngại thế giới không tránh khỏi một cuộc đua phá giá tiền tệ thay vì tập trung giải quyết nợ công.

(Theo Bloombergs, AFP)

Song Minh

Kịch bản chiến tranh tiền tệ nổ ra luôn được các nhà kinh tế học lưu tâm bởi đây chính là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến cuộc đại suy thoái hồi những năm 1930, đặc biệt là trong thời kỳ 1931 - 1933. Kinh tế thế giới đã phải mất tới một vài thập kỷ để chữa lành những vết thương mà chiến tranh tiền tệ gây ra cho nền thương mại toàn cầu.

Thời kỳ tồi tệ nhất của chiến tranh tiền tệ trong những năm 1930 được châm ngòi bởi sự kiện đồng bảng Anh rời khỏi chế độ bản vị vàng vào năm 1931, kéo theo việc đồng tiền này giảm giá so với tất cả các đồng tiền còn lại. Các nước còn lại không phản ứng bằng cách rút khỏi chế độ bản vị vàng mà áp dụng các biện pháp quản lý đối với thương mại tự do. Hàng loạt chính sách thuế quan, hạn ngạch và kiểm soát tỷ giá hối đoái được đưa ra.



Ý kiến của bạn