Xong việc tại một quán cà phê, DJ Na được một khách nam mời dùng nước ngọt (đã rót sẵn ra ly). Nể mặt khách và chủ quán, nữ DJ uống vài ngụm chiếu lệ, không ngờ rằng ly nước ngọt đã bị bỏ chất kích thích...
Bị khách bỏ chất kích thích vào thức uống, thường xuyên nhận phải những lời gạ gẫm sau giờ làm... là những tình huống mà hầu hết các DJ từng gặp phải khi làm việc trong môi trường đầy phức tạp như các quán bar, club.
Cạm bẫy chết người
Trong vai trò là những vị khách, chúng tôi có mặt tại một quán bar ở Q.1, TP.HCM. Càng về khuya, không khí ở đây càng nhộn nhịp. Trên bục cao, một nữ DJ gợi cảm đang say sưa chơi nhạc nhưng chốc chốc vẫn phải ngước lên mỉm cười, đáp lại những lời trêu chọc hay những tiếng huýt sáo từ các khách nam.
DJ Na cho biết: “Là DJ thì không thể tránh khỏi cảm giác mọi ánh mắt đổ dồn về phía mình, có khi là soi từ đầu đến chân luôn. Đi làm thì hay gặp những khách nam xin số điện thoại làm quen, rồi gạ gẫm. Bởi vậy, mình phải nhanh nhạy, thấy khách không đàng hoàng thì phải khéo léo lánh đi chỗ khác. Nhưng cũng có trường hợp vì nể chủ quán mà DJ vẫn phải tiếp rượu khách”.
Nữ DJ cho biết cô từng suýt bị lợi dụng trong một lần được khách mời nước. “Lúc đó em làm DJ trong một quán cà phê. Có nhóm khách rót nước ngọt ra ly rồi mời em uống, em chủ quan nên cũng hớp vài ngụm. Đến lúc ra về, người đó đi theo xin số điện thoại đồng thời thú nhận đã bỏ thuốc kích thích vào trong ly nước của em. Em giận lắm, cảm giác rất ghê tởm vì bị lợi dụng. Còn khi về đến nhà thì choáng váng mặt mày do tác dụng của thuốc. Từ đó về sau em luôn thận trọng mỗi khi có khách mời nước”, Na chua chát.
DJ Oxy, một trong những nữ DJ nổi tiếng ở Sài Gòn, cũng góp thêm câu chuyện: “Làm việc trong môi trường này hầu như ai cũng từng gặp những trường hợp “không vui”. Ngày trước em làm việc cố định cho một club lớn ở Sài Gòn. Khách mời bia thì em lịch sự uống 20% để người quản lý đỡ khó xử nhưng khi uống xong rồi em mới biết họ đã pha chất kích thích vào chung với bia. Lúc đó em thấy trong người lạ lạ, buồn nôn và mắt không thấy gì. Khoảng 10 phút sau thì em ngất xỉu trên quầy DJ luôn. Từ đó về sau không bao giờ em dám uống bất cứ món gì của khách mời nữa mà tự bảo vệ bằng cách tự chuẩn bị ly bia cho riêng mình”.
Nam cũng bị gạ gẫm
Không chỉ các DJ nữ mà ngay cả các DJ nam cũng dễ rơi vào cạm bẫy nếu không đủ tỉnh táo và giữ vững lập trường.
DJ K. làm việc tại một club ở Q.1 (TP.HCM) cho biết với các DJ nam, chuyện được khách đồng tính gạ gẫm vẫn thường xảy ra. Thậm chí có nhiều “đại gia”, “công tử” sẵn sàng chi mạnh để đưa DJ về nhà phục vụ cho những buổi tiệc tùng thâu đêm mà nếu bản thân DJ không đủ tỉnh táo cũng sẽ dễ dàng sa lầy vào những cuộc ăn chơi thác loạn này.
Không chỉ phải đối phó với những “cạm bẫy chết người” tại nơi làm việc, các DJ còn phải đối mặt với những cám dỗ từ chính công việc của mình. Lâu nay, những người “ngoại đạo” vẫn thường “bán tín bán nghi” về việc các DJ sử dụng thuốc lắc, chất kích thích khi làm việc để có thể “phiêu” theo nhạc. Việc này được các DJ khẳng định là “có nhưng cũng tùy người”.
DJ N. chơi nhạc cho một quán bar ở Q.1, TP.HCM thừa nhận cô từng thử dùng thuốc lắc nhưng chỉ là thử qua để sau này “biết đường mà né”. “Dùng thuốc sẽ giúp tinh thần hưng phấn, cảm nhạc tốt, tự tin hơn nhưng bù lại, nó rất có hại cho sức khỏe, dễ mất sức rồi mất việc như chơi. Biết vậy nhưng một số DJ vẫn sử dụng thuốc khi làm việc, có người còn bị lệ thuộc và sa vào con đường đen tối...”, nữ DJ này chia sẻ.
“Quan trọng vẫn là ý thức và bản lĩnh của mỗi người. Nhiều người nghĩ rằng DJ làm việc trong môi trường phức tạp nhưng thực tế, nếu bạn chỉ đến chơi nhạc rồi về, biết giữ khoảng cách với khách và tỉnh táo trước những cám dỗ thì chẳng ai làm được gì bạn. Ngược lại, không ít DJ đến với nghề để nhanh kiếm tiền thì chuyện cặp kè đại gia rồi bỏ nghề cũng không có gì lạ”, DJ K. tâm sự.