Thế giới đau đầu vì vấn nạn thủy triều đỏ

02-05-2016 18:23 | Quốc tế

SKĐS - Trong những năm qua, nạn thủy triều đỏ do tảo nở hoa được coi là thủ phạm đứng sau nhiều đợt cá và sinh vật biển chết với số lượng lên tới hàng nghìn con.

Trong những năm qua, nạn thủy triều đỏ do tảo nở hoa được coi là thủ phạm đứng sau nhiều đợt cá và sinh vật biển chết với số lượng lên tới hàng nghìn con. Trước hiện tượng này, nhiều quốc gia đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu mọi tác hại tới môi trường nhằm bảo vệ khu vực biển của mình.

“Ðồ tể” của cá và sinh vật biển

Vừa qua, Bộ Quốc phòng Chile ra thông báo rằng thủy triều đỏ đã làm hàng tấn ngao chết tại vùng biển Grande de Cucao, thuộc quần đảo Chiloé, cách Thủ đô Santiago 1.100km về phía Nam. Tại đây, ngao chết trắng dọc 5km bờ biển Grande de Cucao và rộng hơn 1km. Ngoài ra, còn có khoảng 23 triệu con cá mòi tại khu vực phía Nam Chile đồng loạt chết vào hồi tháng 3/2016 vì nạn thủy triều đỏ.

Cá chết nhiều gần Trung tâm Giải trí Bãi biển St. Pete ở vịnh Boca Ciega, Florida, Mỹ, vào tháng 12/2015.

Trước đó, tháng 12/2015, cá chết dồn đống gần Trung tâm Giải trí Bãi biển St. Pete ở vịnh Boca Ciega, Florida, Mỹ và nguyên nhân được xác định là do thủy triều đỏ làm cá chết ngạt. Cùng thời điểm này, cũng vào tháng 12/2015, 36 tấn cá chết dạt vào cửa sông Shing Mun, Sha Tin, Hong Kong do thủy triều đỏ bắt nguồn từ sự nở rộ của loài tảo độc tên Karenia papilionacea.

Tháng 11/2014, thủy triều đỏ xuất hiện tại vùng biển Dameisha, Trung Quốc khiến các nhà chức trách nước này ra lệnh cấm bơi, đánh bắt cá. Kế đó, thủy triều đỏ cũng được coi là một nguyên nhân có thể gây ra cái chết hàng loạt của những con mực ở California (Mỹ) vào năm 2012. Tháng 7/2013, thủy triều đỏ gây ra do tảo nâu khiến 80 tấn cá chết trôi dạt vào vùng bờ biển phía Nam bang Mississippi, Mỹ. Tháng 8/2013, hàng nghìn con cá mòi dầu chết hàng loạt tại vịnh Greenwich, Rhode Island, Mỹ vì nạn tảo đỏ sinh sôi bùng nổ, gây cạn khí oxy trong nước. Tháng 8/2013, chính quyền Hàn Quốc phải phát lệnh cảnh báo thủy triều tại khu vực biển phía Đông và Tây nước này, đồng thời triệu tập các chuyên gia và ngư dân để cùng tìm ra biện pháp đối phó với thủy triều. Theo báo cáo của tạp chí Science World, cái chết của 829 con lợn biển ở Florida vào năm 2006 được ghi nhận là do thủy triều đỏ gây ra. Những con lợn này chết sau khi ăn cỏ biển nhiễm độc tố từ tảo.

Có thể lỗi do con người?

Được biết, thủy triều đỏ xuất hiện hoàn toàn do các nguyên nhân tự nhiên, bao gồm mưa theo mùa ở các khu vực ven biển, sự chuyển động của các dòng hải lưu nhất định. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra thường xuyên và rộng khắp một phần như vậy có thể là do tác động của con người.

Cụ thể, nước thải từ các thành phố, khu dân cư, trang trại nông nghiệp mang theo lượng lớn chất hữu cơ chảy ra sông, biển. Trong khi đó, quá trình nuôi cá và các loài sinh vật khác trên biển cũng tạo ra hiện tượng tương tự. Lượng lớn chất hữu cơ này có thể “vô tình” trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho tảo, giúp chúng sinh sôi và phát triển mạnh mẽ, gây ra hiện tượng thủy triều đỏ ngày càng trở nên phổ biến.

Thủy triều đỏ cũng được cho xảy ra là do có liên quan đến biến đổi khí hậu quy mô lớn, như hiện tượng El Nino.

Được biết, hiện chưa có giải pháp đối phó nào tỏ ra hữu hiệu đối với nạn thủy triều đỏ. Vì vậy, nhằm đối phó trước mắt với hiện tượng tự nhiên nguy hiểm này, một số quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ sử dụng các phương pháp như dùng đất sét hòa thành dung dịch rồi phun trực tiếp lên bề mặt của thủy triều đỏ. Đất sét sẽ bám vào tảo, hút theo chúng xuống tầng đáy biển và chết. Tuy nhiên, biện pháp này có nhược điểm là nếu sử dụng quá nhiều, lượng đất sét chìm xuống quá lớn sẽ gây chết các loại động vật đáy khác.

Ngoài ra, còn có một số biện pháp khác như: tập trung nghiên cứu thời điểm, thời gian xuất hiện của loại tảo này, từ đó có kế hoạnh thu hoạch thủy hải sản để tránh thủy triều đỏ; không dẫn nước có tảo này vào đầm nuôi, ao nuôi; di chuyển bè nuôi, lồng nuôi tránh thủy triều đỏ, hạ thấp lồng nuôi xuống độ sâu thấp hơn mực nước có thủy triều đỏ...

Song các biện pháp trên chỉ có thể được giải quyết tình thế trước mắt mà thôi. Về lâu dài, việc thay đổi nhận thức của con người nhằm ngăn biến đổi khí hậu vẫn được coi là mấu chốt để giải quyết vấn nạn này.

(Theo Mirror, South China Morning Post, National Geographic)


Hà Anh
Ý kiến của bạn