Thế giới đang phải đối mặt khan hiếm máu trầm trọng

04-11-2019 13:28 | Thông tin dược học

SKĐS - Lượng máu hiến cứu người không đủ đáp ứng nhu cầu truyền máu cho người bệnh khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm máu nghiêm trọng. Đây là công bố mới nhất về cung và cầu máu toàn cầu được đánh giá ở 119/195 quốc gia.

Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia bao gồm: tất cả các nước ở miền Trung, Đông, Tây Sahara ở châu Phi, châu Đại Dương (không bao gồm Australia) và Nam Á đang thiếu khoảng 102.359.632 đơn vị máu.

Truyền máu là phương pháp chữa trị quan trọng của y học hiện đại, giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Nhưng ở các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình, nhiều bệnh nhân trong các bệnh viện không được tiếp cận với nguồn máu hiến kịp thời và an toàn.

Trên khắp thế giới, hơn 100 triệu đơn vị máu được hiến hàng năm và 42% trong số đó từ các nước phát triển nhưng chỉ chiếm ít hơn 16% dân số thế giới.

Ở châu Phi, 38 quốc gia thu nhập thấp có số lượng người đi hiến máu ít hơn chỉ tiêu đặt ra của WHO và thường không có bộ dụng cụ xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV. Theo báo cáo của WHO, hiện Nam Susan là nước có nguồn máu dự trữ thấp nhất với 46 đơn vị máu dự trữ/100.000 dân. Trên thực tế, nhu cầu về máu của quốc gia này được coi là lớn gấp 75 lần so với nguồn cung. Ở Ấn Độ, sự khan hiếm về máu hiến cũng đặc biệt nghiêm trọng với sự thiếu hụt 41% và nhu cầu vượt xa nguồn cung tới hơn 400%. Do đó, các nhà khoa học đề nghị “cần phải có các khoản đầu tư chiến lược ở các nước thu nhập thấp và trung bình để truyền thông về việc hiến máu đồng thời tìm kiếm các phương án thay thế cho việc truyền máu”.


Quang Thành
Ý kiến của bạn