Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm khoảng 1/3 sản lượng thực phẩm toàn cầu tương đương 1,3 tỉ tấn lương thực bị lãng phí hoặc mất mát trong khi 1/7 số người người trên thế giới thiếu đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày vì đói. Trái đất của chúng ta đang phải cố gắng duy trì sự sống cho 7 tỉ người.
ImechE - một viện nghiên cứu ở Anh và nhiều tổ chức khác cũng đã cảnh báo thực trạng lương thực, thực phẩm bị lãng phí vô tội vạ ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển. Tại Bắc Mỹ và châu Âu, lượng thực phẩm được sản xuất ra bị vứt bỏ thậm chí chiếm tới một nửa và phần lớn bị loại bỏ trên đường từ cánh đồng đến cửa hàng trước khi lên bàn ăn. Ở Đức, cứ hai cây xà lách, hai củ khoai tây thì có một cây - củ bị vứt bỏ, tỷ lệ này với bánh mỳ là 1/5. Bình quân mỗi người tiêu dùng Đức vứt bỏ khoảng 100kg lương thực, thực phẩm trong một năm. Tại Anh, hằng năm, khoảng 7 triệu tấn thực phẩm, trị giá trên 10 tỉ bảng bị vứt bỏ. Còn tại Mỹ, mỗi năm nước này vứt bỏ gần một nửa lượng thực phẩm sản xuất ra, trị giá khoảng 165 tỉ USD.
Đây là một sự thực phi lý đến đau lòng khi nó diễn ra trong bối cảnh dân số thế giới không ngừng tăng, thức ăn ngày càng khan hiếm, đắt đỏ và khoảng một tỷ người đang phải sống trong tình trạng thiếu dinh dưỡng.
Sự lãng phí lớn?
Khoảng một nửa số khoai tây ở Đức bị loại bỏ ngay trên đồng ruộng chỉ vì củ quá lớn, quá bé hoặc vì bất cứ lý do gì khiến chúng không đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà thu mua. Tại Anh, khi có tới 30% lượng rau củ quả trồng ở nước này không bao giờ được sử dụng, đa số bị bỏ lại trên đồng ruộng hoặc bị các siêu thị từ chối chỉ vì không đảm bảo yếu tố hình thức.
Những quy định về tiêu chuẩn của thực phẩm, không liên quan gì đến chất lượng ở các nước giàu đang ảnh hưởng tới cả thế giới. Người nông dân Cameroon làm việc ở đồn điền chuối phải loại bỏ nhiều nải chuối chỉ vì không đạt tiêu chuẩn của khách hàng châu Âu như: độ lớn, độ dài, thậm chí cả số lượng quả trên một nải chuối. Vì những đòi hỏi khắt khe này mà khoảng 8% sản phẩm đã bị hủy bỏ ngay sau khi thu hoạch, một lượng sản phẩm không nhỏ bị hư hỏng và phải thải loại trong quá trình vận chuyển. Nhiều thực phẩm không đảm bảo hình thức hoặc gần hết hạn nhưng vẫn còn sử dụng tốt bị loại bỏ không thương tiếc.
Tại các nước đang phát triển, lãng phí thực phẩm chủ yếu do đường vận chuyển không tiện lợi, các cơ sở chế biến và đóng gói thực phẩm, các kho chứa... không đủ năng lực bảo quản hàng hóa tươi ngon lâu đã khiến một phần lớn thực phẩm bị loại bỏ trên đường từ cánh đồng đến siêu thị.
Những tính toán của FAO cho thấy, gần một tỉ người đang đói trên thế giới có thể thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng chỉ cần nhờ vào 1/4 lượng thực phẩm đang bị lãng phí ở Mỹ và châu Âu.
Ngừng lãng phí thực phẩm còn là giải pháp cứu trái đất đang quá tải do nông nghiệp và chăn nuôi là ngành tiêu tốn nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước và năng lượng. Lượng nước tưới tiêu dùng cho số thực phẩm bị lãng phí đủ để dùng cho sinh hoạt cá nhân của 9 tỉ người, với khoảng 200 lít/người/ngày. Ngoài ra, 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các nước giàu là xuất phát từ hoạt động sản xuất lượng thực phẩm mà con người không bao giờ dùng đến.
IMechE đã kêu gọi thế giới có những hoạt động cấp thiết nhằm giải quyết tình trạng lãng phí nói trên.
(Theo VEA)
Trần Giữu
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2013 được Ðại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn là “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”. Ðó là chiến dịch mới mà Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và FAO cùng nhiều đối tác khác khuyến khích mọi người tránh lãng phí thực phẩm và lựa chọn những loại thực phẩm ít ảnh hưởng đến môi trường. Các hoạt động quốc tế kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2013 sẽ được tổ chức tại Mông Cổ, một quốc gia đang tiến hành chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Tại Việt Nam, Ngày Môi trường thế giới 2013 sẽ được tổ chức từ ngày 4 - 5/6 tại TP. Huế. Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới dự kiến sẽ được tổ chức tại Nghinh Lương Ðình (bên bờ sông Hương) vào sáng 5/6. “Suy nghĩ - Ăn uống - Tiết kiệm” là nội dung của chiến dịch chống lại sự lãng phí thực phẩm, khuyến khích việc giảm thiểu thực phẩm thừa và chất thải. Chất thải thực phẩm là một nguồn thải khổng lồ đối với tài nguyên thiên nhiên và gây ra các tác động tiêu cực về môi trường. |