Hà Nội

Thế giới công nhận thành tựu vi phẫu thuật Việt Nam

25-03-2014 20:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các nước có thể thực hiện thành công hàng trăm ca vi phẫu phức tạp với tỉ lệ phục hồi trên 97%.

Trong hai ngày 24-25/03, 120 chuyên gia, bác sĩ phẫu thuật hàng đầu về Vi phẫu thuật Việt Nam và thế giới đã cùng tham dự “Hội thảo Quốc tế về Vi phẫu thuật”, chứng kiến ca phẫu thuật vi phẫu được truyền hình trực tiếp và thực hiện bởi các bác sĩ bệnh viện Quân y 108, Hà Nội.

Tại Hội thảo, bác sĩ vi phẫu nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ, bác sỹ Craig Merrel và Giáo sư Sheng Feng Jeng , người Đài Loan sẽ cùng chia sẻ với các bác sĩ phẫu thuật đầu ngành của Việt Nam về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực này, đồng thời giới thiệu một số kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Hoạt động này không chỉ tạo nên những hiểu biết sâu sắc hơn giữa các chuyên gia, bác sĩ phẫu thuật trong nước mà còn thúc đấy quan hệ hợp tác gắn bó giữa các viện nghiên cứu vi phẫu giữa Hoa Kỳ, Đài Loan và các bệnh viện Việt Nam.

Bác sỹ Craig Merrel nhận bằng khen và kỷ niệm chương của Bệnh viện Quân y 108 vì những đóng góp to lớn của ông trong ngành vi phẫu thuật ở Việt Nam.

 

Vi phẫu thuật – Một chặng đường lịch sử

Kỹ thuật mổ vi phẫu chỉ mới xuất hiện vào những năm 1920, sau khi phát minh ra kính hiển vi và Carl Nylen lần đầu tiên trong lịch sử dùng kính hiển vi để mổ tai thành công. Ông đã tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và phẫu thuật qua kính hiển vi kỹ thuật cao với dụng cụ mổ thiết kế tinh tế. Từ đó đến nay, vi phẫu được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như: ghép mạch máu, thần kinh, phẫu thuật bàn tay, tạo hình…Trong nhiều năm qua, vi phẫu thuật đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong cấy ghép và chuyển ghép mô.

LỊCH SỬ VI PHẪU THẾ GIỚI

Thế kỷ 17, Leewenhook phát minh kính hiển vi

- 1921: Nylen sử dụng kính hiển vi trong mổ tai

- 1960: Jacobson khâu nối thành công mạch máu có

đường kính 1mm.

- 1962: Malt và 1963: Cheng C Wei khâu nối thành công bàn

tay đứt lìa.

- 1964: Smith khâu thần kinh theo từng bó sợi.

- 1965: Tamai khâu nối thành công ngón tay cái.

- 1973: Taylor, Daniel: Chuyển vạt mô tự do.

Ngày nay, vi phẫu thuật là thuật ngữ dùng để chỉ phẫu thuật sử dụng đến kính hiển vi với độ phóng đại thông thường từ 10 - 20 lần để phẫu tích, khâu nối những mạch máu, thần kinh có kích thước chỉ khoảng 1mm, đường kính bằng những sợi chỉ từ 15 - 42 micron (khoảng 1/10 đường kính của sợi tóc).

Vi phẫu ra đời giúp nối liền các bộ phận đứt liền của cơ thể, nhờ kỹ thuật nối các mạch máu thành công, hoặc khôi phục lại các cơ vận động bị liệt, điều mà trước đó y học buộc phải bó tay và bệnh nhân chấp nhận những tổn thương vĩnh viễn.

Năm 1980, GS Nguyễn Huy Phan là người đã tiên phong thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện kỹ thuật mổ vi phẫu tại Việt Nam. Khi đó ông đang công tác ở bệnh viện Quân y 108, Hà Nội. Tuy nhiên, thời kỳ này nước ta vẫn còn thiếu thốn phương thiết bị và bác sĩ Nguyễn Huy Phan vẫn phải tự mày mò nghiên cứu, phát triển thêm về kỹ thuật vi phẫu.

Năm 1991, một nhóm các bác sĩ phẫu thuật tạo hình Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi bác sỹ Craig Merrel đã tình nguyện đến Việt Nam và bắt đầu chương trình điều trị cho các bệnh nhân cần sự can thiệp của vi phẫu thuật. Bác sỹ Craig cùng các đồng nghiệp đã giới thiệu các kỹ thuật cao trong ngành đến các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam thời ấy. Ông và GS Huy Phan nhanh chóng thân thiết, gắn bó như những người anh em, cùng hết lòng truyền dạy kỹ thuật vi phẫu cho các bác sỹ trẻ tại bệnh viện 108.

Năm 2002, bác sỹ vi phẫu nổi tiếng thế giới đến từ Đài Loan, GS. Fu Chan Wei và đồng nghiệp, GS Jeng Feng Seng cùng đến Việt Nam theo hợp tác với tổ chức Operation Smile và cùng Bệnh viện 108 xây dựng Chương trình Học bổng Nội trú giữa Operation Smile với Bệnh viện Quốc tế Chang-Gung, Đài Loan, giúp hỗ trợ, đào tạo các bác sỹ vi phẫu tương lai tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các nước có thể thực hiện thành công hàng trăm ca vi phẫu phức tạp với tỉ lệ phục hồi trên 97%. Trở lại Việt Nam lần này, bác sỹ Craig đã thực sự bất ngờ và xúc động nói: “Các bạn đã tiến bộ tuyệt vời và làm bác sỹ Phan tự hào. Một đồng nghiệp của tôi đã không tin Việt Nam có thể đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, nhưng các bạn đã chứng minh rằng anh ấy sai rồi!”

Ảnh chụp nội dung bức thư của một đồng nghiệp người Mỹ gửi bác sỹ Craig trong thời gian đầu giảng dạy kỹ thuật vi phẫu cho Việt Nam. Trong thư, người đồng nghiệp cho rằng đào tạo vi phẫu cho bác sỹ Việt rất khó khăn, ông đã thử và không thành công. Giờ đây, bác sỹ Craig khẳng định: "Jack là một người tốt, nhưng anh đã sai rồi".

 

Những thành tựu vi phẫu Việt Nam

Vi phẫu Việt Nam bắt đầu và phát triển một chặn đường chưa quá 35 năm, nhưng lớp bác sỹ kế cận, những học trò đầy tâm huyết của GS Phan đã nỗ lực không ngừng để học tập và phát triển kỹ thuật vi phẫu, đem đến hạnh phúc cho hàng ngàn bệnh nhân với những tổn thương tưởng như không thể chữa lành được.

Từ năm 1991 đến nay, các bác sỹ thuộc bệnh viện Quân Y 108 đã thực hiện phẫu thuật vi phẫu thành công cho khoảng 1754 ca bệnh phức tạp, với tỷ lệ thành công trung bình trên 95%. Trên thế giới, vi phẫu luôn là kỹ thuật khó thực hiện, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chuẩn xác của đội ngũ bác sỹ và chưa bao giờ vi phẫu đảm bảo thành công 100%.

Bệnh nhân người Lào được cứu sống thành công nhờ vi phẫu bởi các bác sỹ bệnh viện Quân Y 108 cách đây nhiều năm cũng đến dự hội thảo. Bà từng bị cuốn tóc vào guồng máy làm chấn thương và lột da vùng sọ, các bác sỹ Việt Nam đã cắt và ghép vùng da mới cho hộp sọ và cứu sống bà.

 

Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống về kỹ thuật vi phẫu ở Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Tài Sơn, bác sỹ có kinh nghiệm thực hiện trên 80 ca vi phẫu phức tạp tại bệnh viện Quân y 108 nói:

“Hiện nay viện 108 có 2 đơn vị thực hiện vi phẫu...Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu ghép tử cung cho các bệnh nhân nữ không có tử cung, nhằm giúp phụ nữ vô sinh hiếm muộn có thể có con như bình thường”.

PGS. Nguyễn Tài Sơn

“Cho đến nay, vi phẫu Việt Nam đã có 35 năm kinh nghiệm, có thể thực hiện tất cả các loại vạt tự do trên cơ thể để che phủ các khuyết hổng tổ chức do chấn thương sau phẫu thuật cắt các khối u, hoặc tạo dựng lại các cơ quan bị khuyết hổng như mũi, môi, ngực, vành tai, dương vật,… Trình độ kỹ thuật và tỷ lệ thành công của chúng ta tương đương với các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới.”

Bác sỹ Sơn cũng cho biết: “Hiện nay viện 108 có 2 đơn vị thực hiện vi phẫu: Khoa phẫu thuật Hàm mặt & Tạo hình, chuyên làm các tạo hình vùng đầu, mặt, cổ,… và các cơ quan khác như dương vật, phần ngực,… Cùng với khoa Chấn thương chỉnh hình, làm vi phẫu tại các phần trên cơ thể. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu ghép tử cung cho các bệnh nhân nữ không có tử cung, nhằm giúp phụ nữ vô sinh hiếm muộn có thể có con như bình thường”.

GS Sheng Feng Jeng khẳng định: “Chúng tôi đã đi nhiều nơi, phối hợp với tổ chức Operation Smile chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho các quốc gia khác nhau trên thế giới trong kỹ thuật vi phẫu, nhưng Việt Nam là nơi học hỏi và phát triển kỹ thuật này nhanh và hiệu quả nhất. Các bạn đã làm được những điều kỳ diệu. Kỹ thuật của các bạn có thể sánh ngang với các quốc gia phát triển hiện nay”.

Thúy Nga

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: