Hà Nội

Thế giới có 800 triệu người mắc tiểu đường

14-11-2024 18:22 | Quốc tế
google news

Một nghiên cứu quốc tế vừa đưa ra con số gây chấn động, đó là trên toàn cầu có hơn 800 triệu người mắc bệnh tiểu đường.

Thế giới có 800 triệu người mắc tiểu đường- Ảnh 1.

Người dân tập thể dục tại Leeds, miền Bắc Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Tạp chí y khoa Lancet đã đăng tải kết quả phân tích, cho thấy tỷ lệ mắc tiểu đường ở người trưởng thành trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi, từ mức 7% lên 14% trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2022. Đáng chú ý, các quốc gia thu nhập trung bình và thấp ghi nhận tỷ lệ tăng cao nhất.

Đây là công trình đầu tiên phân tích tỷ lệ mắc tiểu đường và việc điều trị căn bệnh này trên toàn cầu.

Các nhà khoa học tại NCD-RisC, mạng lưới các nhà khoa học y tế trên toàn cầu, đã phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân tích dữ liệu của hơn 140 triệu người trên 18 tuổi và hơn 1.000 nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ đã sử dụng công cụ thống kê để so sánh chính xác tỷ lệ hiện hành của bệnh cũng như việc điều trị giữa các quốc gia và khu vực.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến tình trạng mất cân bằng y tế ngày càng trầm trọng. Hơn một nửa các ca mắc tiểu đường trên toàn cầu tập trung tại 4 quốc gia là Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc và Pakistan. Tính riêng trong năm 2022, có 212 triệu người Ấn Độ mắc tiểu đường, chiếm 25% toàn cầu. Bên cạnh đó, có 148 triệu người Trung Quốc, 42 triệu người Mỹ và 36 triệu người Pakistan được chẩn đoán mắc tiểu đường. Indonesia và Brazil lần lượt có 25 triệu và 22 triệu trường hợp.

Tại một số quốc gia ở Trung Đông, Bắc Phi, các quần đảo Thái Bình Dương và Caribbe, có trên 25% dân số mắc tiểu đường. Đáng chú ý, Mỹ và Anh là hai nước trong nhóm những quốc gia phương Tây thu nhập cao, có tỷ lệ mắc tiểu đường cao nhất, lần lượt là 12,5% và 8,8%.

Ở chiều ngược lại, tính riêng trong năm 2022, tỷ lệ mắc tiểu đường đối với phụ nữ ở Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Thụy Điển chỉ là 2-4%. Tỷ lệ đối với nam giới ở Đan Mạch, Pháp, Uganda, Kenya, Malawi, Tây Ban Nha và Rwanda chỉ là 3-5%.

Tình trạng mắc bệnh béo phì gia tăng và dân số già hóa đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người gặp rủi ro mắc tiểu đường tuýp 2. Trên 95% người bệnh tiểu đường mắc tiểu đường tuýp 2.

Bác sĩ Ranjit Mohan Anjana, chủ tịch Quỹ nghiên cứu Tiểu đường Madras tại Ấn Độ chia sẻ: “Ngăn chặn tiểu đường qua chế độ ăn lành mạnh và luyện tập thể dục là cần thiết cho cải thiện sức khỏe toàn cầu”.

Theo ông Anjana, nghiên cứu phản ánh tính cấp thiết của việc triển khai thêm nhiều chính sách, đặc biệt là ở những khu vực thu nhập thấp, để hạn chế thực phẩm không lành mạnh, tạo điều kiện tiếp cận thực phẩm lành mạnh hợp túi tiền đồng thời cải thiện cơ hội luyện tập thể dục thể thao. Bên cạnh đó, trợ cấp cho thực phẩm lành mạnh, các bữa ăn dinh dưỡng miễn phí tại trường học, bổ sung thêm địa điểm an toàn cho người dân đi bộ, tập thể dục.

Theo nghiên cứu, việc thiếu điều trị cũng dẫn đến mất cân bằng. Trong khi các quốc gia thu nhập cao thường có tỷ lệ điều trị và cải thiện lớn, với trên 55% người trưởng thành mắc tiểu đường được điều trị năm 2022, thì nhiều quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình lại không cải thiện lượng bệnh nhân được điều trị. Kết quả là 59% người trưởng thành hơn 30 tuổi mắc tiểu đường, tương đương 445 triệu trường hợp, trên toàn cầu không được điều trị trong năm 2022.

Với những kết quả này, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu bật: “Chúng ta đã chứng kiến tỷ lệ mắc tiểu đường gia tăng ở mức đáng báo động trong 3 thập niên qua, điều này bắt nguồn từ tình trạng béo phì leo thang, kết hợp với tác động của việc quảng bá thực phẩm không lành mạnh, ít vận động và khó khăn kinh tế. Để kiểm soát đại dịch tiểu đường toàn cầu, các quốc gia cần nhanh chóng hành động. Điều này có thể khởi đầu bằng các chính sách hỗ trợ chế độ ăn lành mạnh, hoạt động thể chất, và điều quan trọng nhất là hệ thống y tế có thể ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị tiểu đường”.


Theo Hà Linh/Báo Tin tức
Ý kiến của bạn