Hà Nội

Thế giới “chạy đua” tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

08-12-2020 10:13 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sau khi Anh cho phép tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, Nga tiêm vắc-xin đại trà cho người dân, rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng chuẩn bị nhập “đường đua” chủng ngừa vắc-xin phòng COVID-19.

Nhiều nước công bố kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã “đeo bám”  thế giới hơn 1 năm qua, đến nay dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp đẩy nhiều quốc gia lâm vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí  để lại  nhiều hệ lụy từ kinh tế đến các mặt đời sống xã hội. Chính vì vậy, ngay khi dịch bệnh xảy ra, nhiều nước trên thế giới đã bước vào một cuộc đua ngầm hòng tìm ra loại vắc xin phòng dịch bệnh nguy hiểm này.

Mới đây, Vương quốc Anh tuyên bố trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cho phép tiêm vắc-xin COVID-19, sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại SARS-CoV-2, thắp lên tia hy vọng cho người dân ở khắp nơi trên thế giới.  Những liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên (khoảng 800.000 liều) được ấn định triển khai tại Anh  bắt đầu từ ngày 8/12, đây là loại vắc-xin do hãng Pfizer (Mỹ) phối hợp với BioNTech (Đức)  sản xuất, có hiệu quả lên đến 95% và đáp ứng đủ các quy chuẩn an toàn.

Không thể bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc chạy đua này, Nga đã “bắt tay ngay” vào việc  tiêm chủng đại trà vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân từ ngày 5/12. Những đối tượng nằm trong diện được tiêm vắc-xin ban đầu bao gồm bác sĩ, nhân viên y tế, giáo viên. Vắc-xin Sputnik V được cơ quan y tế Nga cấp phép hồi tháng 8 và đưa vào tiêm cho người dân cũng có hiệu quả đến 95%, không gây phản ứng phụ nghiêm trọng. Mỹ cũng đang rốt ráo đánh giá thẩm định vắc-xin trước khi cấp phép. Một hội đồng gồm các chuyên gia độc lập của Ủy ban Tư vấn vắc-xin và các sản phẩm sinh học thuộc Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ nhóm họp vào ngày 10/12 về vấn đề này. Nếu được thông qua, lô hàng vắc xin đầu tiên sẽ có mặt ở Mỹ vào ngày 15/12.

Canada cho biết, vào đầu năm 2021 nước này sẽ có 6 triệu liều vắc-xin của Moderna và Pfizer/BioNTech, Bộ Y tế Mexico thông báo sẽ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân vào cuối tháng 12. Thủ tướng Ấn Ðộ khẳng định, sẽ có vắc-xin ngừa COVID-19 trong vài tuần tới...

Lo ngại phản hồi vắc-xin COVID-19 không công bằng trên thế giới.

Lo ngại phản hồi vắc-xin COVID-19 không công bằng trên thế giới.

Nguy cơ các nước nghèo không mua được vắc-xin

Nhu cầu vắc-xin trên thế giới đang trở nên ngày càng lớn so với nguồn cung hạn chế. Để chuẩn bị cho vắc-xin tới được mọi nơi trên thế giới, một chiến dịch chưa từng có đang diễn ra với quy mô lớn, các hãng vận chuyển đang đầu tư cơ sở vật chất rất lớn, nhằm đảm bảo vắc-xin được vận chuyển trong điều kiện luôn ở mức âm 70 độ.

Theo ước tính, để phòng ngừa COVID-19, mỗi người cần tiêm ít nhất 2 liều vắc-xin và thế giới cần hơn 17 tỷ liều vắc-xin, nhưng các quốc gia giàu có đã sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để mua trước các loại vắc-xin tiềm năng trong số hơn 150 vắc-xin đang được phát triển. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cảnh báo các nước nghèo không thể có được vắc-xin khi các nước giàu giành giật nguồn cung vắc-xin COVID-19. Theo Trung tâm Đổi mới Y tế toàn cầu Dulle ở Durham, Mỹ, những nước nghèo có thể phải đợi đến năm 2024 mới được tiêm vắc-xin COVID-19, đó là do Liên minh châu Âu (EU) và 5 nước giàu có đã đặt trước khoảng một nửa nguồn cung cấp vắc-xin dự kiến cho năm 2021. Đại học Duke, Carolina đang theo dõi các giao dịch mua bán vắc-xin toàn cầu, cho rằng, có khoảng 6,4 tỷ liều vắc-xin tiềm năng đã được mua và 3,2 tỷ liều đang trong quá trình thương lượng. Đa số vắc-xin được vận chuyển đến các nước giàu, nhóm nghiên cứu cho biết.

Người đứng đầu WHO cho rằng, những kết quả thử nghiệm lâm sàng khả quan mới thu được từ một số vắc-xin phòng COVID-19 là “ánh sáng” ở phía cuối đường hầm mà thế giới đang lần theo để thoát khỏi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thế giới cần bảo đảm vắc-xin phòng bệnh được phân phối công bằng.

Cố vấn chính sách y tế của Oxfam-bà Anna Marriott cho biết, mặc dù mức độ lây nhiễm, tử vong ở các quốc gia khác nhau nhưng vắc-xin vẫn là “vũ khí” hữu hiệu để giải quyết dịch bệnh. Chuyên gia khẳng định: “Trong một thế giới toàn cầu hóa, sẽ không có quốc gia nào an toàn trước đại dịch cho đến khi tất cả các quốc gia được bảo vệ.”


Trần Hải
Ý kiến của bạn