Thế giới “biến hình” sau thời gian cách ly xã hội

27-04-2020 06:08 | Quốc tế
google news

SKĐS - Một thế giới hoàn toàn thay đổi khi con người bắt buộc phải giãn cách nhau, đi đến đâu người dân cũng phải thận trọng khi giao tiếp, được giám sát nhiệt độ cơ thể cũng như sát khuẩn tay...

Khi cuộc sống bắt đầu trở lại, điều dễ nhận ra là dịch bệnh COVID-19 đang thay đổi mọi thói quen, sinh hoạt thường nhật của mỗi người thậm chí là cả xu hướng phát triển của thế giới.

Cuộc sống “khác thường “ sau nới lỏng giãn cách xã hội

Đại dịch COVID-19 đã đi qua một chặng đường, dịch bệnh lan tới đâu nó reo rắc ở đó nỗi sợ hãi, những niềm đau và những tổn thất nặng nề. Hàng trăm nghìn sinh mạng đã ra đi, hàng triệu người bị mắc bệnh, hệ thống y tế của nhiều nước - trong đó có cả những quốc gia phát triển với tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới - cũng rơi vào khủng hoảng. Trên khắp thế giới, các quốc gia tự cách ly với nhau và cách ly với thế giới bên ngoài, cuộc sống “đóng băng” tất cả mọi hoạt động từ kinh tế đến xã hội.

Trẻ em đi học trong thời dịch bệnh.

Trẻ em đi học trong thời dịch bệnh.

Không ai có thể ngờ, chỉ một con virus nhỏ bé có thể thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người trên khắp hành tinh, nó định hình lại cách mọi người sống, làm việc và nghỉ ngơi, đòi hỏi mọi người phải sớm thích nghi với những điều “bình thường mới” khi phong tỏa được nới lỏng.

Học giả Salvatore Babones thuộc Trung tâm nghiên cứu độc lập Australia cho biết, nếu trước đây, người ta phải ra khỏi nhà để đi làm, đi học, thăm viếng, xem phim hay cả việc khám bệnh, đi lễ... thì nay tất cả những hoạt động đó đều được thực hiện trên mạng, qua màn hình máy tính để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Nếu có gặp nhau ngoài đời, mọi người đều được khuyến cáo giao tiếp ở  khoảng cách... 2m. Đan Mạch, Pháp, Đức, Australia đã mở cửa lại trường học, trẻ em tới trường phải học trong điều kiện ngồi cách xa nhau.

Điều hiếm thấy trong lịch sử đã xảy ra, Saudi Arabia bắt đầu nới lỏng giãn cách nhưng tại 2 địa điểm linh thiêng nhất với người Hồi giáo là Thánh địa Mecca và Nhà thờ Nhà tiên tri Mohamed tại Medina, đều bị đóng cửa trong tháng lễ Ramadan. Các tín đồ Hồi giáo sẽ không còn các chuyến hành hương lịch sử, không có các buổi cầu nguyện thay vào đó, họ sẽ hành lễ tại nhà và nghe giảng kinh thông qua các ứng dụng trực tuyến.

Giãn cách xã hội quá lâu, khiến kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng, cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn, dẫn tới các cuộc biểu tình  phản đối việc cách ly xã hội. Từ Mỹ tới các nước châu Âu như Đức, các cuộc biểu tình phản đối đang ngày càng tăng. Trong một cuộc điều tra xã hội tại Hàn Quốc do Yonhap thông tin cho biết, hơn 19% những người phản đối giãn cách xã hội cho rằng quy định này khiến cho nền kinh tế bị trì trệ, 17% cảm thấy mệt mỏi. Nhưng vẫn có hơn 63% những người được hỏi phản đối việc gỡ bỏ hoàn toàn giãn cách bởi họ cho rằng  cho sức khỏe và sự an toàn của mọi  người mới là điều quan trọng nhất.

Thế giới hậu COVID-19

Hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng bởi cách ly và dịch bệnh, kể cả sau cách ly sẽ chưa thể tăng tốc để bắt kịp với thời gian trước đó, nhưng có một lĩnh vực mà người ta phát hiện vẫn “sống tốt” kể cả khi dịch bệnh lây lan đó là lĩnh vực công nghệ số. Tất cả những gì quan trọng nhất trong cuộc sống thật đều phụ thuộc vào thế giới ảo, qua nền tảng số và mạng internet. Điển hình như sàn thương mại điện tử Amazon đã tuyển thêm hơn 100.000 người lao động trong tháng 4, dự kiến tăng trưởng của Amazon trong năm nay sẽ tăng 30% trong khi nhiều công ty khác rơi vào phá sản. Theo thống kê, cứ mỗi giây, doanh số thương mại điện tử toàn cầu tăng lên 11.000 USD. Để sống chung với dịch bệnh, các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực cần tận dụng thương mại điện tử để lưu thông hàng hóa. Kinh tế số rõ ràng đang trở thành một xu thế tất yếu của xã hội.

Ngay cả trong quan hệ ngoại giao giữa các nước, khi dịch bệnh tạm lắng, cũng là lúc các quốc gia nhìn nhận lại tầm quan trọng của sự phối hợp và hợp tác nhất là trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh. Nhưng nó cũng có thể sẽ khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc lâm vào một cuộc khủng hoảng khác bên cạnh cuộc thương chiến chưa có lối thoát. Đó là khi Mỹ muốn truy cứu đến cùng nguồn gốc cũng như quốc gia phải chịu trách nhiệm về cơn đại dịch này.


Trần Hải
Ý kiến của bạn