Hà Nội

Thế giới bị cuốn theo Tổng thống Donald Trump?

03-07-2019 06:38 | Quốc tế
google news

SKĐS - Donald Trump” đã trở thành từ khóa “nóng” trong suốt cả tháng qua.

Chưa bao giờ những động thái liên quan đến ông chủ Nhà Trắng lại khiến thế giới giật mình “thon thót” như vậy. Từ Iran, Trung Quốc, G20 đến Triều Tiên... tất cả đều bị cuốn theo một guồng quay cuồng của Tổng thống Mỹ.

Chiều 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ gặp lại nhau tại làng đình chiến Panmunjom trong Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên. Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ ba giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un trong vòng 1 năm qua, song là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên, hai nước đối địch trong hàng thập niên qua, gặp gỡ tại Panmunjom kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc với Hiệp định đình chiến năm 1953. Chỉ diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ, song cuộc gặp, với sự kiện Tổng thống Mỹ bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên sang phần lãnh thổ Triều Tiên, và cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi trên đất Triều Tiên, được đánh giá có ý nghĩa hết sức đặc biệt và mang tính biểu tượng cao.

Tổng thống Trump vẫn tiếp tục chính sách đơn phương, đề cao cái tôi của nước Mỹ.

Tổng thống Trump vẫn tiếp tục chính sách đơn phương, đề cao cái tôi của nước Mỹ.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sáng 29/6 tại thành phố Osaka Nhật Bản, Tổng thống Doanld Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp song phương và nhất trí tạm đình chiến thương mại và nối lại đàm phán. Đàm phán “trở lại đúng hướng” là cụm từ Tổng thống Trump đã nhấn mạnh sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước khi tới Osaka dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm, trong đó bày tỏ hy vọng về sự thỏa hiệp để hạ nhiệt tình trạng căng thẳng vốn đang tác động đáng kể tới không chỉ nền kinh tế của hai nước mà còn cả thế giới. Đối với Tổng thống Trump, việc duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc lại là một chiến lược có thể giúp ông tăng cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh các sáng kiến như triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang bị mất đà. Cùng với đó, một nhân tố khác có sức chi phối lớn tới “cuộc chơi”chính là sự cạnh tranh “ngôi vương” trong lĩnh vực công nghệ. Với vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, Mỹ không hoan nghênh chiến lược “Made in China 2025,” với trọng điểm phát triển các ngành công nghệ cao, nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, qua đó thúc đẩy mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu. Điều này lý giải phần nào trong thời gian qua, Mỹ liên tiếp có những động thái cứng rắn đối với Tập đoàn viễn thông Huawei - tập đoàn đóng vai trò “xương sống” trong chiến lược “Made in China 2025” với công nghệ 5G. Có thể thấy cấu trúc của làn sóng đánh thuế của Mỹ cũng như các cáo buộc gián điệp nhằm vào Huawei đã chỉ ra thực tế rằng Washington không chỉ muốn thay đổi mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh, mà còn đang tìm cách cản trở sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Sự chú ý cũng đã đổ dồn vào Tổng thống Donald Trump khi kịch bản “bên miệng hố chiến tranh” sắp sửa diễn ra giữa Mỹ và Iran. Sau vụ 2 tàu chở dầu của Nhật Bản và UEA bị tấn công trên Vịnh Oman, việc Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ khiến thế giới lo ngại hai bên đối đầu quân sự. Mọi việc nghiêm trọng đến nỗi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 27/6 cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sai lầm khi cho rằng cuộc chiến giữa Washington và Tehran sẽ không kéo dài. Trên trang Twitter cá nhân, ông Zarif nêu rõ: “Khái niệm “cuộc chiến chớp nhoáng” với Iran (mà Tổng thống Trump nêu ra) là một sự ảo tưởng”, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Người nào khơi mào chiến tranh, việc kết thúc cuộc chiến ấy sẽ không do họ quyết định”. Tuyên bố trên được ông Zarif đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ trong một phát biểu trên truyền hình cho biết Mỹ đang “có vị thế rất mạnh”, nhưng ông không muốn để xảy ra chiến tranh với Iran. Tuy nhiên, ông Trump đồng thời cũng nói thêm rằng nếu chiến sự nổ ra, cuộc chiến đó “sẽ không quá lâu dài”. Cũng trong ngày 27/6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng Mỹ không muốn xảy ra chiến tranh với Iran, nhưng nước này không thể khoan nhượng thêm bất kỳ vụ việc nào.

Cùng thời điểm căng thẳng với Iran, Mỹ còn nuôi mộng thúc đẩy một “thỏa thuận thế kỷ” về hòa bình Trung Đông, với mục đích được Nhà Trắng công bố là giải quyết cuộc xung đột giữa dai dẳng giữa Palestine và Israel do ông Jared Kushner, Cố vấn đồng thời là con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump ấp ủ theo đuổi suốt 2 năm qua đã dần được hé lộ những bước đi đầu tiên tại Hội nghị quốc tế với chủ đề “Hòa bình tới thịnh vượng” diễn ra tại Thủ đô Manama của Bahrain, sự kiện mà chính quyền Palestine (PA) tẩy chay. Bản thân sự phản đối của PA, với tư cách là một bên chủ chốt trong tiến trình hòa bình Trung Đông, đã phần nào thể hiện rằng kế hoạch của Mỹ chưa phải là lời giải hữu hiệu cho vấn đề gai góc này. Dù nhiều lần ám chỉ sẽ công bố kế hoạch này vào một thời điểm thích hợp, song việc Nhà Trắng tỏ ra “e dè” đối với kế hoạch này khá nhạy cảm. Dường như chính quyền Mỹ cũng như những người quan tâm, ủng hộ phe Cộng hòa thừa hiểu rằng, đây là thời gian của phe Dân chủ khi các cuộc tranh luận đầu tiên của 20 ứng cử viên Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang cận kề. Một vài “sai số” về mặt chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Đông có thể là cái cớ, thậm chí là “chiếc phao” để các ứng cử viên Dân chủ nhắm tới chỉ trích ông Trump và các đối thủ Cộng hòa nhằm thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri.

Về mục tiêu chiến lược, Trung Đông chưa bao giờ giảm đi vai trò của mình trong tổng thể chính sách đối ngoại về dài hạn của Mỹ. Việc tiếp tục can dự, gây ảnh hưởng sẽ giúp Mỹ duy trì được vai trò chủ chốt tại khu vực này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Nga, thậm chí là Mỹ - Trung tại khu vực này có dấu hiệu gia tăng trong vòng một thập niên qua. Chính quyền Mỹ hiện nay, với Tổng thống Donald Trump đại diện cho phe Cộng hòa luôn coi trọng các giá trị lợi ích về kinh tế đối với khu vực này, nhất là trong các thương vụ mua bán dầu mỏ và vũ khí đối với các đồng minh, đối tác khu vực.

Nhìn tổng thể các sự kiện quốc tế trong 2 tuần gần đây, có thể thấy thế giới đang bị “cuốn theo” quỹ đạo của Tổng thống Donald Trump. Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của nước Mỹ, nhưng có ý kiến cho rằng nếu cứ tiếp tục chính sách đơn phương hiện nay, nước Mỹ sẽ bị cô lập trên bình diện quốc tế. Nhưng có vẻ như Tổng thống Trump tiếp tục “bỏ ngoài tai” những lời can gián và một mình ông vẫn áp dụng các chính sách đề cao lợi ích của nước Mỹ trên toàn cầu, bất chấp hệ quả có thể gây ra cho Washington.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn