Thẻ bảo hiểm y tế - “Phao cứu sinh” của người bệnh nghèo

21-09-2009 19:05 | Thời sự
google news

Lò Văn Sơn, 23 tuổi ở Sông Mã, Sơn La bị mắc bệnh ung thư hạch cổ, đang điều trị tại BV K. Từ tháng 10/2008 đến nay,

* Người cận nghèo được hỗ trợ 50% kinh phí tham gia BHYT

Lò Văn Sơn, 23 tuổi ở Sông Mã, Sơn La bị mắc bệnh ung thư hạch cổ, đang điều trị tại BV K. Từ tháng 10/2008 đến nay, anh Sơn đã 12 lần phải xuống BV K để điều trị, đến tiền đi đường cũng phải vay mượn, thì lấy đâu ra tiền chi trả các lần xạ trị (nếu phải chi trả). Do đó, với người bệnh nghèo như anh Sơn, việc có thẻ BHYT đã giúp anh yên tâm chữa bệnh.

Tuy nhiên, không chỉ riêng anh Sơn mà khi trò chuyện với nhiều người bệnh, nhất là người bệnh nghèo mới thấy hết được giá trị của chính sách BHYT, thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc...

"Nhờ BHYT mà hộ nghèo như mình được chữa bệnh"

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lò Văn Sơn bảo rằng, cảm giác đầu tiên khi anh nghe bác sĩ thông báo bị mắc bệnh ung thư hạch cổ và phải điều trị nhiều lần, lâu dài mới có khả năng khỏi đã khiến anh dường như tuyệt vọng, bởi ý nghĩ lấy đâu ra tiền để về tận Hà Nội chữa bệnh, trong khi ở nhà, anh đang là lao động chính mà cuộc sống cũng đã quá chật vật rồi. Nhưng các bác sĩ của BVĐK tỉnh Sơn La đã động viên Sơn cứ yên tâm đi chữa bệnh vì anh đã có thẻ BHYT dành cho người nghèo.  Tính đến nay, đã gần 1 năm Lò Văn Sơn là bệnh nhân của Khoa xạ - đầu cổ, BV K căn bệnh hạch hô-kin mà Sơn mắc, liên tiếp phải điều trị bằng hoá chất và thuốc đắt tiền, nhưng nhờ có thẻ BHYT nên Lò Văn Sơn chỉ phải lo tiền ăn và đi lại trong những lần từ Sơn La về Hà Nội chữa bệnh. Chia sẻ với chúng tôi, anh Sơn bảo rằng, nếu không có BHYT thì anh cũng mặc kệ căn bệnh này đến đâu thì đến vì với gia đình người Mông nghèo như anh "tiền ăn còn phải chạy từng bữa thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh".

 BHYT giúp đối tượng nghèo được chăm sóc đầy đủ hơn.Ảnh: PV

Tuy không phải là bệnh nhân ung thư, nhưng tại Khoa thận nhân tạo, BV Bạch Mai nhiều bệnh nhân nghèo cũng đã cho chúng tôi biết, nếu không có chiếc phao cứu sinh là BHYT thì cuộc sống của họ khó có thể duy trì được đến hôm nay vì căn bệnh suy thận. Bệnh nhân Nguyễn Văn Chung, 25 tuổi, quê ở Yên Bái vì căn bệnh suy thận mãn đã phải chạy thận khoảng gần 7 năm nay. Anh Chung cho hay, những người phải chạy thận, gia đình có giau mấy thì cũng gặp khó khăn bởi phải điều trị lâu dài chứ không thể khỏi bệnh trong ngày một, ngày hai, chứ nói gì đến người nghèo như gia đình anh. "Bảy năm qua nếu không có thẻ BHYT chi trả chi phí điều trị 100% thì cuộc sống của tôi đã khó có thể kéo dài đến hôm nay. Mỗi lần chạy thận chi phí hết 400.000 đồng, mà một đợt điều trị phải chạy hàng chục lần. Nếu phải tự trả tiền thì bán cả nhà chúng tôi ở quê cũng chỉ gắng điều trị được 2-3 năm là cùng "- bệnh nhân Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Khám chữa bệnh miễn phí gần 20 triệu người

ThS. Đỗ Hùng Kiên, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV K cho biết, chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư rất tốn kém, nhất là với những trường hợp phải điều trị bằng hoá chất và thuốc đắt tiền, do đó nếu tự phải chi trả chi phí KCB, người bệnh sẽ gặp khó khăn, nhưng nếu có thẻ BHYT thì sẽ được chia sẻ rất nhiều. Hiện có khoảng 50-60% bệnh nhân có thẻ BHYT đang điều trị nội/ngoại trú tại BV K, trong đó có khá nhiều bệnh nhân nghèo. TS.BS cao cấp Nguyễn Cao Luận - Trưởng Khoa thận nhân tạo, BV Bạch Mai cho biết, hiện nay có khoảng 500 bệnh nhân cố định đang điều trị tại Khoa Thận nhân tạo, mỗi ngày chạy đến 4 ca và 1 ca cấp cứu đến 1-2 giờ sáng. Chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân 1 năm là khoảng 90 triệu. Tuy nhiên, ngoài tiền chạy thận được BHYT thanh toán 100%, bên cạnh đó bệnh nhân còn được cung cấp miễn phí các loạt thuốc như tăng hồng cầu, sắt, đạm...

Liên quan đến vấn đề KCB cho người nghèo, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét phê duyệt đề án sửa đổi, bổ sung một số quy định về KCB cho người nghèo, trong đó đặt mục tiêu nâng tổng số người được KCB miễn phí lên gần 20 triệu người. Và như thế sẽ tăng 6 triệu người so với hiện nay. BS. Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, theo đề án này những đối tượng là người cận nghèo sẽ được nhà nước hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ khi tham gia BHYT tự nguyện.

Trường hợp người cận nghèo mắc bệnh nặng, không có khả năng chi trả và chưa tham gia BHYT sẽ được quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương hỗ trợ thanh toán. Vụ trưởng Tống Thị Song Hương cũng cho biết thêm, những đối tượng là hộ cận nghèo khi tham gia BHYT ở vùng ĐBSCL đã được nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí tham gia BHYT tự nguyện.

Thái Bình


Ý kiến của bạn