Hà Nội

Thay van tim lần 2 bằng đường mổ nhỏ

10-02-2020 15:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Kỹ thuật phẫu thuật thay van tim bằng đường mổ nhỏ bên ngực phải kèm mổ nội soi vừa được các bác sĩ bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP HCM áp dụng thành công cho 2 bệnh nhân trước đó từng thay van tim với đường mổ dọc xương ức.

Hai ca đầu tiên tại miền Nam

Bệnh nhân đầu tiên được các bác sĩ (BS) Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim, BV. Chợ Rẫy áp dụng kỹ thuật mới để thay van tim 2 lá là anh H.T.H. (44 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh TP HCM) người từng mổ thay van tim một lần trước đó.

Theo người bệnh, vài tháng gần đây anh thấy mệt mỏi và đi khám với kết quả hở van tim 2 lá phức tạp. “2 tháng trước, tôi bị ho ra máu, không thở được nên đến BV khám và được chẩn đoán viêm phổi, tăng áp phổi do hở van tim 2 lá. 15 năm trước, tôi từng phẫu thuật thay van tim nên trên ngực vẫn còn vết mổ lớn. Khi nghe BS nói phải mổ nếu muốn điều trị tôi rất hoang mang”, bệnh nhân nói.

Tai BV. Chợ Rẫy, sau khi thăm khám và chẩn đoán tình trạng bệnh, các BS đã có buổi trao đổi cùng gia đình để có sự đồng thuận trong việc áp dụng kỹ thuật mổ mới. Thay vì rạch dao trên vết mổ cũ dễ đối diện với nguy cơ dính vết mổ cũ, các BS đã rạch một đường mổ chỉ khoảng 5cm nằm ngang (giữ khe xương sườn), kết hợp với một đường mổ nội soi. Các làm này giúp bệnh nhân không phải cưa lại xương ức và tránh tiếp xúc với phần tim và mạch máu dính với vết mổ cũ.

Ca mổ diễn ra trong 6 giờ đồng hồ, các BS đã thực hiện thành công việc thay van 2 lá mà không để lại tổn thương nào.Điều đáng nói là chỉ 2 tuần sau mổ, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. “Lần trước thay van tim phải mổ xương ức, tôi phải dưỡng đến 2 tháng, xương mới lành. Lần này chỉ 2 tuần là bình phục” anh H. so sánh.

Thay van tim lần 2 bằng đường mổ nhỏMột ca phẫu  thuật tim lần 2  để thay van tim  2 lá bằng kỹ  thuật ít xâm lấn  kết hợp nội soi  tại BV. Chợ Rẫy

Cũng phấn khởi vì được mổ bằng phương pháp này là ông Đ.T. L. (59 tuổi). 12 năm trước, ông được phẫu thuật thay van tim 2 lá, thay van động mạch chủ và sửa van 3 lá. Gần đây, ông thường cảm thấy mệt, khó thở nên đến BV. Chợ Rẫy khám thì được chẩn đoán hở van tim 3 lá nặng, tăng huyết áp, loét hang vị, xuất huyết.

Ngày 30/12/2019, ông L. được BS phẫu thuật bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu có nội soi để thay van 3 lá và chỉ 1 ngày sau mổ, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục, có thể ăn được cháo. “Tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với lần mổ trước.Thú thật là trước khi mổ tôi rất lo lắng nếu phải bị mổ lại ở đường mổ trước đó”.

Lời khuyên của thầy thuốc
Cẩn trọng với viêm họng do liên cầu khuẩn vì đây là nguyên nhân có thể khiến thấp tim dẫn đến hỏng van tim.
Ngăn ngừa biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bằng dùng kháng sinh dự phòng trước khi làm các thủ thuật như nhổ răng…
Với người bị sa van 2 lá có hở van nên thường xuyên đến các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết.
Nên có thói quen tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày nhưng phải ngừng tập ngay nếu đau ngực, đau lưng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, nhịp tim đập nhanh hoặc đập chậm bất thường.

Tránh thủng tim và mạch máu ở đường mổ cũ

TS.BS. Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim, BV. Chợ Rẫy thông tin, quả tim có 4 lá van, gồm van động mạch chủ, van động mạch phổi, van 2 lá và van 3 lá, các van tim này đảm bảo cho các buồng tim hoạt động. Van tim có thể bị tổn thương do các bệnh tim mắc phải hoặc bẩm sinh gây ảnh hưởng đến dòng máu qua tim. Có 2 loại tổn thương gồm van bị hẹp làm giảm dòng máu qua van và van bị hở làm dòng máu sai hướng.

Các van tim đều có thể bị tổn thương, nhưng van 2 lá và van động mạch chủ nằm ở buồng tim trái thường gặp tổn thương hơn. Các tổn thương này gây nên hậu quả với chức năng tim và hậu quả ngoài tim, nó có thể gây tắc nghẽn dòng máu từ phổi và các cơ quan khác về tim dẫn đến chứng khó thở, phù, gan to, đau ngực, ngất...

Có nhiều nguyên nhân gây nên tổn thương van tim, đầu tiên là do bẩm sinh. Tình trạng này xuất hiện từ khi còn ở bào thai, thường gặp ở van động mạch chủ. Khuyết tật van tim bẩm sinh thường được chẩn đoán rất sớm. Số khác do bệnh cơ tim. Bệnh lý này có thể mắc từ trước khi sinh hoặc là biến chứng của bệnh khác trong quá trình phát triển, như sốt do virút hay viêm nội tâm mạc. Bệnh cơ tim làm thay đổi cấu trúc tim, làm giãn các buồng tim và gây hở van.

Nhồi máu cơ tim cũng làm tổn thương dây chằng van và gây hở van, thường gặp ở van 2 lá và van động mạch chủ. Một số người lớn tuổi cũng có thể hỏng van tim do van tim trở nên kém linh hoạt, dễ bị rách, dễ bị mảng bám canxi tại van, xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua.

Tổn thương van tim còn do liên cầu khuẩn hay còn gọi là bệnh thấp tim, thường gặp ở trẻ nhỏ từ 5 tuổi - 15 tuổi và cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh van tim tại Việt Nam. Thấp tim làm cho van bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa hay khít hẹp lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây tình trạng hẹp - hở van, thường gặp nhất là van 2 lá và van động mạch chủ…

Phẫu thuật là giải pháp có thể đem lại kết quả rất tốt với những trường hợp tổn thương van nặng. Có 2 loại phẫu thuật van tim là sửa van và thay van. Thay van là van tim bị tổn thương được cắt bỏ và thay thế bởi van nhân tạo. Van tim nhân tạo gồm van cơ học và van sinh học (được làm từ các mô của động vật). Van tim cơ học bền vững hơn nhưng yêu cầu phải dùng thuốc kháng đông suốt đời sau phẫu thuật. Van sinh học có tuổi thọ ít hơn nhưng không đòi hỏi bệnh nhân phải dùng thuốc kháng đông quá khắt khe.Van sinh học sau khi thay có tuổi thọ khoảng 10 năm - 12 năm, sau đó có thể bị thoái hóa. Tỷ lệ mổ lại để thay van lần 2 có thể lên đến khoảng 50%. Ca mổ lần 2 luôn gặp khó khăn hơn bởi tim đã yếu hơn và bệnh nhân cũng đã lớn tuổi hơn.

Với kỹ thuật mổ kinh điển, để thay van tim, các BS sẽ cắt dọc xương ức với phẫu trường lớn (khoảng 15cm - 20cm), điều này khiến bệnh nhân lâu lành vết thương. Riêng với phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có nội soi hỗ trợ, vết mổ chỉ khoảng 5cm, giúp bệnh nhân mau lành vết thương, đặc biệt những trường hợp mổ lần 2 sẽ không bị tình trạng đường mổ xâm lấn vào thành tim hoặc các mạch máu dính vết mổ cũ. Đặc biệt xương ức không bị cưa lại lần 2.

Tại BV. Chợ Rẫy, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có nội soi hỗ trợ cho người thay van tim lần đầu đã được thực hiện thường quy từ 2015. Riêng với những bệnh nhân đã có mổ thay van tim 1 lần với đường mổ cưa xương ức, 2 trường hợp nêu trên là 2 bệnh nhân đầu tiên.

“Khó khăn nhất với kỹ thuật mới là đường mổ nhỏ gây hạn chế tầm  quan sát của kỹ thuật viên. Nhưng với hỗ trợ nội soi, chúng tôi vẫn có thể quan sát để luồn lách, né tránh, không tiếp cận các vị trí vết mổ cũ dính phổi, dính tim sau xương ức. Việc đi đường mổ bên phải vào còn khiến vết mổ ngắn giúp nâng cao tính thẩm mỹ”, BS.An nhân định.


KIẾN TƯỜNG
Ý kiến của bạn