Trong cuộc đời 83 năm của mình, BS. Nguyễn Khắc Viện không chỉ một lần tình nguyện đem cuộc đời mình làm... vật thí nghiệm để có được một kết luận khoa học. Cho đến những tháng cuối đời, BS. Nguyễn Khắc Viện vẫn muốn đóng góp vào một đề tài khoa học còn nhiều bí ẩn: đó là những giấc mơ của con người.
“Những giấc mơ cuối đời” (GMNKV) của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BSNKV) được chép lại trong một cuốn lịch - sổ tay “Nhân dân”. Công việc bắt đầu từ cuối năm 1996, khi BS. Nguyễn Khắc Viện biết mình đang đi tới chặng cuối của cuộc đời. Không phải là thường xuyên, nhưng mỗi sáng thức dậy, khi nhớ lại được giấc mơ hồi đêm, BS. Nguyễn Khắc Viện đọc cho vợ là bà Nguyễn Thị Nhất ghi lại. Thỉnh thoảng, ông có đọc thêm “lời bình” - phân tích nguồn gốc, ý nghĩa giấc mơ. Trong giai đoạn này, tôi ra Hà Nội 2 lần để chăm sóc ông, nên biết rõ việc này, nhiều trang trong cuốn sổ do tôi ghi lại. Cuốn sổ ghi chép GMNKV dừng lại ngày 9/5/1997. Mờ sáng hôm sau, 10/5/1997, tức 4 tháng 4 năm Đinh Sửu, Nguyễn Khắc Viện trút hơi thở cuối cùng.
Nhân loại từng biết có những phát minh khoa học, những tác phẩm văn học nghệ thuật được hình thành từ mộng mơ và cũng đã có giấc mơ trở nên tiên tri về một thảm họa... Trong một bài giảng về tâm lý, BS. Nguyễn Khắc Viện đã viết:
Mơ mộng là một hoạt động thường xuyên của loài người, song song với thế giới thực tế...Tâm lý học xác định là có 2 “cõi lòng” - một bên là có ý thức, hữu thức, một bên là vô thức. Nói vô thức không có nghĩa là không có, nói đúng hơn là ẩn thức... Qua những hình tượng mơ mộng có thể hiểu con người theo chiều sâu, hiểu cái “thâm tâm” của con người và dự đoán về con người sâu sắc hơn là dựa vào những cách ứng xử có ý thức. Nhiều học giả ví cái tâm của con người như hòn núi băng, chỉ 1/10 nổi lên - đó là ý thức; còn 9/10 chìm trong nước không thấy được - đó là vô thức, ẩn thức...”.
Hẳn là để góp phần tìm ra lời giải cho đề tài thú vị này, tuy còn chút hơi tàn của 2/3 lá phổi teo tóp sắp đến lúc suy kiệt, mỗi sáng tỉnh dậy, BS. Nguyễn Khắc Viện lại gọi chúng tôi lại gần để nghe ông kể lại những giấc mơ của mình. Hơn 4 tháng nằm liệt giường, 78 giấc mơ đã được ghi lại.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm việc những ngày cuối đời.
Xin được lưu ý, những giấc mơ bà Nhất ghi lại vội vàng bên giường bệnh trong khi bà còn lo nhiều việc đối với bệnh nhân, BS. Nguyễn Khắc Viện lại không còn mấy hơi sức, nên thường nói ngắn gọn, có khi không trọn câu, chữ viết không rõ, nhất là những từ tiếng Pháp, nên khi “vi tính hóa”, tôi có bổ sung một số từ hoặc viết lại câu văn. Cũng để giúp bạn đọc dễ hiểu, tôi xin được bình giải thêm một số tên người, sự việc... BS. Nguyễn Khắc Viện nhắc đến trong các giấc mơ, được ghi theo kiểu chú thích dưới các giấc mơ, với số thứ tự (1), (2)...
Đặc biệt, trong GMNKV, người mà BS. Nguyễn Khắc Viện “mơ” thấy nhiều lần nhất là “Thầy” - tức thân phụ (cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm - trong gia đình vẫn thường gọi bằng Thầy; hơn nữa, cụ Niêm nhiều năm theo nghề dạy học nên nhiều người cũng gọi cụ bằng Thầy). Qua những giấc mơ này, chúng ta không chỉ hiểu thêm “cõi vô thức” của con người nói chung, mà còn là dịp để thấy chút ít “phần chìm của tảng băng” trong tâm hồn BS. Nguyễn Khắc Viện những điều mà người đời chưa hẳn đã biết, dù BS. Nguyễn Khắc Viện đã là một tên tuổi quen thuộc với công chúng.
Giấc mơ tối 30/11/1996
Đêm nằm lầm rầm khấn Thầy, khấn Mự, anh chị Đồng, chú Chuyết, mự Chuyết xin cho được gặp sớm, đừng kéo dài những ngày khốn khổ. Thấy bay về quê gặp một người đàn bà không rõ già hay trẻ, bà cười bảo: “Khấn cả anh Đồng, chị Đồng là hỏng rồi. Chị Đồng bây giờ là con gái nhà họ Lê Khánh, không thuộc họ nhà mình nữa, chỉ khấn Thầy, Mự, chú Chuyết, mự Chuyết thôi”.
Tỉnh dậy vẫn thấy nằm trên giường.
(Sáng, bà Hoàng Xuân Sính đến thăm; BS. Nguyễn Khắc Viện bảo bà Sính, nửa đùa, nửa thật: “12 bác sĩ kê đơn, 100 đoàn khách cho quà, vẫn chưa chết, thật là càng già càng dẻo càng dai”.
Nhắc lại ông Vịnh - Trưởng phòng Tổ chức NXB Thế giới: Lễ tang trăm sự nhờ Nhà xuất bản, phía bản thân mong được hỏa táng Hoàn vũ, sau 100 ngày đưa về quê trong nghĩa trang của họ Nguyễn Khắc ở xã Sơn Hòa (Hương Sơn, Hà Tĩnh).
NKP bình giải
Qua giấc mơ này thấy rõ một người như BS. Nguyễn Khắc Viện mà trong tiềm thức vẫn không vượt thoát được quan niệm “phong kiến” về họ tộc (xem người con gái đã đi lấy chồng là “ngoại tộc”); mặt khác, càng gần về cuối đời, như Đỗ Lai Thúy đã viết, BS. Nguyễn Khắc Viện “...cuối cùng từ tâm lý đến tâm linh” - ông mơ gặp những người thân đã khuất. Còn nhớ, trong bài viết bổ sung nhan đề “Noi theo Đạo Nhà” trong cuốn “Bàn về Đạo Nho” vừa được BS. Nguyễn Khắc Viện “xếp hạng” cao trong ngày 28/11/1996, có đoạn: “...Không nhìn lên trời, không nghĩ đến những gì xảy ra khi chết, không thấy cần thiết có thần linh hay không có, không tìm tuyệt đối, không mong trở về với Chúa, thoát khỏi vòng luân hồi, chỉ mong làm con người cho ra người...”. BS. Nguyễn Khắc Viện viết những dòng này năm 1993, sau 3 năm có điều kiện đọc rất nhiều sách nghiên cứu tâm lý (cả Đông và Tây) và khi đến gần “cửa tử”, ông đã bắt đầu thấy “một thế giới khác” ngoài cõi trần này...
14/12/1996
Tối qua, thứ sáu, ngày 13, mơ thấy Thầy và Mự phê bình Phi - Linh (1), làm ăn thất sách.
Cả Thầy cả Mự đều nói:
- Đánh cờ với đối thủ quan trọng là tìm hiểu phía địch chứ không phải cay cú ăn thua.
Thầy nói:
- Đánh cờ là trò chơi nho nhã, không ngồi trà trệch, không để lộn hộp cờ với mấy củ khoai lang.
Mự bảo:
- Cay cú về ăn thua mất tỉnh táo. Kinh doanh thất sách. Còn say mê về chuyện ăn thua ván cờ là chứng tỏ chưa phải nhà kinh doanh lớn.
Viện ngồi bên cạnh không nói gì.
Còn với Phi, Thầy bảo:
- Từ rày cấm đi nước ngoài.
Mự nói:
- Thế thì quá đáng, căn dặn nghiêm ngặt nhưng vẫn để cho đi mở tầm nhìn.
NKP bình giải:
(1) Linh: Con trai cả của GS. Nguyễn Khắc Phi, hiện là chủ hãng LiOa.
Các con cháu cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm có nhiều người theo ngành giáo dục, y tế; Nguyễn Chí Linh là người đầu tiên có chí kinh doanh, làm ăn lớn, nên lúc đầu trong gia đình không khỏi băn khoăn, lo ngại. Hồi Linh còn là công nhân xí nghiệp ôtô Ngô Gia Tự, có thời gian ở trong nhà BS. Nguyễn Khắc Viện; Linh cũng là người giúp BS. Nguyễn Khắc Viện “chế” loại quả cầu đầu tiên nên BS. Nguyễn Khắc Viện cũng quan tâm đến việc kinh doanh của Linh.
4/4/1997
Thấy Thầy về hỏi:
- Đã sẵn sàng chưa, để Thầy dắt đi? (1)
- Sẵn sàng rồi ạ.
Thầy cầm tay dắt và bảo:
- Sẵn sàng sao mà run thế này. Run thế này thì đi làm sao được?
- Thì con cũng sợ chết như ai, chứ con có phải anh hùng đâu.
- Thế nhưng người ta ai cũng bảo con chẳng sợ gì cả.
- Người ta cứ gán cho con như thế, biết làm sao!
Lại thấy có một người đàn bà nằm cản ngang đường rồi cười, ý như không cho đi.
NKP bình giải:
(1) Một lần nữa, BS. Nguyễn Khắc Viện lại mơ thấy thân phụ, chứng tỏ ông đã bắt đầu “nhìn thấy”... cõi tâm linh. Mặt khác, việc BS. Nguyễn Khắc Viện mơ thấy thân phụ nhiều lần - mặc dù ông chia tay với thân phụ từ năm 1937, rồi không gặp lại nữa - chứng tỏ thâm tâm của ông suy nghĩ về người cha rất nhiều. Tôi biết, có không ít người - nhất là trí thức Việt kiều - tuy khâm phục BS. Nguyễn Khắc Viện về nhiều mặt, nhưng lại chỉ trích ông hồi còn ở Pháp đã viết cuốn sách nhỏ “tuyên truyền” cho cuộc “Cải cách ruộng đất” ở Việt Nam, mặc dù gia đình ông là nạn nhân của cuộc đấu tranh giai cấp khốc liệt đó...
Bút tích thư cụ Niêm
Không rõ, vì ở xa, không nhìn nhận đầy đủ về “cải cách”, hay do “lập trường cách mạng” bốc lửa một thời mà BS. Nguyễn Khắc Viện đã viết cuốn sách nhỏ đó? Cho đến năm 1963, trong dịp trở về thăm quê nhà, BS. Nguyễn Khắc Viện hình như vẫn giữ “quan niệm” đó. Ông vui mừng biết bao trước những người nông dân đã đổi đời, như chú K. - một tá điền, đã trở thành một chủ tịch xã được bà con kính trọng; ngay cả trong gia đình ông, cũng có sự thay đổi ngoạn mục. Trong bài “Về làng” (“Pari - Hà Nội” - NXB Văn học, 1963) ông đã viết:
“...Ngày xưa, chị tôi học hết lớp 5, cha mẹ không cho đi học nữa chỉ vì là con gái, mặc dù lương quan hàng trăm, ruộng hàng mấy chục mẫu. Ngày nay, em dâu tôi, với hai cháu gái, mẹ góa con côi, chỉ lao động dệt may, vẫn cho hai cháu gái đi học. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ đáng công làm một cuộc cách mạng...”.
Và năm 1991, khi “đọc” hồi ký vào băng ghi âm, nhắc đến thời hoạt động ở Pháp, ông đã nói:
“...Có việc rất xúc động mà tôi cũng nhớ mãi là có một anh công nhân ở vùng Lyon mời tôi đến gặp anh trong bệnh viện. Anh này rất nghèo, gần như không biết chữ, sang Pháp đã lâu. Anh ấy bị ung thư máu, gọi tôi đến, giao quyển sổ tiết kiệm mà anh ấy chắt chiu trong bao nhiêu năm ở Pháp, bảo: “Anh lấy tiền này mua sách gửi về cho Đại học Hà Nội. Tôi hỏi: “Tại sao không để tiền gửi về cho gia đình”. Anh nói: “Gia đình tôi được cải cách ruộng đất rồi, có ruộng đất rồi không cần nữa”. Qua đó thấy rằng đối với cải cách ruộng đất có hai cách nhìn. Chính tôi hồi đó cũng hiểu rằng, một cuộc cách mạng nào chẳng có vấp váp, tránh sao được, cách mạng Pháp cũng thế, cách mạng Nga cũng thế.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng sai lầm lớn của chúng ta trong cải cách ruộng đất đã gây một sự xao xuyến trong anh em Việt kiều, những tin dữ dội về cải cách ruộng đất đụng chạm đến gia đình thân nhân họ, trừ số công nhân, nông dân nghèo. Báo chí Sài Gòn khuấy chuyện này lên, tờ Tự do cũng kích động bản thân tôi, có bài nói về ông cụ tôi ở miền Bắc bị thế này thế nọ. Khi nhận được chủ trương sửa sai, đặc biệt bài diễn từ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước đông đảo nhân dân Hà Nội, chúng tôi phổ biến ngay cho Việt kiều và dịch ra tiếng Pháp gửi cho các bạn Pháp. Nhờ vậy, sự xáo động về cải cách ruộng đất có giảm bớt, nhưng không dễ dàng gì xóa ngay được vết thương đó”.
Tôi dẫn ra có phần dài dòng, không phải để “thanh minh” hay “bào chữa” cho BS. Nguyễn Khắc Viện, mà để thấy ông kiên định quan điểm của mình - nói đúng hơn, BS. Nguyễn Khắc Viện luôn giữ vững “đạo lý” như ông đã viết trong cuốn “Bàn về Đạo Nho”:
“...Nhân việc Viện Hàn lâm Pháp tặng Giải thưởng năm 1992, có người chê trách tôi đã từng thay đổi ý kiến nhiều lần. Đúng, thời thế chuyển biến, tôi có thay đổi chính kiến, nhưng không hề thay đổi đạo lý. Đã gọi là đạo lý, không thể xa rời dù là chốc lát...”.
Theo tôi hiểu, “đạo lý” ở đây là “người cách mạng thì phải bênh vực dân nghèo, người cày phải có ruộng”; chính vì thế, ông “ủng hộ” cải cách ruộng đất, chủ yếu vì nó có mục tiêu đẹp đẽ là đem lại ruộng đất cho nông dân; còn biện pháp sai lầm lại là một vấn đề khác.
Đôi điều thay lời kết
...Việc bình giải GMNKV, tôi chỉ có thể đưa ra một - hai “phương án” xin được gọi là “gợi ý”. Và có lẽ, nếu có một đề tài khoa học về những giấc mơ của con người thì thiển nghĩ, đây sẽ là loại “đề tài mở”, không có kết luận cuối cùng. Cũng vì thế, 78 giấc mơ ở trên chỉ có thể cho chúng ta hiểu thêm phần nào về chiều sâu “cõi lòng” BS. Nguyễn Khắc Viện.
Cho dù biết nhiều giấc mơ là “siêu thực” hay phi lý, nhưng con người vốn quen duy lý của thời đại này vẫn thích đối chiếu “thực và mơ”. Đề cập đến vấn đề này, trong một dịp vào Đà Nẵng, sau khi nhà thơ Đông Trình đưa cho BS. Nguyễn Khắc Viện bản thảo tập sách viết cho thiếu nhi, có ý muốn nhờ ông góp ý; dù rất bận, BS. Nguyễn Khắc Viện đã xem kỹ cả 120 bài, giúp tác giả chọn lựa và viết mấy lời giới thiệu như sau:
“Chỉ trong giấc mơ, chim mới biết nói, hoa mới biết cười và con người có thể bay lên với mây gió... Người thường, không ai ngây dại đến mức lấy mơ làm thực. Thế mà trẻ em và nghệ sĩ cùng một tính ngây thơ rất dễ biến thực thành mơ để thấu cho hết lý tình của cái thực...”.
Khi xây mộ BS. Nguyễn Khắc Viện tại Nghĩa trang Mai Dịch, bà Nguyễn Thị Nhất đã chọn trích từ mấy dòng này ghi lên tấm bia - có lẽ đây là tấm bia có nội dung độc đáo nhất nghĩa trang.
Hy vọng với 78 giấc mơ cuối đời của BS. Nguyễn Khắc Viện, chúng ta có dịp thấu hiểu hơn “lý tình của cái thực” sống động và không ngừng biến đổi của cuộc đời...
(Trích bản thảo “Nguyễn Khắc Viện Mơ & Yêu” sẽ xuất bản)