TS Trần Anh Tuấn, giảng viên bộ môn nội Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam (VUTM) chia sẻ: Những ngày cuối tháng 5, nghe theo lời hiệu triệu của Bộ Y tế, đoàn chi viện gồm 37 thầy trò của nhà trường đã tức tốc lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.
Nhiệm vụ chính của đoàn là lấy mẫu xét nghiệm thực địa tại địa bàn huyện Việt Yên (nơi được xác định là vùng lõi dịch). Nhờ sự chuẩn bị kĩ lưỡng mà tất cả các bạn sinh viên không hề bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Với tâm thế đến với Bắc Giang dịp này là bước vào một trận chiến chứ không phải là chuyến đi tình nguyện thông thường, thầy và trò Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã đặt quyết tâm cao nhất, đóng góp một phần sức lực nhỏ bé giúp địa phương sớm kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh.
Những hình ảnh đẹp của thầy trò Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam trong quá trình lấy mẫu thực địa.
Trong những ngày đầu đặt chân tới Bắc Giang, nền nhiệt độ gần 40 độ C chính là trở ngại lớn nhất đối với đoàn. Trong trang phục bảo hộ cấp 4, cấp 6, việc lấy mẫu ngoài trời cho người dân trong các khu phong tỏa, cộng đồng là vô cùng vất vả. Hiện tượng choáng váng vì sốc nhiệt là khó có thể tránh khỏi, nhưng tất cả luôn động viên nhau cố gắng vượt qua.
Theo thống kê sơ bộ, trong vòng 14 ngày chi viện, 37 thầy trò Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã lấy được gần 21.000 mẫu (cả đơn lẫn gộp), góp phần quan trọng giúp địa bàn huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung sớm khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Những hình ảnh đẹp của thầy trò Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam trong quá trình lấy mẫu thực địa.
Nhằm lưu giữ lại những kỉ niệm tại mảnh đất Bắc Giang, trên trang facebook cá nhân, chị Huỳnh Thị Hồng Nhung, giảng viên bộ môn Ngoại Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam đã có những dòng chia sẻ hết sức xúc động:
“Thầy trò chúng tôi đang sống những ngày tháng ý nghĩa nhất. Nơi đây, giữa mặt trận chống dịch sục sôi, ý chí can trường của đội ngũ y tế cả nước và của cả nhân dân Bắc Giang giúp chúng tôi có những ngày rực lửa nhất của cuộc đời. Và xin dành riêng cho “Biệt đột săn Covid VUTM” yêu thương niềm tự hào, cảm phục. Cảm phục vì các sinh viên đã không bị khuất phục bởi cái nắng hè gay gắt, của nhiều điều “khó nói” khi khoác lên người bộ bảo hộ cấp 4, của những ngày làm việc triền miên nhiều giờ đồng hồ…
Nhưng với chúng tôi “mệt chỉ là cảm giác” mà thôi. Chưa ai ốm đau, chưa ai ngất xỉu, bởi có lẽ tinh thần quả cảm của các chiến binh cũng như những sự động viên khích lệ và hành trang chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần mà nhà trường cùng các thầy cô trao cho chúng em trước khi lên đường vào tâm dịch. Có mỏi mệt, ngứa rát, đổ mồ hôi…. nhưng chúng ta vẫn đang kiểm soát rất tốt.
Chiến binh của “Biệt đội săn Covid VUTM” đâu dễ bị đánh bại bởi những khó khăn trong cuộc chiến này. Vậy nên ở nhà mọi người đừng quá lo lắng cho đoàn, hãy dành thời gian để tự hào về chúng tôi. Xin cảm ơn nhà trường đã tin tưởng giao cho chúng tôi nhiệm vụ thiêng liêng này, cảm ơn các bậc phụ huynh đã ủng hộ hết mình cho các chiến sĩ, cảm ơn các đơn vị cá nhân đã hỗ trợ cho đoàn từ những điều nhỏ nhất, và cảm ơn chúng mình đã tuyệt vời đến vậy”.
Hay đó là những dòng tâm sự giản dị của nữ sinh viên Lưu Thị Hà: “Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, chưa đi làm nhiệm vụ, mình có chút trải lòng. Mấy hôm nay nhận được sự quan tâm, hỏi thăm của gia đình , bạn bè, thầy cô và cả những người chưa một lần gặp gỡ, thấy thật ấm lòng.
Chúng em ở trong này đầy đủ lắm, được quan tâm hết mức, ăn có người nấu đúng bữa, đủ tiêu chuẩn, chất dinh dưỡng. Ngay cả đến giấc ngủ, chúng em cũng được chăm lo từng li từng tí. Thêm vào đó, mỗi lần hoàn thành xong nhiệm vụ tại một địa phương nào đó, người dân lại hỗ trợ, động viên cho chúng em bao nhiêu đồ ăn, nước uống, phải nói trên cả tuyệt vời.
Còn nếu phải kể đến những khó khăn thì em nghĩ đó chỉ là cảm giác thôi. Đây là lần đầu tiên em tham gia chống dịch, nhưng chắc chắn đây cũng sẽ là lần mà cả cuộc đời này em sẽ không bao giờ quên”.