BS Trần Tuấn Thanh, Phó giám đốc TTYT Thị xã Bến Cát, Bình Dương được phân công phụ trách khu điều trị này, anh nói: Nhân sự của TTYT chỉ 20 cán bộ trong đó có 5 BS, phục vụ tất cả cá nhiệm vụ: Tiếp nhận, thu dung điều trị, phục vụ ăn uống, khử khuẩn, vệ sinh…
BS Trần Tuấn Thanh, Phó giám đốc TTYT Thị xã Bến Cát, Bình Dương
Từ ngày 7/7/2021, đoàn thầy thuốc của Đại học Y Hà Nội gồm 10 người do BS Nguyễn Quốc Linh làm trưởng đoàn và 9 sinh viên năm 3 ngành điều dưỡng của Đại học Y Hà Nội đã đến trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc người bệnh.
Chụp X-quang phổi cho người bệnh
Ngay khi đến, đoàn đã bắt tay ngay cùng nhân viên TTYT Bến Cát trực tiếp thăm khám, điều trị bệnh nhân. BS Nguyễn Quốc Linh trực tiếp hỗ trợ chuyên môn, 2 sinh viên điều dưỡng hỗ trợ tiếp nhận bệnh và khử khuẩn, 3 sinh viên hỗ trợ chăm sóc, hồ sơ bệnh án, 2 sinh viên hỗ trợ lấy mẫu và 2 sinh viên hỗ trợ phục vụ ăn uống.
Cùng tham gia đọc phim với thây thuốc khu điều trị
Để tiện theo dõi bệnh nhân và trao đổi thông tin, nhóm thầy thuốc của Đại học Y Hà Nội cùng với thầy thuốc Khu điều trị đã lập nhóm zalo BS điều trị COVID-19 để chia sẻ phác đồ điều trị, tình hình diễn tiến của người bệnh, bệnh nhân nguy cơ…BS Nguyễn Quốc Linh trực tiếp theo dõi, khám 30 người bệnh trên tầng 4 cũng như hỗ trợ khám các ca nặng khu cấp cứu.
Nhóm zalo của thầy thuốc đã kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, phác đồ, dự đoán người bệnh sẽ chuyển nặng, thời điểm diễn tiến nặng, những việc cần phải làm ngay như lập ngay phòng cấp cứu trong khu điều trị để sẵn sàng cấp cứu khi bệnh nhân chuyển nặng.
Đi buồng khám cho bệnh nhân
BS Linh kể lại: Thiết lập phòng cấp cứu trong khu điều trị là việc cần thiết phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh Bình Dương các trang thiết bị cần thiết như đồ phòng hộ đúng tiêu chuẩn, máy đo nồng độ oxy SpO2, các thuốc điều trị các ca suy hô hấp, dự tính số lượng oxy cần phải trang bị cũng như các dụng cụ cấp cứu cần thiết khác. Đồng thời luôn hội chẩn và tiên lượng với các thầy khi gặp ca bệnh khó…
Qua đi buồng thăm khám, các bệnh nhân đều có điện thoại thông minh, đoàn công tác của Đại học Y Hà Nội đã lập App zalo sử dụng mã QR cho người bệnh khai báo y tế theo dõi sức khỏe nhiều lần trong ngày.
Thầy thuốc và sinh viên Đại học Y Hà Nội sinh hoạt chuyên môn với thầy thuốc TTYT Bến Cát
Nhờ App zalo này, giảm áp lực đi buồng và có thể phát hiện sớm triệu chứng bệnh nhân có thể diễn biến nặng để tập trung theo dõi và phân loại ngay. Công việc và áp lực nhiều, 9 sinh viên năm 3 ngành điều dưỡng cùng với thầy của mình có những ngày làm việc đến nửa đêm, nhưng ai cũng vui vì được sử dụng kiến thức trên giảng đường vào ngày thực tế chăm sóc người bệnh.
Do điều kiện vật chất hạn chế, nhóm thầy thuốc của Đại học Y Hà Nội 3 cùng với thầy thuốc TTYT Bến Cát: cùng ăn, cùng ở, cùng làm ngay trong khu điều trị. Biết là nguy cơ lây nhiễm SARS-COV2 nhưng họ luôn vui vẻ và hòa đồng. Niềm vui khi mỗi ngày được chứng kiến sức khỏe bệnh nhân được tốt dần. Thời gian rảnh, cả nhóm cùng sinh hoạt trao đổi chuyên môn với thầy thuốc của Thị xã Bến Cát.
BS Trần Tuấn Thanh, bộc bạch: Đây là lần đầu tiên, chúng tôi trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 gặp nhiều bỡ ngỡ và rất may mắn khi được đón đoàn thầy thuốc của Đại học Y Hà Nội về hỗ trợ chuyên môn. Nhờ đóng góp chuyên môn của thầy thuốc từ Hà Nội vào, chúng tôi đã kịp thời phát hiện nhanh 5 bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng.
“Thay mặt nhân viên Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 và Trung tâm y tế Bến Cát cảm ơn Đoàn hỗ trợ y tế của Đại học y Hà Nội, đặc biệt là BS. Nhờ có đoàn hỗ trợ mà nhân viên khu điều trị tự tin hơn khi điều trị bênh nhân, nhất là những ca có nguy cơ chuyển nặng”, BS Thanh nói.
BS Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, 350 cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đến tỉnh đã đóng góp rất nhiều cho Bình Dương về công tác chuyên môn, hỗ trợ cho thầy thuốc trong tỉnh từ lấy mẫu, truy vết, điều trị…đây là sự “chi viện” kịp thời, động viên tinh thần thầy thuốc của tỉnh trong cuộc chiến COVID-19 dự báo còn khó khăn, phức tạp.