Thầy cô rối, thí sinh lúng túng trước "ma trận" thông tin
Minh Hoàng – học sinh lớp 12 (Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy bối rối trước hàng loạt thông tin về các trường và ngành nghề đào tạo trên internet và mạng xã hội. "Khi tìm hiểu về ngành học hoặc trường đại học nào đó, có quá nhiều thông tin khác nhau, em không biết thông tin nào là đúng, là không. Mặc dù các trường có nhiều phương thức lựa chọn tuyển sinh khác nhau nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nhưng giữa vô vàn hướng dẫn và số liệu khiến bản thân em lúng túng. Em càng mông lung hơn khi 2 trường mà em có nguyện vọng đăng ký xét tuyển thì năm nay lại giảm mạnh chỉ tiêu", Minh Hoàng cho biết.
Ngoài ra, nhiều thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường khối y dược cũng đang nóng lòng chờ phương thức tuyển sinh. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến thời điểm này các trường khối ngành sức khỏe vẫn chưa tổ chức họp để thống nhất phương thức tuyển sinh cho nhóm ngành này.
Trong bối cảnh dịch bệnh, mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận hàng loạt trường tư vấn theo hình thức trực tuyến, cô Nguyễn Thị Dung – giáo viên một trường THPT ở Phú Thọ khuyến cáo: "Trước vô vàn những đường link hướng dẫn, chúng tôi lưu ý học sinh chỉ nên quan tâm đến những trường, ngành nghề mà mình dự định đăng ký xét tuyển, không nên tra cứu lan man trên mạng, tránh bị sa đà vào "ma trận" các đường link bài sẽ bị rối. Đặc biệt, các em học sinh nên tra cứu trên website của trường đại học mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển để cập nhật thông tin mới và chính thống nhất của nhà trường".
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học bậc THPT tại Hà Nội chia sẻ, học sinh lúng túng trước nhiều phương thức tuyển sinh đại học là bởi, khi các trường thay đổi phương thức tuyển sinh có lộ trình và thông báo trước, học sinh có thể đáp ứng được, nhưng một số trường thay đổi nhanh, gần như chuyển hết sang phương thức mới sẽ khiến thí sinh bỡ ngỡ.
"Bản thân những giáo viên tư vấn tuyển sinh và ôn luyện cho lớp 12 như chúng tôi cũng cảm thấy rối khi có quá nhiều phương thức tuyển sinh. Mỗi trường tuyển theo một cách khác, thậm chí 1 ngành cũng có nhiều phương thức tuyển khác nhau. Việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình ôn thi của học sinh, làm thay đổi chiến lược học của các em. Tôi cho rằng thêm phương thức tuyển sinh để thêm cơ hội cho thí sinh, nhưng chỉ nên bổ sung thêm 1 vài hình thức, bên cạnh đó vẫn phải giữa các phương thức tuyển sinh truyền thống. Quá trình thay đổi này cũng cần diễn ra có lộ trình, nếu thay đổi quá nhanh sẽ gây rối loạn rất lớn cho học sinh, các em không biết sẽ phải chọn phương thức nào" - thầy Hiền nói.
Các cơ sở đào tạo nếu muốn giảm chỉ tiêu thì cần phải có lộ trình
Ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, sự đa dạng các phương thức tuyển sinh phần nào cũng gây ra những khó khăn trong việc nắm bắt thông tin của thí sinh. Các trường bổ sung nhiều phương thức xét tuyển kéo theo phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức trong cùng một ngành không hợp lý, tăng giảm mạnh qua các năm. Ngoài ra, việc thay đổi phương thức tuyển sinh cũng khiến thí sinh không có sự chuẩn bị kịp thời.
Để đảm bảo hiệu quả, công bằng cho thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cần khai báo các thông tin xét tuyển của các phương thức lên trang thi và tuyển sinh để thí sinh đăng ký xét tuyển. Các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, thực hiện việc tuyển sinh đúng quy chế, xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục hạn chế của năm 2021, xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào và chịu trách nhiệm giải trình.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý, các cơ sở đào tạo đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định. Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm. Ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Mỗi ngành tuyển sinh (có thể theo nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình) phải có một mã tuyển sinh/mã xét tuyển riêng cho từng phương thức tuyển sinh, để thuận tiện các mã này chỉ khác nhau một chữ số/ký tự cuối cùng. Các trường chủ động thực hiện công tác xét tuyển, hoặc phối hợp thành nhóm trường trong công tác chạy phần mềm xét tuyển.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dịch căng thẳng ở nhiều tỉnh thành, 3 triệu học sinh phải dừng đi học trực tiếp | SKĐS