Thầy tôi...

17-11-2018 08:09 | Y tế
google news

SKĐS - Có lẽ thầy là nguồn cảm hứng để tôi lựa chọn nhi khoa như là sự gắn bó lâu dài. Nhưng thầy từ chối nêu tên nên tôi chỉ viết về thầy - như một lời tri ân. Và cũng là một kinh nghiệm để chia sẻ với các em sinh viên trường y về cách học và để vượt qua được những môn học khó với thầy giáo “khó nhằn”...

Trước khi chọn nhi khoa, tôi từng nghe nhiều thế hệ các anh chị sinh viên lớp trước nói về thầy như là “một nỗi ám ảnh của sinh viên”. Vậy nên tôi đã chuẩn bị tinh thần cho “nỗi ám ảnh” này bằng cách đọc sách vở tài liệu...

Còn nhớ những buổi giao ban buổi sáng, thầy hỏi mà hầu như sinh viên không hiểu thầy hỏi gì. Cứ từng bạn lần lượt đứng lên gãi đầu, cho đến khi gần cả lớp đều đứng hết lên, chưa được ngồi vì chưa có ai có câu trả lời đúng. Tiếng thầy quát sang sảng, tay đập bàn ầm ầm, những cái liếc nhìn sắc lạnh khiến bọn tôi không lạnh mà run. Tới lượt, do đã chuẩn bị trước, tôi cũng trả lời được những câu hỏi khá “hóc” của thầy và tôi trở thành “hiện tượng” trong lớp. Vì vậy, tôi thường là người giúp các bạn có thể ngồi xuống.

Hướng dẫn sinh viên thực hành lâm sàng tại bệnh viện.

Hướng dẫn sinh viên thực hành lâm sàng tại bệnh viện.

Mùa đông miền Bắc, khỏi phải nói nó lạnh như thế nào, đã lạnh mà gió còn rít... khiến cái lạnh như cắt da cắt thịt. Hồi đó còn nghèo và không có áo “siêu nhẹ siêu ấm” như bây giờ. Để chống rét, chúng tôi đứa nào đứa đó cuộn mình trong tầng tầng lớp lớp áo khoác dầy sụ, thù lù như một chú gấu bông trước khi khoác bên ngoài chiếc áo blouse...

Trong những ngày tháng rét mướt đó, để có thể học được, tôi phải lọ mọ dậy từ 5 giờ sáng. Thường là nhịn ăn và chỉ kịp uống vội ly cà phê hòa tan nóng rực rồi vội vàng chạy sang bệnh viện vì cứ đúng 6 giờ sáng mỗi ngày thầy sẽ có mặt tại bệnh phòng để giảng lâm sàng cho nhóm Y6 trực đêm hôm trước, ngày nào cũng vậy đều như vắt chanh. Có lẽ do thấy ngày nào tôi cũng chường cái mặt ra nên thầy quen mặt. Cũng có thể thầy nghĩ: “À, thằng này chăm, lại sáng láng dễ thương (he he he)”... nên thầy đã dành chút ưu ái cho tôi... Thầy thường hướng dẫn tôi thật kỹ và kết quả là tôi được 10 điểm lâm sàng khi qua “trại” của thầy. Tôi rất ấn tượng vì sự tận tâm của thầy đối với sinh viên. Thầy có tuổi rồi, tóc cũng bạc hết... nhưng ngày nào cũng vậy, đều đặn đúng 6 giờ sáng, bất kể đông lạnh hay hè oi bức... thầy đều có mặt sớm để giảng cho sinh viên... Vì thế, thực sự trong lòng tôi thần tượng thầy lắm. Có lúc tôi nghĩ, nếu ở lại trường làm giảng viên tôi cũng sẽ như thế, tôi sẽ có mặt lúc 5 giờ sáng cho mấy đứa Y6 “thức mệt chơi”...

Còn một điều nữa ở thầy khác với người khác: Thầy thường dùng cái đèn pin rất to để soi họng, mũi cho bệnh nhi chứ không dùng mấy cái đèn cỏn con. Đèn pin của thầy còn bự hơn đèn pin của tôi bây giờ. Và quả thật, khi dùng đèn cỡ bự soi mũi, họng mới thấy “đã”. Thầy còn tỉ mỉ từng li từng tí - có lẽ đó là đặc thù của người theo nghề nhi khoa. Bây giờ tôi thấy hiếm có thầy cô trẻ nào giữ được đặc tính giống thầy. Có lẽ ở tuổi của thầy, sau nhiều năm làm việc và giảng dạy đã trau dồi, nâng cao được trình độ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho sinh viên...

Nhiều bạn sinh viên hay inbox hỏi tôi về kinh nghiệm khi đi học trường y, tôi xin chia sẻ luôn: Bí kíp của tôi không gì khác là phải chăm chỉ. Đi học lý thuyết thì phải ngồi bàn đầu hoặc bàn 2 để không cho phép mình ngủ gục. Hơn nữa là để các thầy cô “thuộc nhẵn” cái mặt của mình. Đi học lâm sàng cũng vậy, bạn phải chăm chỉ “chường cái mặt của mình” ra cho thầy cô thấy. Dù mặt bạn xấu hay đẹp đều gây ấn tượng với thầy cô và ấn tượng đó trên hết là “Đứa này chịu khó đi lâm sàng đây”. Vậy là đảm bảo các bạn sẽ được các thầy cô chỉ bảo và thi đậu trăm phần trăm nhé.

Chúc các bạn sinh viên Y6 vượt qua được kỳ học “khó nhằn” với những bí quyết đơn giản, nhưng lại cần sự nỗ lực rất lớn.


BS. Trần Công
Ý kiến của bạn