Tôi lên Tuyên Quang, những khu rừng vốn đầy thảo dược trong đó có cả trà hoa vàng, nhưng giờ đã thành nhà máy, khu công nghiệp, trang trại. Mất rất nhiều công sức, cả tiền của, chúng tôi mới có thể làm nên một vườn thảo dược, trồng lại ít cây Trà hoa vàng để cung cấp nguyên liệu cho việc điều chế thuốc trị bệnh ngoài da.
Nhưng trồng được cây Trà hoa vàng rồi, thu hái lại là câu chuyện rất khác. Y học cổ truyền (YHCT) có những điều rất khó lý giải.
Y học cổ truyền: những điều kỳ bí
Chỉ riêng việc đi hái thuốc đã rất kỳ công. Ví như cây Trà hoa vàng thì chỉ nên thu hái khi không có ánh nắng mặt trời, và chỉ thu hoạch ở những cành hướng đông, những cành mọc ở hướng khác dược tính rất thấp. Sự cầu kỳ không phải là đã hết vì không phải tay ai cũng thu hái được thuốc. Mọi sự đều có nguyên do của nó.
Bắt mạch chẩn bệnh là một trong những đặc trưng của y học cổ truyền
Khi xưa cha tôi dạy: "phế dần đại mão vị thìn cung/tỳ tị tâm ngọ tiểu mùi trung…" nghĩa là bệnh ở phế thì phải đi vào giờ dần, bệnh đại tràng thì hái thuốc, đi chữa vào giờ mão, bệnh về vị thì đi giờ thìn/chữa về tỳ đi tị, chữa về tâm thì đi giờ ngọ". Vì vào những giờ đấy, khí của những tạng (tâm, can, tỳ, vị, …) vượng nhất. Khi sử dụng châm cứu thì đó là những giờ mở huyệt đạo cơ thể con người. Việc hái thuốc cũng phải tuân thủ quy luật như vậy.
Nhưng chưa hết! Xưa các cụ chọn con cháu để truyền nghề rất kỹ lưỡng, không phải ai cũng theo được ngành y. Phải là qua mấy lần thử xem có tay hái thuốc, bốc thuốc không, lại phải xem lá số tử vi người định truyền nghề xem có sao bác sỹ như như Thiên Y, Thiên Diêu chiếu mệnh hay không?
Cho nên thuốc đấy, các bốc thuốc có quy chuẩn chung, nhưng mỗi người bốc lại có công hiệu khác nhau. Luận giải khoa học thế nào, thì chịu! Đến giờ chưa ai tìm ra lời giải, nhưng đó mới là YHCT.
Hồi còn bé, ông tôi vẫn bảo rằng "Con bé này có tay hái, tay bốc thuốc". Thế là nghề đã chọn tôi. Tôi thi đỗ vào Học viện Y dược học cổ truyền, ra trường làm bác sỹ chuyên khoa da liễu. Tất cả ngẫu nhiên như một sự sắp đặt rất vừa vặn.
Cùng TTND Nguyễn Hồng Siêm thăm khám cho bệnh nhân
Rất cần hiều về Y học hiện đại
Tôi rất tâm đắc với lời của Tiến sỹ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm: "kết hợp nhuần nhuyễn được cả YHCT và Y học hiện đại (YHHĐ) sẽ đem lại những điều lợi ích nhất cho người bệnh". Khám chữa bệnh ngoài da cũng vậy, người bác sỹ YHCT chuyên khoa da liễu rất cần có sự hỗ trợ của YHHĐ.
Người bác sỹ YHCT có thể chẩn bệnh nhanh hơn, chính xác hơn đó là lợi ích đầu tiên khi chúng ta có kiến thức về YHHĐ. Các chứng bệnh về da được YHHĐ phân chia một cách rất rõ ràng, theo từng tiêu chí cụ thể ví dụ như thế nào là vẩy nến, như thế nào là á sừng, …
Trang thiết bị y tế hiện đại đã trở thành một phần không thể thiếu trong khám chữa bệnh bằng YHCT
Hiểu về YHHĐ, kết hợp với YHCT đem lại những lợi ích bất ngờ. Có câu chuyện vui thế này: em bé bị nổi ngứa khắp người, đi khám nhiều nơi không sao tìm được căn nguyên. Bữa mẹ đưa em đến phòng khám của tôi, qua tứ chẩn thì rõ em bé bị nổi ngứa là do trùng độc mà trùng độc ở đây là giun sán. Vậy là chỉ một liều thuốc tân dược tẩy giun là em khỏi hẳn, không cần thuốc thang cầu kỳ nhiều.
Ở một khía cạnh khác khi hiểu và nắm bắt được các nguyên lý, dược tính được YHHĐ dùng trong điều trị bệnh về da, người bác sỹ YHCT không khỏi nhiều lúc giật mình. Đó là việc lạm dụng cả kháng sinh, lạm dụng các chế phẩm thuốc chứa coritcoid để điều trị bệnh về da.
Cái hại của corticoid giới bác sỹ cảnh báo rất nhiều. Thứ thuốc này nếu dùng quá đà sẽ bào mỏng da, tệ hơn là dẫn tới bại xương, hỏng cả ngũ tạng. Bệnh ngoài da vốn không nguy hiểm tính mạng, nhưng lạm dụng cordticoid gây suy đa thể tạng thì rất khó để điều trị thành công.
Thời hiện đại các bệnh- đặc biệt là bệnh ngoài da ngày một nhiều, đủ mọi biến chứng, thể trạng. Bác sỹ YHCT không chỉ cần nắm vững được nền tảng của y lý phương Đông, mà cần hiểu và vận dụng tốt nhất YHHĐ mới làm tròn vai trò bác sỹ.