Từ trước đến nay, trên thế giới đã có nhiều thầy thuốc làm thơ, viết văn rồi sau đó trở thành những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Anton Tchekhov (Nga), Somerset Maugham (Anh), Lỗ Tấn (Trung Quốc)… Ở Việt Nam cũng vậy, chúng ta từng biết đến những thầy thuốc rất thành công trong lĩnh vực văn thơ: Đào Ngọc Phong, Vũ Quần Phương, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Sĩ Tuấn... và có nhiều thầy thuốc khác rất am hiểu lĩnh vực âm nhạc, hội họa: Phạm Khuê, Nguyễn Thấu... Rõ ràng, mối quan hệ giữa y học với văn học, nghệ thuật là vô cùng khăng khít, có tác động qua lại lẫn nhau.
Các thầy thuốc tham gia khám từ thiện cho người dân trong cộng đồng. Ảnh: Trần Minh |
Với mỗi một người thầy thuốc, những tư tưởng chủ đạo trong Lời thề y khoa (Hippocratic Oath) được truyền dạy từ cha đẻ của ngành y, Hippocrates (460 - 370 trước Công nguyên), vẫn thấm đẫm tính nhân văn và là kim chỉ nam cho y đức (medical ethics). Ngay từ thời xa xưa cách đây gần 2.500 năm, những điều cốt lõi trong tư tưởng hành nghề y của Hippocrates vẫn tỏa sáng đến ngày nay: Y học là khoa học về con người, cả thể chất và tinh thần. Cũng từ hàng trăm năm trước, người ta đã đưa ra một định nghĩa đơn giản về sức khỏe là “một tâm hồn trong sáng trong một cơ thể lành mạnh” (âme saine dans un corps sain). Người thầy thuốc đến với bệnh nhân là động thái của một con người đang đến với một con người. Và phép chữa bệnh không chỉ áp dụng cho phần thể xác mà còn phải cho, thậm chí là trước hết cho sức khỏe phần tâm hồn. Đó cũng chính là tinh thần chủ đạo trong lời dạy của Bác Hồ: “Lương y kiêm từ mẫu”. Về mặt này, y học thật gần với văn học, như người ta thường nói: “Văn học là nhân học” (Maxim Gorki).
Tập thơ Từ đá vắt ra của TTƯT. BS. nhà thơ Trần Sĩ Tuấn. |
Để làm được như vậy, người hành nghề thầy thuốc phải có nhiều đức hạnh mà trong đó tình thương yêu, lòng nhân ái là cội nguồn của đức hy sinh. Nhưng tình yêu thương và lòng nhân ái không phải từ trên trời rơi xuống. Mặc dù con người vốn “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng đó mới chỉ là sự chịu đựng chứ chưa phải là tinh thần cống hiến, chưa phải là cách mưu cầu hạnh phúc bằng sự “cho đi” mà không đợi “nhận về” như cổ nhân đã dạy: “Thi ân bất cầu báo”.
Những khuyết điểm của ngành y hôm nay có phải là do thiếu vắng những điều như thế. Tại sao ở đâu đó sự giao tiếp của thầy thuốc với bệnh nhân thiếu đi sự “lắng nghe và thấu hiểu”? Tại sao có những “từ mẫu” áo trắng không còn là những “mẹ hiền”. Thật đáng buồn nhưng đó là thực tế đang diễn ra. Hãy xét một chuyện nhỏ thôi là chữ viết. Lâu nay, chữ viết nào mà không đọc nổi người ta vẫn gọi là “chữ bác sĩ”. Cũng một phần vì bận việc, thiếu thời gian (có nhiều nơi khám bệnh chỉ có 1 - 2 phút cho mỗi bệnh nhân) nên bác sĩ kê toa viết vội, viết láu đến nỗi chính mình đọc cũng không ra. Nhưng đó chỉ là biện hộ. Viết vội, viết láu khác với viết xấu. Mà “nét chữ là nết người” (Phạm Văn Đồng), viết ẩu cũng phần nào phản ánh tính cẩu thả của con người. Chữ xấu, câu cú lủng củng, nói năng cộc lốc, tính tình cáu bẳn, thiếu đồng cảm sẻ chia với người bệnh, là những thói tật thường đi với nhau và có ở không ít người thầy thuốc. Đó có phải là do thiếu rèn luyện chữ nghĩa và thiếu văn chương để nuôi dưỡng một tâm hồn nhạy cảm, vị tha? Chúng ta cũng nên nhớ rằng: “Người thầy thuốc chỉ tỏ ra xứng đáng với nghề nghiệp cao quý của mình khi biết kết hợp khoa học với văn hóa... Nếu người thầy thuốc là một nghệ sĩ bởi vì khoa học của họ là một nghệ thuật thì họ phải là một hiền nhân, bởi vì tâm hồn của họ là một đức tin và nghề nghiệp của họ là một sứ mệnh” (Hồ Đắc Di, Vinh và lụy của ngành y, 1949).
Rồi nữa, chuyện “phong bì” trong ngành y tế cũng là một minh họa sinh động cho thực tế này. Cả xã hội kêu ca lên án nhưng ai cũng biết ngành y không phải là một ốc đảo giữa xã hội và các thầy thuốc không phải là những Robinson Cruso giữa hoang đảo đó nên trong điều kiện xã hội hiện nay, “phong bì” còn là một “vấn nạn” không riêng gì của ngành y tế. Thực lòng mà nói, người thầy thuốc nhận cái “phong bì” từ tay của người bệnh cũng chẳng sung sướng gì. Dù nhìn ra xã hội thấy ai cũng vậy nên cũng được an ủi một phần, nhưng thực ra họ cũng đau lòng lắm. Họ đau bởi vì nó xúc phạm đến thiên chức xã hội của người thầy thuốc, vì nó làm giảm sút đi những vinh quang cao quý của nghề nghiệp. Lòng tự trọng nghề nghiệp ấy đã được hình thành từ khi họ mới bước chân vào “trường thuốc”. Tuy vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người thầy thuốc cũng cần phải có lương tâm, bởi vì hơn bất cứ ngành nào khác, trong ngành y “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự sa đọa của tâm hồn” (Francois Rabelais, 1494 - 1553).
Về chương trình học thì ngành y ở các nước Âu Mỹ cũng như ở nước ta là dài nhất trong các ngành đào tạo và cũng thiên về “chữ” nhiều hơn “số”. Sau một hai năm đầu học khoa học cơ bản với những toán, lý, hóa, sinh..., sinh viên y khoa bắt đầu những năm tiếp theo với những môn học y học cơ sở và y học lâm sàng mang tính mô tả và hướng dẫn với hàng núi con chữ chỉ có thể đọc và học để thuộc lòng. Rồi cho đến khi ra trường hành nghề, những kiến thức khoa học tự nhiên ngoài việc giúp cho mỗi người có tư duy “kiểu toán” như người ta vẫn nói, chỉ còn cần đến khi tiến hành những nghiên cứu khoa học và trong tổng kết hoạt động chuyên môn. Hầu hết hoạt động thực tiễn nghề y là quá trình giao tiếp ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân, là các hoạt động xã hội để chăm lo sức khỏe và phòng bệnh cho cộng đồng. Dĩ nhiên, không ai ngây thơ đơn giản nghĩ rằng, người học toán thì khô khan mà người học văn thì lãng mạn. Ta đã thấy không ít người làm nghề toán mà tâm hồn văn chương lai láng. Nhưng nếu thiếu “suối nguồn văn chương” thì những hạt giống tâm hồn sẽ thiếu đất gieo và khó đâm chồi nảy lộc, nở hoa kết trái nhân ái, yêu thương. Bởi vì, văn học nghệ thuật chân chính có tác dụng di dưỡng tâm hồn con người, giúp con người có được tấm lòng cao cả biết yêu thương đồng loại, và đối với người thầy thuốc là biết yêu thương người bệnh, coi người bệnh như ruột thịt của mình. Từ đó, càng thấu hiểu một nguyên lý rất cơ bản của y học là chữa bệnh không chỉ chữa về thể chất mà cần phải chữa cả tinh thần. Và đúng như lời của nhà ngoại khoa lỗi lạc người Đức, Theodor Billroth (1829-1894): “Chỉ có người có tấm lòng cao cả mới trở thành một thầy thuốc tài năng” (Seulement un home de grand ceur peut être un bon médecin).
Tác phẩm Nhớ đến một người của BS. Đỗ Hồng Ngọc là tập ký chân dung các văn nghệ sĩ. |
Vậy thì đâu phải chỉ có khoa học tự nhiên mới cần cho những người thầy thuốc tương lai, còn văn chương (và khoa học xã hội nói chung) thì không cần đến. Thực ra thì không phải vậy. Như tư tưởng của Hippocrates, ở đây lại nổi lên những “thuộc tính” cần và đủ của người thầy thuốc. Một tâm nguyện cống hiến, một đức tính tận tụy, hy sinh, một tấm lòng nhân ái, vị tha là những điều người thầy thuốc cần phải có. Và để nghề nghiệp thăng hoa, để hành nghề hạnh phúc, người thầy thuốc còn phải có một tâm hồn lãng mạn và một trái tim nhân hậu dẫn đường. Và, nhờ vậy lòng trắc ẩn, tình yêu thương không bao giờ vơi giảm trong những năm tháng hành nghề của người thầy thuốc. Chỉ có với những thầy thuốc như vậy thì ngành y mới có thể làm tròn thiên chức cao quý “chăm lo sức khỏe” cho toàn xã hội và xã hội mới có thể yên lòng với những người “từ mẫu” của mình. Cũng chính điều đó đã làm nên sự thơm thảo, phần cao quý của ngành y, như lời Hippocrates: “Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm, tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người”.
Phú Xuân