Hà Nội

Thầy thuốc Việt nỗ lực mang kỹ thuật đỉnh cao Âu- Mỹ giá 150.000 USD về trị bệnh động kinh cho trẻ

08-09-2023 16:04 | Y tế

SKĐS - Sáng 8/9, trên giường bệnh tại Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Nhi TW, bé gái N.N.M 6 tuổi tỉnh giấc sau 6 giờ phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh. Không một cơn động kinh nào trở lại với cô bé, không liệt vận động. M. tương tác và phối hợp bác sĩ nhịp nhàng.

Hạnh phúc của người mẹ khi không còn phải sợ hãi cô con gái có thể ra đi bất cứ lúc nào vì hàng chục cơn động kinh mỗi ngày

Nhìn cô con gái 6 tuổi trở về trạng thái bình thường, mẹ của bé không khỏi xúc động, chị cho biết, từ khi M. mới 17 tháng tuổi, bé bắt đầu có những cơn động kinh. 

"Ban đầu bé chỉ xuất hiện một đến hai cơn trong ngày, nhưng sau đó tăng dần lên 10 cơn, có lần lên đến cả trăm cơn động kinh. Nhiều lần đang đêm phải đưa con đi cấp cứu, trên đường chúng tôi luôn thường trực nỗi sợ con mất bất kỳ lúc nào, giờ nhìn con nằm khỏe mạnh, không còn cơn động kinh. Trong khi vài ngày trước, bé còn phải vào phòng hồi sức vì xuất hiện ngừng thở ngắn sau những cơn co giật liên tục kéo dài. Người làm mẹ như tôi không có hạnh phúc nào tả xiết"- mẹ của M. nghẹn ngào, xúc động nói.

Chia sẻ với báo chí ngày 8/9, TS Lê Nam Thắng (Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Nhi TW) cho hay, ông và các cộng sự vừa trở về từ Mỹ sau một tháng học tập kỹ thuật mới nhất phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh. N.M.M là trường hợp bệnh nhi đầu tiên mắc động kinh phức tạp được các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW tiến hành phẫu thuật với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Mỹ.

Thầy thuốc Việt nỗ lực mang kỹ thuật đỉnh cao Âu- Mỹ giá 150.000 USD về trị bệnh động kinh cho trẻ - Ảnh 1.

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi TW tương tác với bé M sáng 8/9 tại phòng bệnh của Khoa Ngoại Thần kinh

Để tiến hành phẫu thuật cho trường hợp này, các bác sĩ đã phải đặt điện cực trước 36-48 tiếng để theo dõi. Sau đặt điện cực, M. rơi vào tình trạng động kinh liên tục cả trăm cơn, có cơn ngừng thở ngắn, phải chuyển xuống hồi sức và điều trị thuốc ngủ liều cao để khống chế cơn giật, chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật đặc biệt.

Ngày 7/9, trải qua hơn 4 giờ phẫu thuật, TS Thắng cùng các cộng sự, với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Mỹ, đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây ra cơn động kinh cho bệnh nhân M. "Trước mổ, bé có 50-100 cơn giật/ngày và luôn phải dùng thuốc ngủ. Sau mổ, bệnh nhi gần như tỉnh táo không có cơn giật và hoàn toàn không liệt. Ca phẫu thuật đầu tiên chúng tôi triển khai đến hôm nay là thành công hoàn toàn - BS Thắng chia sẻ.

Ngay sau thành công của ca đầu tiên, sáng 8/9 các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật khó can thiệp cho bệnh nhi 5 tuổi, có biểu hiện động kinh từ lúc 17 tháng. Bé trung bình có 2-3 cơn giật động kinh trong ngày, đồng thời là trường hợp bệnh nhi mắc động kinh phức tạp có vùng động kinh không rõ ràng và kháng tất cả các thuốc điều trị.

Kỹ thuật này được chỉ định cho bệnh nhân có những dấu hiệu: Mắc động kinh kháng thuốc, vùng sinh động kinh không rõ ràng, vùng gây động kinh gần vùng chức năng (ngôn ngữ, vận động). Đây là kỹ thuật phức tạp liên quan nhiều vùng chức năng giải phẫu, cũng như tâm sinh lý của bệnh nhân sau mổ.

Chia sẻ về kỹ thuật, GS Brandon Rocque, Bệnh viện Trẻ em Alabama (Mỹ), cho biết phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh thực hiện ở Mỹ và châu Âu được 5 năm và lần đầu tiên thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên của Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật này.

Theo GS Brandon Rocque nói thêm: Tại các trung tâm phẫu thuật thần kinh ở Mỹ và châu Âu, kỹ thuật này giúp phẫu thuật viên, bác sĩ nội khoa quyết định chính xác cắt vùng tổn thương một cách tuyệt đối, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ.

Thầy thuốc Việt nỗ lực chinh phục kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật động kinh

Thầy thuốc Việt nỗ lực mang kỹ thuật đỉnh cao Âu- Mỹ giá 150.000 USD về trị bệnh động kinh cho trẻ - Ảnh 2.

TS Lê Nam Thắng (Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Nhi TW) trao đổi với báo chí sáng 8/9.

Theo thông tin của Bệnh viện Nhi TW, trong những năm gần đây, phẫu thuật bệnh lý động kinh kháng trị tại đây đã mang lại kết quả tốt do sự phối hợp của đa chuyên khoa trong đánh giá và lập kế hoạch điều trị trước, trong và sau phẫu thuật. Mục tiêu chính của các thăm dò trước, trong phẫu thuật động kinh là xác định chính xác vùng sinh động kinh và liên quan của chúng với các vùng chức năng quan trọng của não bộ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong các tổn thương sinh động kinh phức tạp liên quan tới các vùng chức năng hoặc nhiều tổn thương, các thăm dò chẩn đoán hình ảnh, điện sinh lý thần kinh không xâm nhập đôi khi không cung cấp đủ thông tin cần thiết cho nhóm phẫu thuật động kinh trong lập kế hoạch và quyết định điều trị.

Cùng sự phát triển của phẫu thuật động kinh và các hệ thống điện sinh lý thần kinh, vai trò của các phẫu thuật theo dõi thần kinh xâm nhập: đặt điện cực vỏ não đánh giá trong và sau mổ, điện cực não sâu,... được phát triển để đánh giá toàn diện tổn thương sinh động kinh, đưa ra quyết định chính xác trong cắt bỏ tổn thương sinh động kinh. Tại Bệnh viện Nhi TW đã tiến hành thăm dò tổn thương sinh động kinh bằng điện não đồ bề mặt vỏ não trong mổ từ 2017, mang lại kết quả điều trị động kinh khả quan sau phẫu thuật cho trên 30 bệnh nhân.

"Với mong muốn tiếp tục cải thiện điều trị bệnh nhân động kinh kháng trị, Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Nhi TW cùng đoàn chuyên gia phẫu thuật động kinh của Bệnh viện trẻ em Alabama (Hoa Kỳ) cùng phối hợp thực hiện phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh trong tháng 9"- TS Thắng nói.

Thầy thuốc Việt nỗ lực mang kỹ thuật đỉnh cao Âu- Mỹ giá 150.000 USD về trị bệnh động kinh cho trẻ - Ảnh 3.

Các bác sĩ chuẩn bị tiến hành ca phẫu thuật động kinh thứ 2 cho trẻ sáng 8/9.

Để đưa kỹ thuật này về Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW đã có gần 2 năm chuẩn bị, TS Lê Nam Thắng cùng một số bác sĩ hồi sức đã học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật này tại Mỹ. Cuối tháng 9, sẽ có thêm 3 bác sĩ tại Bệnh viện Nhi TW tiếp tục đi học tập 3 tháng tại Bệnh viện Alabama, Trường Đại học Alabama, Mỹ.

Bước tiến bộ trong thực hiện phẫu thuật này sẽ giúp nhóm phẫu thuật động kinh tại Bệnh viện Nhi TW giải quyết được các ca bệnh khó của nhóm bệnh lý động kinh phức tạp, cũng chính là cải thiện hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân động kinh kháng trị và gia đình.

Khi Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện kỹ thuật này thành công sẽ nâng tầm kỹ thuật phẫu thuật động kinh nói riêng và phẫu thuật thần kinh nói chung của Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Tuy nhiên, BS Thắng thừa nhận, đây là một kỹ thuật khó, tốn kém và không thể làm đại trà. Tại Mỹ, riêng tiền phẫu thuật là 150.000 USD chưa kể chi phí cho quá trình điều trị và thuốc, do đó không thể sớm áp dụng đại trà. Mặc dù chúng tôi đã được tặng một số máy móc nhưng vật tư tiêu hao khó có thể mua sắm ngay do liên quan đến đấu thầu hoặc chỉ có một nhà sản xuất. Chi phí phẫu thuật bảo hiểm y tế chưa chi trả. Trong khi đó, một ca tại Việt Nam nếu rẻ cũng phải tốn chừng một tỷ đồng.

"Do đó, chúng tôi mong muốn có những chính sách dành cho các ca phẫu thuật này trong tương lai để giúp các bệnh nhi không may mắc bệnh động kinh có cơ hội được trở về cuộc sống bình thường"- TS Thắng bày tỏ.

Trường hợp nào phải thực hành để được cấp mới chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh?Trường hợp nào phải thực hành để được cấp mới chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh?

SKĐS - Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo đó, tại dự thảo, Bộ Y tế đã nêu rõ các trường hợp phải thực hành, được miễn thực hành để cấp mới chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn