Những loại ung thư nào mắc phổ biến ở cả 2 giới tại nước ta?
Thông tin tại hội thảo điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024 do Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 31/10-1/11, tại Hà Nội, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện K chia sẻ, theo số liệu thống kê năm 2022, tại Việt Nam ước tính có 180.480 trường hợp mới mắc ung thư và 120.184 trường hợp tử vong do ung thư.
Số ca ung thư mắc mới ở nam giới là hơn 95.300 ca, trong đó 3 loại ung thư phổ biến nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày; nữ giới có 85.100 ca mắc mới, phổ biến nhất là ung thư vú, phổi, trực tràng.
"Trong số này có khoảng 71.300 người tử vong do ung thư là nam giới, với 3 loại ung thư có số ca tử vong cao nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày. Ở nữ giới, số ca tử vong là khoảng 48.800 ca, phổ biến nhất là vú, phổi, gan.
Việt Nam có tỉ suất mới mắc cao thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 20/47 quốc gia châu Á"- PGS.TS Phạm Văn Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, mạng lưới và chiến lược phòng chống ung thư tại Việt Nam được các bộ, ngành, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Từ năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư giai đoạn 2009 - 2020.
Đến nay, Việt Nam có 11 bệnh viện chuyên ung bướu tại 9 tỉnh/thành phố; 23 trung tâm, viện ung bướu tại 13 tỉnh/thành phố, 78 khoa ung bướu tại 61 tỉnh/thành phố. Còn 2 tỉnh thành chưa có đơn vị chuyên khoa ung bướu là Tây Ninh và Bình Phước.
Việt Nam đã tiệm cận với các quốc gia trên thế giới về thuốc, kỹ thuật điều trị ung thư
Các chuyên gia ung bướu nhấn mạnh, phòng chống ung thư đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại và thường xuyên cập nhật phương pháp mới của các thầy thuốc. Tại hội thảo về điều trị đa mô thức bệnh ung thư lần này, Bệnh viện K được cập nhật những nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ.
"Bên cạnh những nội dung chuyên môn, hội thảo còn tập trung vào Quản lý chất lượng bệnh viện. Đây là một nội dung quan trọng nhằm giảm bớt bất bình đẳng trong chăm sóc y tế cũng như nâng cao sự hài lòng của người bệnh"- GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết và nhấn mạnh: Ung thư là bệnh lý đặc biệt, khó khăn về điều trị và tỷ lệ tái phát rất cao. Người bệnh thường xuyên tái khám. Bệnh cũng gây tâm lý hoang mang cho bệnh nhân và người nhà.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm việc điều trị ung thư tại nước ta đã được nâng tầm. Việt Nam đều tiệm cận với các quốc gia trên thế giới về thuốc, kỹ thuật điều trị ung thư. Bệnh nhân được cá thể hóa từng người giúp khả năng chữa trị tốt.
GS.TS Lê Văn Quảng nhấn mạnh điều trị đa mô thức là sự kết hợp nhiều phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát ung thư. Trong đó, 3 phương pháp kinh điển là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Cùng với việc phát hiện sớm bệnh ung thư thì cá thể hóa trong điều trị bệnh này đang là xu hướng tốt nhất cho người bệnh.
"Điều trị cá thể hóa là không phải bệnh nhân nào cũng điều trị như nhau. Cùng một loại bệnh ung thư nhưng với mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ có những vấn đề khác nhau về bệnh học, giới, tuổi, bệnh kèm theo. Mỗi loại ung thư có rất nhiều loại tế bào, cần phải xem đó là loại tế bào gì, có đột biến gen hay không. Cá thể hóa trong điều trị ung thư sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho người bệnh…"- GS.TS Lê Văn Quảng nói.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, GS.TS Lê Văn Quảng cho biết, hội thảo là cơ hội để kết nối các chuyên gia trong cả nước và quốc tế chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật những kiến thức mới nhất về điều trị đa mô thức, về quản lý bệnh viện với hy vọng góp phần thúc đẩy trình độ chuyên môn cho chuyên ngành điều trị ung thư.
GS.TS Lê Văn Quảng cho biết thêm: Khi chúng tôi tham gia nghiên cứu của đa trung tâm trên thế giới, trong đó lấy bệnh nhân tại Bệnh viện K, nghiên cứu là 1 trong 5 báo cáo chất lượng nhất của hội nghị ASCO tại Chicago (Mỹ).
"Tỷ lệ bệnh nhân phát hiện sớm, các kỹ thuật tiên tiến mình đều có thể làm được, chúng ta đã tham gia được các nghiên cứu mà trước đây các tổ chức quốc tế, công ty đa quốc gia không cho mình tham gia vì mình chưa đủ trình độ, nhưng hiện nay các bác sĩ có thể trao đổi bằng ngoài ngữ, thiết kế các nghiên cứu với họ"- GS.TS Lê Văn Quảng thông tin.
Giám đốc Bệnh viện K cũng nhấn mạnh việc phải mở rộng mạng lưới ung thư, tăng cường công tác đào tạo, lực lượng công tác trong ngành ung bướu còn chưa đủ, phát triển mạng lưới tuyến dưới để cập nhật kiến thức trong điều trị,
Bệnh viện K đã xây dựng hướng dẫn điều trị ung thư phổi, năm nay sẽ làm ung thư gan, trong khoảng 3 năm chúng tôi làm 10 bệnh ung thư hay gặp...