Hà Nội

Thầy thuốc và cây cọ

03-11-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

GS.TS, TTND, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình có đôi tay vốn quen cầm dao mổ là một trong những bậc thầy về chấn thương chỉnh hình được bạn bè yêu quý gọi thân mật...

GS.TS, TTND, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình có đôi tay vốn quen cầm dao mổ là một trong những bậc thầy về chấn thương chỉnh hình được bạn bè yêu quý gọi thân mật là “Bình Xương”! “Bình xương” không chỉ quen với xương mà còn tranh thủ lúc rảnh rỗi lang thang dạo trong làng nghệ thuật với toan, màu, cây cọ; với bàn phím để có một phòng tranh và không ít bài thơ, truyện đăng tải trên báo. Ông Giám đốc Học viện Quân y 103 quả là có lắm chuyện bất ngờ!

Trước giờ khai mạc phòng tranh.

Tôi biết ông Nguyễn Tiến Bình khi còn là Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình, rồi Phó GĐ Quân y viện 108 từ trước năm 2007 khi ông về nhậm chức GĐ Học viện Quân y 103 này. Cứ ngỡ một trong những chuyên gia đầu ngành về chấn thương chỉnh hình toàn gặp xương với khớp, nhất là áo quần quân phục, lon sao tề chỉnh hẳn nghiêm chỉnh và khô khan lắm, ai ngờ còn làm thơ. Không những thơ mà ông còn viết truyện và cái Dưới lá me bay trên tạp chí Hội Nhà văn còn được trao giải 3 về truyện ngắn của Hội, nghĩa là cũng ngang ngửa với các bác nhà văn chuyên nghiệp. Hóa ra ngành y đâu chỉ có dao kéo thuốc thang khi đối tượng ngành này là con người thì “vũ khí” của đội quân áo trắng này lại chính là tâm hồn và trái tim con người  trong chính mỗi người thầy thuốc.

Lại tưởng chỉ thế thôi, nào ngờ đùng một cái, ông “Bình Xương” cho ra phòng tranh “Nguyễn Tiến Bình và chuỗi ký ức” với 42 bức sơn dầu chọn lọc. Tranh bán được và cả tiền bán tranh in thành sách cũng cho tất vào “Quỹ khích lệ học viên giỏi” của Học viện. Thế ra là tâm hồn và sáng tạo nghệ thuật của người thầy thuốc cũng là hạt giống nuôi những hoài bão cho thế hệ sau bước tiếp trên con đường y học.

Nguyễn Tiến Bình không định làm họa sĩ. Tranh của ông chỉ là sự giải tỏa niềm đam mê trong ông. 42 bức sơn dầu được công bố là 42 khoảng khắc chợt lóe lên như trút hết hồn cốt, cảm xúc người thầy thuốc vào cây cọ mà không cần phải nghĩ đến những quy ước của hội họa, không nghĩ đến “nội dung tư tưởng tác phẩm” một cách máy móc cần được thể hiện. Chính vì thế, phòng tranh của “Bình Xương” có nét độc đáo riêng như một tâm trạng ném ra để những tâm trạng đồng điệu khác bắt gặp cùng cảm thông và chia sẻ.

Tác giả giới thiệu tranh với bạn bè của mình.

Gác bỏ dao mổ, cầm lấy cây cọ, Nguyễn Tiến Bình trở về một con người bình thường với cảm xúc thi sĩ khi hoài niệm quá khứ hay cảnh vật trước mặt đã tạo ra những ấn tượng về đất nước quê hương, về hoa lá cỏ cây, về cả những góc khuất trong sâu thẳm lòng người với những cung bậc nhiệt huyết và sâu lắng. Lạc vào phòng tranh ông bỗng thấy một “Bình Xương” khác, không ngủ yên trong thành tựu y khoa đã có, không yên vị trên chiếc ghế đang ngồi mà như cứ muốn bứt ra để phát hiện thêm chính mình trong những tìm tòi mới.

Mọi thành công đều bắt đầu từ sự đam mê. Không yêu con người làm sao Nguyễn Tiến Bình có thể thành GS.TS, TTND, là một trong những chuyên gia đầu ngành về y học. Nhưng cũng tình yêu con người ấy khiến ông luôn thường trực lắm nỗi đam mê. Xem kịch Đôi mắt xong là ông muốn viết kịch bản sân khấu. Xem triển lãm là muốn vẽ tranh. Đọc thơ truyện là muốn cầm bút. Muốn không phải định tìm danh lợi trong đó mà là khao khát của một trái tim đến với những trái tim. Và cũng chính khao khát ấy đưa ông đến những thành công trong y học trong khi sáng tác nghệ thuật là phút thư giãn giải lao như tìm lại mình, cân bằng mình trong đời sống thường nhật.

Xin chúc mừng người thầy thuốc có tâm hồn nghệ sĩ!

Bài, ảnh: Lê Quý Hiền

 


Ý kiến của bạn