Chương trình diễn ra từ tháng 5 đến hết hết năm 2022 trên phạm vi cả nước, cao điểm trong tháng 5. Trong đó, ngày 14/5 sẽ đồng loạt tổ chức khám chữa bệnh tại tất cả các địa phương trong cả nước (thời gian từ 8 - 17 giờ). Hoạt động này nằm trong hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2022 - Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19.
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, qua chương trình sẽ phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu COVID-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe cho người hậu mắc COVID-19; góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, chương trình đặt mục tiêu tư vấn trực tuyến bằng điện thoại cho 3 triệu người. Toàn bộ người dân đã nhiễm COVID-19 sẽ được tiếp cận với bộ tài liệu chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19. Đối tượng được khám trực tiếp là những người dân từ 50 tuổi trở lên đã nhiễm COVID-19 và có bệnh lý nền (ung thư, tiểu đường, huyết áp, các bệnh lý tâm thần, các bệnh hô hấp...); trẻ em dưới 12 tuổi từng nhiễm COVID-19.
Chương trình cũng khám miễn phí cho những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn có người đã nhiễm COVID-19 và có các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài từ 4 tuần đến 6 tháng. Tất cả người dân đã nhiễm COVID-19 được hưởng tư vấn qua sử dụng công nghệ và mạng viễn thông.
Đối với các tỉnh, thành phố được TW hỗ trợ kinh phí khám, sẽ tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân tại địa phương bị ảnh hưởng, với các hoạt động: khám bệnh tổng quát, chụp X-quang, và các chương trình y tế công cộng cho người dân, sử dụng container khám bệnh lưu động và container xét nghiệm của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Các danh mục khám bao gồm: xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch máu; kiểm tra nhịp tim và huyết áp; kiểm tra các dấu hiệu hậu COVID-19; điện tâm đồ; chụp X-quang phổi.
Bên cạnh đó, chương trình sẽ triển khai tư vấn qua AI chẩn đoán sàng lọc tình trạng sức khỏe và dấu hiệu triệu chứng COVID-19 kéo dài. Tư vấn sức khỏe và dinh dưỡng cho người dân, tổ chức xây dựng hồ sơ khám bệnh và tiến hành nghiên cứu, lấy ý kiến người dân qua đó đánh giá tình trạng sức khỏe và tiến hành theo dõi, chăm sóc sức khỏe từ xa cho người dân.
Đối với những địa phương khác sẽ tổ chức các bàn tư vấn, khám bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh liên quan đến hô hấp, tổ chức khám theo hướng dẫn khám bệnh tùy điều kiện dịch bệnh tại địa phương.
Bên cạnh đó, chương trình sẽ tổ chức hoạt động tặng quà, tặng thuốc bổ và phát khẩu trang, bữa cơm miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; tổ chức hiến máu tình nguyện theo hướng dẫn hiến máu an toàn của Ban Chỉ đạo hiến máu quốc gia; tổ chức tư vấn dinh dưỡng, khám sức khỏe cho thiếu nhi; tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm khám bệnh từ xa...
- Số lượng Thầy thuốc trẻ tham gia chương trình: 20.000 Thầy thuốc trẻ cả trực tiếp và trực tuyến.
- Số lượng người dân được tư vấn, khám bệnh trực tiếp: 100.000 người.
- Số lượng người dân được tư vấn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để khám bệnh: 1.000.000 người.
- Số lượng người dân được tư vấn trực tuyến bằng điện thoại: 3.000.000 người.
- Toàn bộ người dân đã nhiễm COVID-19 được tiếp cận với bộ tài liệu chăm sóc sức khỏe hậu COVID.
- Tình nguyện viên được tư vấn dinh dưỡng và kiến thức phòng dịch: 100.000 tình nguyện viên.
- Vận động hội viên, thanh niên hiến 50.000 đơn vị máu.
- Mỗi Tỉnh/Thành phố tổ chức được ít nhất 01 đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch.