Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn cán bộ khảo sát thực tế cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ việc khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại một số địa bàn trọng điểm thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước.
Chuyến khảo sát nhằm xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)".
Háo hức đến Mù Cang Chải
Anh Nguyễn Bá Tĩnh, Phó chủ tịch thường trực Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, các bác sĩ trẻ đã đăng ký tham gia Dự án sẽ được đi các chuyến khảo sát của Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam để họ đến tận nơi sau này mình sẽ về công tác đề được tận mắt chứng kiến từ điều kiện kinh tế, phong tục tập quán đến cơ cấu bệnh tật… và đặc biệt là đánh giá năng lực cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở…Qua hai đợt khảo sát và thực hiện khám chữa bệnh tình nguyện tại Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ, nhiều bác sĩ đã sẵn sàng về với bà con.
Góp mặt trong đoàn bác sĩ trẻ tình nguyện làm việc với Sở Y tế tỉnh Yên Bái, UBND huyện Mù Cang Chải, BVĐK Mù Cang Chải, BS trẻ Hoàng Văn Quang (tốt nghiệp Trường Đại học Y Hải Phòng háo hức: “em sinh ra và lớn lên ở vùng đất trung du, em cũng đã quen với điều kiện sống ở miền núi, tuy nhiên khi lần đầu tiên bước chân lên Mù Cang Chải em mới nhận thấy hết những khó khăn và điều kiện nơi đây. Tuy nhiên, em đang rất sẵn sàng khoác ba lô lên đường để bảo vệ sức khỏe nhân dân và em mong muốn đề án được triển khai sớm”..
Một buổi tham gia khám chữa bệnh tình nguyện của các bác sĩ trẻ tại Mù Cang Chải – Yên Bái.
Quang là một trong 3 bác sĩ tình nguyện đăng ký về công tác tại BVĐK Mù Cang Chải. Cùng tâm trạng như Quang, hai bạn trẻ BS Nguyễn Văn Hưởng và Nguyễn Phương Thảo (SV Y6, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên) đã đi xe máy từ Thái Nguyên lên Hà Nội để tham gia đoàn tình nguyện đi về với Mù Cang Chải. Hưởng và Thảo cho biết, các bạn đăng ký làm bác sĩ tình nguyện tại huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang, nhưng nhận được thông báo của Hội Thầy thuốc trẻ, các bạn đã đi xe máy từ Thái Nguyên xuống để tham gia cùng đoàn. Thảo tâm sự, lần đầu tiên em lên miền núi, lên Mù Cang Chải em cảm nhận đường thật xa, khó đi, nhưng Quản Bạ, Hà Giang vẫn là nơi các bạn mong chờ được đến để phục vụ nhân dân, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào.
Chia sẻ với những bác sĩ trẻ khi về công tác tại vùng sâu, xa, trong đó có Mù Cang Chải, BS Cứ A Hồng, GĐ BVĐK Mù Cang Chải, người đã gắn bó với BV huyện vùng cao gần 30 năm cho biết, đối với các BV miền núi gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đặc biệt nguồn nhân lực, tiêu biểu như 10 năm nay BV chưa nhận được thêm một bác sĩ nào, đào tạo được một vài bác sĩ thì họ đều ra đi. Do đó, rất thiếu thốn về bác sĩ. Các bác sĩ về đây sẽ gặp khó khăn về ngôn ngữ, những bất cập về trình độ dân trí, về phong tục tập quán…, nhưng, “các bạn trẻ hãy đừng nghĩ đến vì sự ưu đãi của nhà nước để về vùng sâu, vùng xa mà các bạn hãy có niềm tin ở vùng đất mới nơi các bạn sẽ đến, các bạn hãy chia sẻ với những cán bộ y tế ở vùng sâu, xa và các bạn chắc chắn sẽ trưởng thành”, BS. Cứ A Hồng bộc bạch.
Tính khả thi là ưu tiên hàng đầu
Theo PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) để đề án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" đi vào cuộc sống và khả thi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu Ban quản lý dự án tiến hành khảo sát thực trạng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất tại một số huyện nghèo trên cả nước. Theo đó, thời gian qua , Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã khảo sát và đánh giá thực trạng tại một số huyện như huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai (Lào Cai), huyện Tân Sơn (Phú Thọ) và huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)…
Cũng theo TS Hưng các chuyến khảo sát này sẽ đánh giá được nhu cầu thực sự của tuyến dưới cần bổ sung các bác sĩ ở chuyên khoa nào, đồng thời cũng đánh giá thực chất năng lực của các bệnh viện nơi sẽ nhận bác sĩ trẻ về công tác. Bởi lẽ, ngoài việc đưa bác sĩ về để đảm bảo về số lượng bác sĩ, thì việc cung cấp trang thiết bị tối thiểu để bác sĩ hành nghề cũng là điều rất cần được quan tâm. Vì nếu có bác sĩ, có trình độ nhưng không có trang thiết bị máy móc để làm việc thì sẽ lãng phí nguồn lực Do đó, bên cạnh những cố gắng nỗ lực của Bộ Y tế thì phải có cam kết của chính quyền địa phương trong việc đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu. Qua khảo sát của Bộ Y tế tại BVĐK huyện Mù Cang Chải, ban quản lý dự án cho biết, hiện tại BVĐK hiện nay BVĐK Mù Cang Chải có 3 chuyên khoa BV đang thiếu và cần bổ sung là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Bác sĩ Nội- Nhi và Bác sĩ Gây mê hồi sức. Tuy nhiên, để các bác sĩ hoạt động thực sự hiệu quả thì việc xây dựng cơ sở, vật chất và trang thiết bị tại BV phục vụ công tác khám chữa bệnh cũng phải được cải thiện để đảm bảo hoạt động đồng bộ, hiệu quả.
Còn theo anh Nguyễn Bá Tĩnh, Phó chủ tịch Thường trực Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, những vùng điều kiện kinh tế khó khăn đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực bác sĩ chất lượng cao với vai trò là lực lượng đại diện của thầy thuốc trẻ, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam muốn kêu gọi tinh thần xung kích tình nguyện của thanh niên đến các huyện nghèo và đây cũng chính là thể hiện chiều sâu của y đức trong tuổi trẻ y tế. Hiện nay đã gần 100 bạn đăng ký tham gia dự án và hi vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự xung kích và tinh thần của các bác sĩ trẻ.
Nguyễn Hồng