Hà Nội

Thầy thuốc tình nguyện hướng tới 69 huyện nghèo trên cả nước

15-01-2015 21:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người dân vùng sâu, vùng xa được tuyên truyền phòng bệnh...

Chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người dân vùng sâu, vùng xa được tuyên truyền phòng bệnh và kiểm tra sức khỏe mà còn giúp các cán bộ y tế biết đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của người bệnh. Đây là lời nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện Chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo cho 1 triệu người nghèo do Bộ Y tế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Thầy thuốc trẻ và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động.

Bác sĩ BVĐK TW Thái Nguyên khám chữa bệnh tại nhà cho người dân nghèo tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Thành Trung

Còn nhiều người chưa từng gặp bác sĩ

PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, trong những chuyến đi khám chữa bệnh tình nguyện, ông không khỏi bồi hồi xúc động vì nhiều người chưa từng uống viên thuốc, chưa từng gặp bác sĩ, đặc biệt là những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa như Mù Cang Chải (Yên Bái), huyện đảo Lý Sơn...

Trong chuyến đi khám, chữa bệnh gần đây nhất là vào đầu tháng 11/2014, BV Bạch Mai đã thành lập đoàn công tác với 60 cán bộ, y bác sĩ thực hiện khám, phát thuốc miễn phí cho 1.000 bà con, nhân dân huyện Lang Chánh và huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Tuy nhiên, không phải đợi đến Chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo này BV mới thực hiện, mà hàng năm BV Bạch Mai tổ chức thường xuyên khám chữa bệnh cho người nghèo, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với cách mạng, những đối tượng thuộc chính sách của Nhà nước. Đồng thời, chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh cho đồng bào miền núi còn gặp nhiều khó khăn, những địa phương gặp thiên tai, lũ lụt, những nạn nhân chất độc da cam..., PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm.

Cùng hưởng ứng Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo, từ ngày 12-15/12/2014, Bệnh viện Phụ sản TW đã phối hợp với BVĐK huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng) khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 2.200 lượt người dân, bao gồm các chuyên khoa sản, nhi, nội và siêu âm, cùng với 1.200 suất thuốc được trao tặng cho người dân. Trước đó, từ ngày 5-8/12/2014, Đoàn công tác của BV Phụ Sản TW gồm 26 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên cùng cơ số thuốc men cũng đã hoàn thành đợt khám chữa bệnh tình nguyện cho 1.500 người dân và tặng 1.000 suất thuốc cho bà con tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

TS. Lê Thiện Thái, Phó Giám đốc BV Phụ sản TW cho rằng: “Chương trình khám, chữa bệnh tình nguyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới địa đầu của Tổ quốc. Ngoài khám chữa bệnh, chúng tôi còn kê đơn, cấp thuốc điều trị một số bệnh phụ khoa, nhi khoa. Đối với phụ nữ có thai được cấp thuốc bổ máu, vitamin tổng hợp; đồng thời, tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho bà con kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh…”. Qua những lần khám, chữa bệnh tình nguyện của các bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương, người dân nơi đây có cơ hội được tiếp cận, hưởng thụ những dịch vụ y tế có chất lượng cao và có thêm kiến thức, kỹ năng được trang bị để tự bảo vệ sức khỏe của mình.

Mới đây nhất, từ ngày 10 – 13/1/2015, đoàn công tác của BVĐK TW Thái Nguyên cũng đã hoàn thành đợt khám chữa bệnh tình nguyện cho người dân tại 2 huyện nghèo Ba Bể và Pác Nặm thuộc tỉnh Bắc Kạn. Đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo lần này có sự tham gia của 18 bác sĩ và 13 điều dưỡng, KTV, dược sĩ với đầy đủ các chuyên khoa cơ bản do PGS.TS. Nguyễn Thành Trung, Giám đốc BV làm Trưởng đoàn, mang theo 2 máy siêu âm và 2 máy điện tim đã khám cho 2.128 lượt người của xã Cao Tân, huyện Pác Nặm và xã Yến Dương, huyện Ba Bể. Kết quả đã phát hiện 638 trường hợp bệnh cơ xương khớp (30%), 617 trường hợp tăng huyết áp (29%), 193 trường hợp bệnh lý tiêu hóa và nhiều trường hợp bệnh lý các chuyên khoa khác. Đặc biệt, trong đợt khám này đã phát hiện 1 trường hợp sỏi bể thận cần mổ cấp cứu, sau khi khám đã chuyển về BV tỉnh phẫu thuật, ngoài ra phát hiện 3 trường hợp tim bẩm sinh mà chưa hề đi khám bao giờ, 3 trường hợp thiếu máu huyết tán phải truyền máu, 25 trường hợp có sỏi thận. Các trường hợp tăng huyết áp được phát hiện thì một số đã biết bị bệnh nhưng chưa điều trị, số còn lại phần lớn chưa từng phát hiện tăng huyết áp, bệnh lý viêm khớp cũng tương đối đặc thù của vùng cao.

Tiếp tục đến 69 huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, ngay trong ngày ra quân (2/11/2014), 6 bệnh viện trực thuộc BYT là BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV K, BV Hữu nghị, BV Y học cổ truyền TW, BV Mắt TW lập tức lên đường đến các huyện nghèo đã khám, tư vấn chữa bệnh cho hơn 38.000 người dân cùng với hơn 11.000 suất quà được trao tặng.

Đánh giá về các hoạt động triển khai Chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo, ThS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, các bệnh viện đã tổ chức nhiều nội dung hoạt động phong phú, sáng tạo, được người dân phấn khởi đón nhận như: tổ chức tập huấn sơ, cấp cứu cho giáo viên, học sinh; tổ chức tập huấn rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh; tuyên truyền sử dụng thuốc Nam, thuốc do Việt Nam sản xuất; tuyên truyền vận động hiến mô, tạng, giác mạc... lồng ghép trong việc khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí kết hợp tặng quà, chăn, quần áo ấm, thực phẩm, TV... cho người dân; chuyển giao kỹ thuật, tặng trang thiết bị y tế, tư vấn thiết kế cho y tế cơ sở qua đó đánh giá cao hiệu quả của Trạm y tế trong việc phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân mặc dù còn hết sức thiếu thốn về nhân sự cũng như cơ sở vật chất; tặng quà cho trường học; thăm hỏi, động viên, tặng quà giá trị cho bà mẹ VNAH, thương binh nặng, nạn nhân chất độc da cam…

Theo ThS. Nguyễn Trọng Khoa, đây là Chiến dịch khám chữa bệnh nhân đạo lớn đầu tiên của nước ta về quy mô, tính nhân văn, được các cấp chính quyền từ TW đến địa phương ủng hộ, nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ về tinh thần cũng như kinh phí, thuốc, quà tặng cho các đơn vị thực hiện cũng như địa phương. Đặc biệt, lần đầu tiên với sự ra quân, tham gia nhiệt tình của các BV tư nhân có uy tín đã bước đầu tạo sự bình đẳng giữa y tế Nhà nước và tư nhân trong việc huy động nguồn hợp pháp, xã hội hóa hệ thống chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Chương trình khám chữa bệnh nhân đạo cho 1 triệu người nghèo đã đi được hơn 2/3 chặng đường, chỉ còn 1 tháng nữa, đến ngày 15/2/2015 là kết thúc chiến dịch. Qua các chuyến đi thực tế cũng cho thấy việc tiếp cận của bà con vùng núi với y tế vẫn còn những hạn chế, chúng ta cần phải có cách tiếp cận chủ động hơn với đồng bào. Trong thời gian tới, để chương trình tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được ở đợt 1, Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế tập trung khám, chữa bệnh tại 69 huyện nghèo nhất cả nước. Sở Y tế các tỉnh, thành, phố cần triển khai mở rộng đến tất cả các huyện trong địa bàn tỉnh. Trong đó, đơn vị tham gia phải đặc biệt quan tâm đến hoạt động truyền thông, huy động nhân lực, nguồn lực các cấp, các ban ngành, tổ chức, đoàn thể, cá nhân, vận động đội ngũ y bác sĩ tham gia… để chương trình đạt hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi và tin tưởng của người dân.

Lê Hảo - Hạ Hiền

 

 


Ý kiến của bạn