Mong muốn người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, không còn cảnh “ốm không thuốc, cái chết cầm tay, dịch bệnh lây lan, quanh năm núi rừng thêm buồn vắng”, những người thầy thuốc ở cơ sở đã bền bỉ, kiên trì để giành chiến thắng trong “cuộc chiến” với các thầy mo. Dù đã cố gắng vận động rất nhiều nhưng ở nhiều nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng người dân ốm đau mời thầy mo đến cúng, đuổi bệnh. Thầy thuốc miền biên ải đã thành những tuyên truyền viên xuất sắc.
Khi thầy mo “to” hơn thầy thuốc
Đối với mảnh đất Mường Trời - Điện Biên, nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số trải dài rộng khắp từ đỉnh núi cho tới khe suối, thung sâu thì mỗi khi “cái thân không khỏe” đồng bào lại mời thầy mo về đuổi con ma. Chính vì lẽ đó, cách đây 6 thập kỷ, bà con vùng Mường Trời vẫn coi thầy mo “to” hơn thầy thuốc trong việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho mình. Y sĩ Thào Súa Sa, nguyên Phó ty Y tế Lai Châu (cũ) hiện đang sinh sống tại quê nhà Phình Sáng (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) nhớ lại thời kỳ đầu đầy gian khó: Thầy thuốc khi ấy thực sự là lực lượng đối chọi trong “cuộc chiến” với các thầy mo để thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong điều kiện rừng thiêng, nước độc, ăn ở thiếu vệ sinh, dịch bệnh thường xuyên bủa vây người dân. Số người mắc bệnh sốt rét, thương hàn, đậu mùa khá phổ biến; trẻ em tử vong vì tiêu chảy và những bệnh thông thường... gặp ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thế nhưng, do đồng bào nặng về mê tín dị đoan nên mỗi khi trong nhà có người ốm đau, bệnh tật, thầy mo là người được nhớ tới đầu tiên, được đồng bào mời, đưa rước về đuổi, bắt “con ma bệnh”. Nhiệm vụ được đặt ra của ngành y tế là thầy thuốc phải “thắng” được thầy mo.
Bác sĩ Hồ Xuân Khưn về với đồng bào. |
Trong điều kiện giao thông cách trở, địa bàn rộng, để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện vệ sinh phòng bệnh, cứu chữa người bệnh thì thầy thuốc chỉ có thể đi bộ. Đội ngũ cán bộ y tế ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đã triển khai từng bước hoạt động tuyên truyền vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chủ trương “sạch bản, sạch đường, tốt nương, tốt ruộng” hay “ăn chín, uống sôi”. Cùng với đó là thực hiện cuộc vận động “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để sâu sát bản làng, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh; phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt rét; ốm đau, dịch bệnh báo cho y tế, không tin vào thầy mo, thầy cúng.
Ðến thầy thuốc tại bản, tại nhà
Bằng sự kiên trì của thầy thuốc trong vận động, tuyên truyền đồng bào ăn chín uống sôi, không phóng uế ra sông, suối hay dưới gầm sàn; tiêm chủng một số vaccin phòng dịch như: tả, thương hàn, đậu mùa..., người dân đã dần “để ý” tới cán bộ y tế nhiều hơn.
Chị Hà Thị Mới phát thuốc tránh thai cho phụ nữ. |
Dưới cái nắng chang chang, chỉ cần bước ra khỏi nhà là mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cơ thể, thế nhưng, hay tin có một số cháu nhỏ ở thôn Xung bị bệnh tiêu chảy, bác sĩ Hồ Xuân Khưn, người dân tộc Vân Kiều, công tác ở Trạm Y tế xã Thanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) sau một đêm trực thức trắng, vẫn tức tốc lên đường. Sau khi hỏi thăm tình hình, khám bệnh, phát hiện nguyên nhân chính dẫn đến việc các cháu mắc bệnh là do thiếu nước sinh hoạt, gia đình ăn uống chưa bảo đảm vệ sinh, bác sĩ Khưn động viên các gia đình đưa con đến trạm y tế để được điều trị kịp thời. Anh không quên hướng dẫn các gia đình cách chế biến thức ăn bảo đảm vệ sinh, nhất là trong mùa nắng nóng, cần ăn chín, uống sôi, ngủ màn, hạn chế cho trẻ em chơi đùa ngoài trời... Những chuyến thăm, khám bệnh như thế của bác sĩ Khưn ở địa phương diễn ra thường xuyên. Trước đây, ở thôn Ta Nua Cô có nhiều trẻ em được gia đình đưa đến trạm y tế với thắc mắc không hiểu vì sao con mình đi tiểu buốt. Sau khi khám, theo dõi bệnh tình các cháu trong thời gian ngắn, bác sĩ Khưn và đồng nghiệp ở trạm y tế chẩn đoán các cháu có dấu hiệu bị bệnh sỏi thận và tiến hành điều trị cho đến khi các cháu lành bệnh. Hay gần đây nhất, ở thôn A Ho có nhiều người tức ngực, khó thở, ho ra máu, nhưng không chịu đến trạm y tế, bác sĩ Khưn thuyết phục, động viên họ đến cơ sở y tế và trực tiếp khám, đồng thời mời thầy thuốc trên huyện về làm xét nghiệm, kết quả họ dương tính với bệnh lao phổi. Anh đã cùng đồng nghiệp tuyến trên cho phác đồ điều trị và hướng dẫn bệnh nhân cẩn thận trong ăn uống, giao tiếp cho đến khi khỏi bệnh, tránh lây lan cho người khác.
Nhiều gia đình người Lào giáp biên giới xã Thanh cũng thường xuyên được bác sĩ Khưn khám, chữa bệnh và tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh. Anh Hồ Văn Dỏ, thôn A Ho cho biết: "Bác sĩ Khưn là người rất tận tình với bệnh nhân. Tháng nào bác sĩ cũng ghé thăm người dân trong thôn. Mỗi khi thấy bóng anh từ xa là chúng tôi ra ngay đón chào, xúm xít bên anh để nhờ hướng dẫn cách phòng, chống bệnh. Không nề hà, ai hỏi gì anh cũng sẵn sàng trả lời, chuyện trò vui vẻ. Chúng tôi gọi bác sĩ Khưn là "thầy thuốc của dân bản", bởi dù nhà ở xa, đường đi lại khó khăn đến mấy, mỗi khi bà con cần là bác sĩ sẵn sàng tới tận nơi".
Gặp chị Hà Thị Mới, công tác tại Trạm Y tế xã Sơn Thủy - một xã “có tiếng” nghèo nhất nhì huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi cảm phục sự tận tâm, tận lực hết lòng yêu nghề thương bà con của chị. Lớn lên trên mảnh đất khô cằn này nên ngay từ khi đang theo học y sĩ sản nhi tại Trường cao đẳng Y Thanh Hóa, chị đã ấp ủ phải về với bà con góp sức mình nâng cao đời sống và sức khỏe của người thân, hàng xóm nơi dung dưỡng mình.
Xã Sơn Thủy có gần 42% hộ nghèo, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số (như Thái, Mông, Mường...) đời sống vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu. Toàn xã có 12 thôn, bản, song đường đi lại cách rừng cách suối, thậm chí có những nơi như bản Mùa Xuân, bà con phải đi bộ gần 20km đường rừng mới đến được trạm y tế. Nhớ lại khoảng thời gian năm 2004 là lúc chị Mới bắt đầu công tác tại xã nhà, chị kể: “Khi đó mới học ở thành phố về, tiếp xúc với nhiều chị em sao thấy thương các chị như vậy. Cùng là nữ giới tôi rất hiểu và đồng cảm với phụ nữ khi đến ngày sinh và sau khi sinh. Ấy vậy mà, có những sản phụ vừa đẻ xong chưa đầy 5 giờ đồng hồ đã trốn thầy thuốc, bỏ trạm ôm con về nhà, chỉ để kịp lễ cúng cho con theo như phong tục của bà con nơi đây”. Hay chuyện khám thai định kỳ, tưởng là đơn giản nhưng với phụ nữ người dân tộc là cuộc vận động tốn nhiều thời gian và công sức nhất. Đến vận động chị em đi siêu âm, khám thai nhiều bà mế cùng gia đình hợp sức ngăn cản. “Mế ngày xưa đẻ 7 - 8 đứa như chúng mày có cần khám xét gì đâu, sao cứ đến bắt con gái tao ra trạm nằm phơi bụng giữa ban ngày như vậy?”. Hay vận động được chị em khám thai định kỳ rồi thì có người đi gọi là cho có “một lần khám và không bao giờ trở lại nữa”... Vậy là cán bộ y tế của trạm lại phải miệt mài đi gõ cửa từng nhà vận động, thuyết phục thay đổi suy nghĩ của bà con. Mưa dầm thấm lâu, đến nay, Trạm y tế xã Sơn Thủy đã đỡ đẻ từ 3 - 5 ca/tháng và khám cho khoảng hơn 100 lượt người. Phụ nữ có thai cũng đã tin tưởng và yên tâm tìm đến trạm để khám thai định kỳ. Gần đây, chị Mới và thầy thuốc tại trạm đã tiên lượng kịp thời, hỗ trợ chuyển tuyến thành công cho sản phụ bị băng huyết sau sinh và một sản phụ không bong nhau sau sinh.
Những công việc thầm lặng như “con ong chăm chỉ” dâng mật cho đời của chị Mới, anh Khưn và trước kia là ông Thào Súa Sa là 3 trong vô vàn hình ảnh đẹp của cán bộ y tế cơ sở. Những người gần dân, bám dân nhất. Thành tựu của nền y tế Việt Nam được quốc tế công nhận hôm nay có phần đóng góp của các anh chị - những cán bộ y tế cơ sở giúp dân thắng hủ tục, lạc hậu và nghèo nàn!
Quang Anh - Dương Hải