Thầy thuốc quân hàm xanh và lá đơn của người nghèo ven biển

14-11-2014 11:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Giờ đây, nhớ lại những ngày đầu gian khó khi đưa ra ý tưởng thành lập Trạm Quân dân y Ðồn Biên phòng Ba Lạt, Trung tá - y sĩ Trần Hà Tuyên vẫn rất xúc động.

Giờ đây, nhớ lại những ngày đầu gian khó khi đưa ra ý tưởng thành lập Trạm Quân dân y Ðồn Biên phòng Ba Lạt, Trung tá - y sĩ Trần Hà Tuyên vẫn rất xúc động. Anh nói, đã có lúc bản thân nghĩ rằng vì sao lại “mua việc vào người”, nhưng nhìn lại cuộc sống của bà con ngư dân còn nhiều khó khăn, nguy hiểm rình rập, rất cần điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt tại chỗ. Và đến hôm nay, sự kiên trì của anh đã đơm hoa kết trái bằng sự tin tưởng tuyệt đối của những người nghèo ở ven biển Giao Thủy, Nam Ðịnh.

Y sĩ Trần Hà Tuyên thăm hỏi sức khỏe cho bà con.

Y sĩ Trần Hà Tuyên thăm hỏi sức khỏe cho bà con.

Trạm quân dân y vì dân

Trạm Quân dân y Đồn Biên phòng Ba Lạt được thành lập từ năm 2002, đóng trên địa bàn xã Giao An, huyện Giao Thủy, Nam Định từ ý tưởng của y sĩ Tuyên, anh cũng là người đầu tiên gây dựng để có cơ sở vật chất và sự tin tưởng của nhân dân như hiện nay. Việc thành lập trạm thời kỳ đầu cũng nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương với việc cho mượn một ngôi nhà làm trụ sở. Đơn vị trang bị một số dụng cụ y tế. Vận dụng kinh nghiệm gần 15 năm công tác ở Đồng Tháp, một mình y sĩ Tuyên bắt đầu công việc trong muôn vàn gian khó khi bốn bề là ruộng lúa, đường vào trạm thì lầy lội bùn đất, cầu khỉ bắc qua mương, thiếu nước sinh hoạt... Và người thầy thuốc có khuôn mặt hiền lành, ánh mắt cương trực ấy đã từng bước có được sự tin tưởng, yêu mến của người dân biển bằng cách của mình.

Bệnh nhân đầu tiên là ông Trần Minh Phụng, 73 tuổi, ở xóm 11, bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nếu không cấp cứu kịp thời mà đưa đi viện ngay thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Ngày hôm sau, bệnh nhân bị liệt nửa người. Sau khi cấp cứu cho bệnh nhân, y sĩ Tuyên phải kết hợp điều trị Đông Tây y, xoa bóp, bấm huyệt. Được nửa tháng thì bệnh nhân dần hồi phục và hơn 3 tháng sau, từ chỗ bị liệt, bệnh nhân đã đi lại được bình thường.

Trường hợp cháu Vũ Thị Hà, ở xóm 20, bị sốt cao co giật (sốt 41 độ) vào đêm trước kỳ thi vào Đại học Sư phạm Thái Nguyên cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời cô giáo tương lai. Khi đó, việc xử lý quá gấp, bệnh nhân lại sốt cao không kịp đưa đi viện, từ những kiến thức được học qua về nhi khoa, giữa đêm, y sĩ Tuyên gọi điện xin ý kiến của hai thầy cô từng dạy anh ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, anh đã xử lý thành công ca bệnh này. Giờ đây đã là cô giáo, lấy chồng ở xa nhưng mỗi lần về thăm gia đình, Hà đều đến Trạm quân dân y để thăm hỏi và cảm ơn chú Tuyên.

Rồi có lần vào mùa hè, gia đình anh Hào sau khi ăn tiết canh, cả gia đình 6 người, từ cháu bé 4 tuổi cho đến bố mẹ, ông bà đều bị ngộ độc tiêu hóa, nhiễm trùng cấp. Hôm đó là ngày chủ nhật, chỉ có một mình anh quay ra quay vào với cả 6 bệnh nhân, xử lý từ 4h chiều đến 9h tối mới xong. Đến lúc trở về trạm, anh không thể nhấc chân nhấc tay làm bất cứ việc gì nữa, nhưng hoàn toàn thoải mái vui vẻ với một ngày vất vả mà thành công.

Tiếng lành đồn xa, lượng người đến khám tại trạm y tế kết hợp quân dân y ngày càng đông, không chỉ người trong xã Giao An mà cả các xã lân cận cũng tìm đến. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, xây cầu, làm đường bê tông vào trạm để thuận tiện cho nhân dân tới khám chữa bệnh. Thượng tá Trần Xuân Đãi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Lạt cho biết, từ ngày đầu thành lập trạm đến nay, đã có hàng nghìn lượt người được khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe bảo đảm an toàn. Nhiều ngư dân đi từ ngoài đầm, bãi về bị viêm ruột thừa cấp cũng đã được y sĩ Tuyên sơ cứu an toàn trước khi chuyển viện. Đặc biệt, trạm đã điều trị thành công 3 bệnh nhân nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

Từ khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, trạm đã thu hút lòng tin của người dân ven biển, trung bình mỗi ngày có vài chục lượt bệnh nhân đến khám bệnh, tư vấn sức khỏe và điều trị tại trạm. Y sĩ Tuyên còn nhiệt tình hướng dẫn người dân cách trồng và sử dụng một số cây thuốc Đông y quanh nhà để tiện việc điều trị một số bệnh thông thường. Anh cũng rất năng nổ tham gia các hoạt động y tế cộng đồng như: vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng... Có thời gian, người dân lo ngại sợ mất an toàn khi tiêm chủng, anh đã đến từng nhà vận động và cùng cán bộ, nhân viên y tế xã tiêm cho các cháu khiến người dân an tâm.

Lá đơn xin giữ “người y sĩ dân mến” ở lại xã nghèo

Đáp lại tấm lòng của người thầy thuốc, bà con thỉnh thoảng vẫn mang cho anh mớ rau, con cá, cũng có người biếu tiền nhưng anh dứt khoát không nhận. Anh bảo, gia đình có người bệnh, tiền thuốc men chữa chạy đã rất tốn kém, khổ sở rồi, không giúp thì thôi, ai còn lấy tiền của họ...

Bác Cao Văn Phú, xóm 1 tâm sự: “Cả xóm, từ người già đến trẻ nhỏ khi ốm đau đều ra trạm nhờ bác Tuyên khám chữa cho. Bác ấy rất nhiệt tình, tốt bụng, cũng giỏi chữa bệnh, bao người khỏi cả, chúng tôi dân biển nghèo, trừ bệnh nặng phải đi viện, còn lại đều nhờ bác Tuyên cả”.

Chia sẻ kinh nghiệm 20 năm làm chuyên môn, anh Tuyên bộc bạch: “Trước mỗi ca bệnh, tôi tâm niệm phục vụ hết khả năng của mình, bảo đảm kịp thời, chính xác, hiệu quả, an toàn. Để làm được điều này, tôi luôn cố gắng tích cực tự học và luôn giữ liên lạc với các thầy và tìm tòi, tự học hỏi trên sách báo, tài liệu, tích lũy kinh nghiệm nâng cao trình độ chuyên môn...”.

Không ngừng trau dồi y đức, y thuật, với những kết quả trong công tác chuyên môn, Trung tá - y sĩ Trần Hà Tuyên đã nhận được hàng chục phần thưởng của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, song phần thưởng lớn nhất đối với anh là tình cảm tin yêu của những người dân vùng ven biển. Một sự kiện mà có lẽ là đáng nhớ nhất trong suốt mấy chục năm công tác của y sĩ Tuyên cũng như của người dân miền biển, đó là vào năm 2008, khi anh Tuyên được điều về công tác tại Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định, người dân đã cùng nhau viết một lá đơn xin y sĩ Tuyên ở lại công tác tại trạm. Ghi nhận đề nghị đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã đồng ý điều y sĩ Tuyên tiếp tục trở lại trạm công tác trong niềm hân hoan của những người dân quê chất phác, hồn hậu.

Chưa dừng lại ở quy mô hiện tại, anh Tuyên vẫn mong mỏi ngày nào đó không xa, trạm y tế kết hợp quân dân y sẽ có được đầu tư nâng cấp lên thành bệnh xá bởi anh mong muốn người dân mỗi khi đi biển về, chẳng may đau ốm bệnh tật sẽ được chăm sóc y tế một cách kịp thời nhất, đặc biệt là những trường hợp bệnh nặng. Điều này sẽ bớt đi rất nhiều gánh nặng chi phí bệnh tật cho những người nghèo quanh năm chỉ biết đến sóng gió trùng khơi. Anh cho biết, khó khăn lớn nhất là bệnh đa dạng, tâm lý bà con không muốn đi viện xa, trong khi đó năng lực tại trạm hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế. Anh cho rằng, chủ trương kết hợp quân dân y khám chữa bệnh cho người dân đã mang lại nhiều lợi ích và cũng qua đó, khiến người dân thêm tin tưởng vào chính sách của Đảng, của quân đội là mang đến cuộc sống an sinh, an toàn cho người dân.

Anh tâm sự, có được thành công trong công việc, ngoài sự quan tâm, động viên của lãnh đạo chỉ huy, sự yêu thương đùm bọc của nhân dân, còn có sự thấu hiểu, chia sẻ của gia đình. Nhiều lần, vì công việc cấp cứu người bệnh, anh không thể về thăm nhà đúng hẹn, chị Đỗ Thị Hà, vợ anh đã phải ngược lên thăm chồng để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, hết lòng vì người bệnh và gắn bó lâu dài với trạm. Đó là niềm hạnh phúc giản dị nhất mà những người lính đều mong muốn. Không quản ngại ngày đêm, mưa rét, nguy hiểm, những thầy thuốc quân hàm xanh ở vùng biển như anh Tuyên vẫn luôn tìm mọi biện pháp vượt đường đầm vạng, ngõ ngách với túi thuốc quân y, kết nối nghĩa tình quân - dân.                

Bài, ảnh: Hạ Hiền

 

 


Ý kiến của bạn