Và trong “cuộc chiến” chống “giặc” COVID-19 lần này, được đến nhiều tuyến đầu phòng, chống dịch, được trò chuyện với nhiều y bác sĩ, tìm hiểu thêm những vất vả của nghề, nghiệp mà họ gắn bó và cũng vì thế mà chúng tôi thêm cảm phục, sẻ chia với họ nhiều hơn...
Vừa là thầy thuốc, vừa là chuyên gia tâm lý
Chưa kịp nghỉ ngơi cùng gia đình sau những ca trực Tết Nguyên đán Canh Tý, BS. Trần Quang Vịnh (Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm BVĐK khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc) được điều động tăng cường đến PKĐK khu vực Quang Hà (chỉ định là trung tâm điều trị và là nơi thực hiện cách ly các trường hợp nghi nhiễm COVID-19) từ ngày 7/2. Đến nay, gần 20 ngày đêm BS. Vịnh chưa rời phòng khám phút nào.
“Là bác sĩ, tôi hiểu tình hình thực tế của dịch bệnh nên không cảm thấy lo lắng hay ngại ngần khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Nếu chúng tôi không ổn định tâm lý thì ai sẽ là người điều trị cho bệnh nhân, người bệnh sẽ lấy gì để dựa vào khi mắc bệnh, phải điều trị cách ly...”, BS. Vịnh cho biết. Vì vậy, cùng với điều trị, BS. Vịnh còn tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, coi người bệnh như người nhà, thăm hỏi, động viên hằng ngày.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 khỏi bệnh đầu tiên của tuyến huyện.
Không kịp uống nước, mặt hằn vết khẩu trang...
Tết Canh Tý 2020 là một cái Tết đáng nhớ đối với nhiều bác sĩ của BV Bệnh Nhiệt đới TW, trong đó có BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu. Anh trở thành bác sĩ “hot” không phải vì anh và các đồng nghiệp của Khoa Cấp cứu là những người tuyến đầu của tuyến đầu chống dịch mà anh đã phải thốt lên: “Mạng xã hội là mảnh đất quá màu mỡ cho những kẻ bất lương” và trên nhiều diễn đàn, anh đều nhấn mạnh về những áp lực mà các y, bác sĩ đang phải gánh chịu từ sự “hoảng loạn quá mức” do các thông tin không chính thống gây ra...
Năm nay, mệnh lệnh của Ban lãnh đạo BV đưa ra không được rời BV quá 50km và phải có mặt sau 2 tiếng được triệu tập. Chia sẻ với chúng tôi, không chỉ riêng BS. Cấp mà nhiều y bác sĩ của BV Bệnh Nhiệt đới kể, trong guồng quay của dịch bệnh và chống dịch bệnh, bác sĩ, y tá và những người phục vụ trong BV phải chịu một áp lực lớn - đó chính là sự kỳ thị, dè dặt từ cộng đồng. “Nhiều năm công tác ở BV Nhiệt đới, tôi đã quen với điều này. Tuy nhiên, với nhiều đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Đơn cử như việc nhiều nhân viên y tế sau kì nghỉ Tết bỗng trở thành người vô gia cư, do chủ trọ không cho thuê nhà nữa chính vì sự hoảng loạn quá mức. Các y, bác sĩ đang phải vất vả chống dịch mà phải đi tìm chỗ ở mới quả thực là điều rất khó khăn”, BSCKII Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
Còn BS. Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới TW không khỏi chạnh lòng khi thấy các đồng nghiệp mặc quần áo phòng hộ trong suốt ca làm việc, mồ hôi ướt sũng, kính mờ đi, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống và thậm chí không dám đi vệ sinh trong suốt ca làm việc”. Qua đây mọi người như càng được biết đến nhiều hơn những vất vả của các chiến sĩ áo trắng...
Nữ bác sĩ vào tâm dịch Vũ Hán đón bà mẹ mang thai
Nữ BS. N.T.H.P. sinh năm 1989 của BV Phụ sản TW là 1 trong 3 nhân viên y tế Việt Nam có mặt trên chuyến bay ngày 10/2 đón 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước, trong đó có 1 thai phụ đang mang thai 8 tháng. BS. H.P. kể, lúc đầu khi được biết sẽ tham gia đoàn công tác, chị rất bất ngờ và lo lắng. Lo vì vào tâm dịch, lo vì không biết trên đường về, bà mẹ mang thai có vấn đề gì không, rồi 14 ngày cách ly sau đó... Chị đã giấu không nói với bố mình về việc tham gia chuyến đi này vì sợ bố quá lo lắng, không cho đi. “Gia đình tôi lúc đầu cũng lo lắng, nhưng đây là nhiệm vụ và tôi đã lên đường chỉ 4 ngày sau khi có quyết định lập tổ công tác”, BS. P. nói.
Tối 9/2, đoàn lên đường đi Vũ Hán cùng 2 cán bộ của BV Bệnh Nhiệt đới TW, trên máy bay là hàng hóa Việt Nam tặng Trung Quốc và về là đón các công dân Việt Nam”, BS. P. kể lại.
Sau khi bốc dỡ hàng hóa, cả đoàn bắt đầu thực hiện nhiệm vụ bằng việc kiểm tra thân nhiệt, rồi lên máy bay lại kiểm tra thân nhiệt cho những người được đón về, riêng nữ bác sĩ nghe tim thai, đo huyết áp... cho thai phụ, tất cả đều mặc đồ bảo hộ.
Hơn 5h sáng 10/2, máy bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Hơn 7h, nữ bác sĩ cùng đoàn lên xe về khu cách ly tại BV Bệnh Nhiệt đới TW. Tối 11/2, để ghi nhận, động viên kịp thời các bác sĩ trong đoàn công tác, Bộ Y tế đã trao bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc BV Bệnh nhiệt đới TW và BV Phụ sản TW đã tham gia đoàn công tác đón 30 công dân Việt Nam về nước.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa thành công cho 16/16 bệnh nhân dương tính với COVID-19, trong số đó có cả bé 3 tháng tuổi, có bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nhân mắc bệnh nền, đã từng chữa ung thư... Chứng kiến các buổi lễ công bố bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện, tôi đều được nghe họ nói lời cảm ơn chân thành đến các thầy thuốc. Ánh mắt bệnh nhân vui, họ bước chân vội vã, khỏe mạnh về nhà sau những ngày ở tạm tại bệnh viện, đó chính là những quả ngọt mà thầy thuốc đã thu được trong công việc của mình...