Cuối năm con Mèo, trời rét đậm. Tôi ngồi co ro trong một góc khuất ngoài phòng chờ như mọi người, đợi đến lượt mình được gọi vào phòng khám. Giọng cô nhân viên phòng đón tiếp đọc qua loa phóng thanh những tên người, những địa chỉ xa lắc, xa lơ: Người Mông ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát; Người Thái ở Lang Chánh, Quan Sơn; Người Dao ở Cẩm Thủy! Cuối năm, bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải. Tôi chạnh lòng nghĩ: Sự quá tải thường gây áp lực cho người phục vụ. Nếu áp lực mạnh, người phục vụ có thể trở nên lạnh nhạt, cáu bẳn và cũng từ đấy dễ nảy sinh những tiêu cực. Người bệnh thường nghĩ muốn được phục vụ tốt hơn thì có phong bao, phong bì hoặc nhờ các mối quan hệ.
Đó là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng ở Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc (Thanh Hóa) này không như thế! Giọng cô nhân viên phòng đón tiếp qua loa phóng thanh vẫn mềm, ấm áp dễ thương như lời chào hỏi ân cần của người con gái hiền dịu, nết na khi khách đến với đại gia đình y, bác sĩ ở đây. Ngoài kia, những cơn gió lạnh vẫn cứ lang thang ở đâu đó, nhưng ở trong này rất ấm, ấm vì không khí làm việc khẩn trương, vì những lời nói nhẹ nhàng, những cử chỉ thân thiện và sự ân cần, tận tụy của những người thầy thuốc có chuyên môn giỏi, lại có tâm, có đức, thương dân và biết lấy hai chữ “vì dân” làm trọng.
Giám đốc Bệnh viện là bác sĩ chuyên khoa I, Thầy thuốc ưu tú Phạm Văn Xuân, người đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Hai và ông cũng đã được phong tặng danh hiệu cao quý: Thầy thuốc nhân dân năm 2011. Ông có bước đi nhanh nhẹn và dứt khoát, khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, nụ cười hơi rụt rè. Khi nói chuyện, nghe ông phát âm, tôi cứ tưởng ông là người dân tộc thiểu số, hóa ra không phải! Ông là người gốc Huế nhưng đã gắn bó cả đời với miền núi, với cộng đồng các dân tộc thiểu số, vì vậy mà ông đã thật sự trở thành người dân tộc của bất cứ dân tộc nào trong 6 dân tộc anh em ở miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Tốt nghiệp đại học, ông xin về Thanh Hóa rồi tình nguyện lên công tác tại huyện vùng cao Quan Hóa. Đã từng là người lính nên ông không sợ khó khăn, gian khổ. Là người thầy thuốc thì cho dù ở đâu nhân dân vẫn là đối tượng phục vụ. Bà con các dân tộc miền núi cần ông hơn thì ông đến với đồng bào! Lúc ấy, huyện Quan Hóa còn chưa được tách làm ba huyện: Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát như bây giờ. Đất rộng, người thưa, lại chưa có đường giao thông.
Thầy thuốc nhân dân, BS. Phạm Văn Xuân (thứ ba từ phải qua) cùng đồng nghiệp. |
Những chuyến công tác vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới làm ông nhớ lại những năm còn chiến đấu ở chiến trường miền Nam, chỉ khác là không có những trận đánh ác liệt, không có ta và địch nhưng lại có một kẻ thù vô hình luôn luôn giấu mặt. Đó là các trận dịch bệnh liên tục xảy ra, vì vậy, ông và đồng nghiệp cũng hành quân liên miên với cái ba lô trên vai, cái gậy trên tay, con dao đi rừng để tự chặt cây, phát cỏ tìm đường mà đi từ vùng núi này sang vùng Mường khác. Các thành viên trong đội vệ sinh phòng dịch của ông cũng bị những cơn sốt rét rừng hành hạ, cũng đói vàng da hoa mắt.
Từ trung tâm huyện đến bản cuối cùng giáp ranh với nước bạn Lào gần hai trăm cây số. Để đến được đấy phải vượt núi trèo đèo, phải cắt ngang những cánh rừng mà đi, đi nhanh cũng mất cả tuần. Đến được nơi này lại được báo tin nơi khác đang xảy ra dịch bệnh, vì vậy, khi đã xuống cơ sở là phải vài ba tháng. Ông đã ăn các món ăn của người Mông, người Thái, người Mường. Ông đã nói tiếng nói của bà con các dân tộc ít người ở vùng cao như một người dân tộc. Thời ấy, đồng bào vùng sâu, vùng cao hẻo lánh vẫn sống như thời xa xưa, chủ yếu là tự cấp, tự túc và hái lượm trong rừng.
Bệnh dịch hầu như năm nào, mùa nào cũng xảy ra. BS. Phạm Văn Xuân và đồng nghiệp đã dăm ba lần rơi nước mắt vì bất lực trước những cái chết oan uổng của đồng bào chỉ vì cách truông, cách núi, vì không được trợ giúp kịp thời của ngành y tế, vì thiếu thốn thuốc men và phương tiện chạy chữa. Những chuyến đi sâu như thế đã giúp ông thấu hiểu hết được nỗi khổ của đồng bào dân tộc vùng cao, vì thế mà hơn ba mươi năm làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người, hơn hai mươi năm làm quản lý bệnh viện, ông đã gắn bó với miền núi, với bà con các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa và luôn đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết. Ông nghĩ: Đó là cơ duyên, đó là bổn phận của ông. Tôi nói vui:
- Mỗi lần ngược rừng, tôi vẫn nghe đồng bào vùng cao khen ngợi: Bác sĩ Xuân giỏi hơn cả ông mo, ông ậu đấy!
Ông cười:
- Trước kia, cơ sở vật chất của Bệnh viện huyện Ngọc Lặc còn rất nghèo nàn, dăm dãy nhà tranh, phương tiện khám chữa bệnh còn thô sơ. Các bác sĩ lúc khám bệnh chủ yếu là: “tai nghe, miệng hỏi, tay sờ”, vì vậy mà chất lượng khám chữa bệnh không cao. Bà con không tin tưởng lắm. Một số nơi bà con còn mê tín, ốm đau thường nằm nhà rồi mời ông ậu, ông mo về cúng ma. Nhiều trường hợp không cúng ma nhưng vẫn để bệnh nhân nằm nhà rồi gọi các bác sĩ đến, thành thử anh em chúng tôi rất vất vả. Chị còn lạ gì bà con mình? Một khi họ đã gọi, không thể không đến! Có hôm vừa đi làm về, cơm tối đã dọn ra bỗng thấy có người chạy xộc vào sân, anh ta vừa thở vừa nói: “Bác sĩ à! Mế bảo mày phải vào thôi. Chị dâu đau đẻ. Ba ngày rồi! Cúng ma rồi mà vẫn không đẻ được?”.
- Đau đẻ ba ngày à? Sao không cáng xuống bệnh viện, cúng ma làm gì?
- Không biết! Mế bảo mày phải vào ngay!
- Chị dâu làng nào thế?
- Trong Vân Nam!
Ông thoáng nghĩ: Vào Vân Nam sẽ mất đứt cả đêm. Ngày mai còn có buổi giao ban chuyên môn quan trọng liệu có về kịp? Ông không quen biết nhiều trong ấy nên cứ phân vân. Đây là một ca đẻ khó. Rất có thể phải mổ? Hay cứ điều xe Bệnh viện vào đưa ra? Đường trong ấy xe không thể vào được! Cũng không thể cử người khác đi thay. Mế đã cho gọi đích danh ông thì ông phải đi thôi! Ông và đồng nghiệp của ông ở Bệnh viện Ngọc Lặc vẫn thường xuyên bị điều động đi thăm, khám bệnh kiểu ấy. Không đi không được! Nhiều lần vợ ông thấy chồng vất vả, không nỡ để ông đi một mình nên cùng đi để chia sẻ một chút khó nhọc với chồng. Miền núi cũng đã thực hiện cải cách, mở cửa nhưng người nghèo nơi đây thì vẫn không thể gọi bác sĩ đến nhà chữa theo lối thành phố.
Cũng may là đồng nghiệp hiểu ông, hàng xóm láng giềng hiểu ông, nhân dân hiểu ông, nếu không thì múc cạn nước sông Cầu Chày lên mà rửa cũng không sạch được tiếng oan: Đêm đêm ông vẫn lén lút đi làm thêm ở ngoài! Dễ gì mà người ta tin được là: Những đêm mưa gió, rét mướt vợ chồng ông vẫn dắt díu nhau đi xa cả chục cây số để thăm khám cho những người nghèo khó đáng thương? Ai mà tin được rằng: Khi kê xong một đơn thuốc, người ta lại nói: “Không có tiền mua!”. Thế là ông móc cái ví trong túi xách tay của vợ, rút bớt ra một ít trong số những đồng lương khiêm tốn của một viên chức cấp huyện rồi nói: “Cầm tạm chỗ này, mang đơn ra ngoài phố huyện mua thuốc cho người ốm. Nếu uống không khỏi thì phải cáng ngay xuống Bệnh viện”.
Ông vẫn thường xuyên làm thế. Giúp được ai cứ giúp! Lặng lẽ mà làm. Mình làm xong mình thấy yên lòng, vợ con vui vẻ đồng tình là được! Nghĩ đến sự vui vẻ và đồng tình của vợ khi ông giúp đỡ cho người nghèo, một niềm vui nho nhỏ chợt đến! Ông cảm thấy thương vợ và biết ơn bà, vì bà vẫn phải tằn tiện, chi ly từng đồng trong việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Ông khẽ thở dài.
Vào đến Vân Nam. Ông khám cho sản phụ. Trời đất! Thì ra đứa trẻ bướng bỉnh này ra ngôi mặt. Ông cũng đã gặp khá nhiều trường hợp như thế. Nhưng sản phụ không được sự trợ giúp của người có chuyên môn mới thành ra cơ sự này. Đau đã ba ngày nên chị rất yếu, vì thế phải mất cả tiếng đồng hồ ông mới đón được đứa trẻ ra đời. Niềm vui vỡ òa trong nước mắt của gia đình sản phụ. Ông nhìn đồng hồ. Đã bốn giờ sáng. Từ đây về vừa kịp giờ làm. Cũng chính lúc ấy, ông mới cảm thấy đói cồn cào.
Vừa đói, vừa lạnh, ông sà ngay vào bên cái bếp lửa cháy bập bùng để sưởi một chút cho ấm rồi mới xuống thang, bỗng nhiên ông nghe tiếng ồn ào dưới sân, chỉ một loáng sau, ngôi nhà sàn trống trải ấy đã đông chật người. Người đem lên sàn một đon sắn, người đem theo cả một dón ngô, bẹ còn xanh và ướt đẫm sương đêm vì mới được bẻ từ dưới vườn lên đem đến biếu bác sĩ. Một bà lão đem theo mấy tấm mía cũng còn non. Bà cụ lùi vào bếp cho nóng rồi róc vỏ, tiện cho ông từng miếng nhỏ. Cầm những miếng mía nóng hổi từ tay bà mế nghèo trao cho, lòng ông rưng rưng cảm động.
Ông ngồi nán lại một chút, ăn hết những tấm mía và hai bắp ngô nướng cho đỡ đói rồi mới xuống thang quay về trong nước mắt lưu luyến của người già, trẻ nhỏ. Sương sớm lạnh nhưng lòng ông ấm áp. Ông nghĩ: Nếu mình nán lại một chút để ăn bữa tối, hay ngại không đi, không đến thì chỉ vài ba tiếng nữa, ngôi nhà này sẽ trắng xóa khăn tang. Tôi thoáng nghĩ: Một lần xuống dân, không những ông đã cứu được hai mạng người mà còn xóa bỏ được một phần nào đó hủ tục cúng ma để chữa bệnh ở một vùng dân cư nghèo, xa xôi hẻo lánh.
Tôi nói:
- Tiếng lành đồn xa ông à! Nhân dân miền núi nói với nhau rằng: Bác sĩ Phạm Văn Xuân giỏi hơn cả ông ậu, ông mo đấy!
- Bây giờ là Bệnh viện khu vực lớn của tỉnh. Các thiết bị y tế hiện đại cũng được trang bị đầy đủ. Việc khám, chữa bệnh cũng không ngừng được nâng cao, chúng tôi đã giải quyết được rất nhiều trường hợp nặng, giảm thiểu được tối đa việc chuyển tuyến. Việc đi lại vì thế cũng gần hơn, thuận lợi hơn nên bà con các dân tộc cũng ngày một tin tưởng chúng tôi hơn.
Tôi tiếp lời ông:
- Không những thế mà bà con còn nói ở Bệnh viện này luôn luôn có những “tấm lòng vàng”, coi người bệnh như người thân, người ruột thịt của mình. Có được sự tin cậy của bà con các dân tộc thiểu số và những dư luận tốt đẹp ấy thật không dễ gì.
Ông cười:
- Vàng bạc gì đâu chị? Đó là cái tâm mà mỗi người thầy thuốc cần phải có. Nói cho cùng thì chính nhân dân đã nuôi mình. Mình phục vụ tốt cho sức khỏe của bà con, của cộng đồng cũng là một sự đền ơn đáp nghĩa.
Tôi nói tiếp:
- Hồi ông còn công tác ở vùng cao Quan Hóa thì ai cũng nghèo. Cái nghèo chung đã gắn kết người ta lại gần nhau hơn. Ông có thể bỏ tất cả đồng lương tháng của mình ra mua thuốc để chữa bệnh cho người nghèo mà không lấy lại một xu nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội đã tách tình cảm ấy ra một khoảng cách khá xa và cũng dễ nảy sinh những tiêu cực. Nhưng ở bệnh viện này lại khác. Đã rất nhiều năm không có hiện tượng các thầy thuốc nhận phong bao, phong bì của bệnh nhân. Gặp trường hợp khó khăn còn giang tay giúp đỡ. Công tác chuyên môn mỗi ngày được nâng cao, người bệnh được chăm sóc tốt hơn…
Ông nói:
- Chính sách của Nhà nước đối với miền núi bây giờ đã thông thoáng. Trình độ dân trí cũng đã được nâng lên. Mình làm được gì có lợi cho dân hay làm điều gì khuất tất, dân đều biết cả. Dựa vào chính sách và pháp luật Nhà nước cho phép, chúng tôi đang từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên. Chúng tôi đã đầu tư hai phần ba số tiền trong một phần viện phí Nhà nước cho phép thu trong chế độ bảo hiểm y tế vào việc xử lý chất thải, mua sắm các thiết bị hiện đại để phục vụ trực tiếp cho việc khám, chữa bệnh. Phần này, bệnh nhân chính là những người được hưởng lợi, vì thế, người bệnh đến mỗi ngày một đông. Một nửa trong số còn lại, chúng tôi dùng làm quỹ từ thiện để giúp đỡ cho những người bệnh gặp hoàn cảnh khó khăn.
Chỗ còn lại thì chia đôi: Một phần tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên, một phần đầu tư cho các hoạt động xã hội, cho phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Trừ những cuộc giao ban chuyên môn, chúng tôi giảm thiểu tối đa những cuộc họp. Nhất là việc hội họp kéo dài kêu gọi chống tiêu cực bằng những câu chữ sáo mòn vô bổ để tập trung vào các hoạt động xã hội, hoạt động thể thao. Bệnh viện chúng tôi có 11 khoa phòng thì có 11 đội bóng đá. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức giải truyền thống của Bệnh viện. Cầu thủ U59 là tôi đã ba, bốn lần rạn xương, trẹo khớp nhưng vẫn cứ ham.
Các hoạt động ấy đã gắn bó chúng tôi lại với nhau, giúp chúng tôi vượt qua được tất cả các trở ngại trong đời sống, vì thế mà công tác chuyên môn cũng được thực hiện ngày một tốt hơn. Chúng tôi đã xác định: Không may bị ốm đau, bệnh tật thì nhân dân mới phải tìm đến với thầy thuốc. Đã đến bệnh viện rồi thì giàu nghèo, người thân hay người lạ, việc cứu chữa cũng đều phải được đối xử bình đẳng như nhau. Người nào chúng tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ. Sự giúp đỡ ấy có khi không phải là đồng tiền hay bát gạo mà là việc nghiên cứu tìm ra đúng bệnh, chữa đúng thuốc để rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân.
- Tôi đã nghe bà con các dân tộc miền núi tỉnh ta, trong đó có cả người làng tôi gọi ông là bác sĩ của người nghèo!
Ông cười:
- Chính tôi cũng nghèo mà chị! Chín tuổi còn chưa được đi học lớp vỡ lòng, hàng ngày nếu không cùng chị gái lê la khắp các bờ ruộng để nhặt từng cọng rau má thì hai chị em lại cuốc bộ cả chục cây số vào rừng để chặt củi, mót sắn trên các nương rẫy bỏ hoang của người miền núi về phụ giúp cha mẹ. Nói có thể chị sẽ không tin: Cũng chính những người nghèo đã giúp thì vợ chồng tôi mới có căn nhà để ở.
Thấy tôi tròn mắt lên vì ngạc nhiên, ông lại cười:
- Hồi ấy, tôi mới từ Quan Hóa chuyển về được mấy năm, huyện Ngọc Lặc phân cho một miếng đất, nhưng mãi không có tiền làm nhà. Một hôm, đang giờ làm việc, có người hàng xóm hớt hải chạy vào báo tin: Đất nhà tôi đã bị lấn chiếm. Có rất nhiều người đem luồng, tre và lá kè đến. Không biết để làm gì? Tôi vội vã chạy về thì thấy quả đúng là như vậy. Luồng tre, gỗ xoan để chật cả đất. Vẫn còn người gánh lá kè, vác thêm luồng đến. Nhìn mặt, thấy toàn là những người đã đến nằm viện và đã từng ghé đến căn phòng của vợ chồng tôi ở khu tập thể ăn bữa cơm hay ngủ lại qua đêm.
Thấy tôi chạy về, cứ đứng trân ra nhìn, một người già nói: “Mày nghèo quá không có tiền làm nhà, bà con muốn giúp thôi! Ngọc Lặc ta sẵn luồng mà. Mỗi bếp (một gia đình - PV) một cây cũng đủ. Bà con làm nhà cho mày để thỉnh thoảng không may phải đi viện thì có chỗ mà ghé vào. Nhà tập thể chật, muốn đến nhưng thấy vợ chồng mày phải nhường chỗ ngủ cho cũng nể”.
Ông bảo:
- Bà con đã nói thế mình còn biết nói được gì?
Thì ra từ lúc nào đó ông đã thật sự trở thành thầy thuốc của nhân dân, thầy thuốc của người nghèo, thành anh em, con cháu của mỗi gia đình ở các cộng đồng dân tộc thiểu số xứ Thanh. Ông và Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc do ông phụ trách đã để lại trong lòng nhân dân những ấn tượng tốt đẹp. Tốt đẹp vì tất cả mọi người đều cùng một tấm lòng vì nhân dân, vì sức khỏe của cộng đồng. Trong lúc giá cả leo thang hàng ngày nhưng đã rất nhiều năm nay không có chuyện y, bác sĩ nhiễu nhương nhận phong bao, phong bì của người bệnh.
Khi phải cứu sống người bệnh trong cơn hiểm nghèo, ngay lập tức, mọi người sẵn sàng xắn cao tay áo để chia sẻ giọt máu đào trong cơ thể của mình. Gặp kẻ khó, tất cả cùng nhau sẵn sàng chia sẻ bát cơm ăn bằng chính đồng lương của mình, vì vậy mà tấm Huân chương Lao động hạng Nhất Nhà nước trao tặng cho Bệnh viện thật quý giá và rất đáng tự hào, nhưng những lời khen ngợi và sự tin tưởng của nhân dân miền núi dành cho Thầy thuốc nhân dân Phạm Văn Xuân, dành cho tập thể cán bộ công nhân viên chức, thầy thuốc của Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa còn quý giá và đáng tự hào hơn.
Bút ký của Hà thị Cẩm Anh