Có thể thấy rõ rằng công cuộc chuyển mình của ngành y tế với hàng trăm nghìn nhân viên thuộc ngành là điều vô cùng phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, qua 2 năm vừa rồi, đã có những kết quả rất phấn khởi. Gần 94% người được khảo sát cho thấy nhân viên y tế không có hành vi vòi vĩnh, hơn 91% nhân viên y tế tôn trọng người bệnh và người nhà bệnh nhân, gần 90% nhân viên y tế niềm nở khi người bệnh thăm khám. Tình trạng cáu gắt, hay đòi phong bì tại các bệnh viện gần như không còn. Lấy sự hài lòng của người bệnh là sự quan trọng nhất, đòi hỏi các cán bộ phải nỗ lực hết mình, nâng cao chất lượng phục vụ.
Vui lòng bệnh nhân đến viện, hài lòng bệnh nhân ra viện
Bác sĩ Nguyễn Bỉnh Quân – Bệnh viện đa khoa Thủ Đức, TPHCM cho hay với con số trung bình khoảng 5 – 6 nghìn bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện mỗi ngày, bệnh viện đa khoa Thủ Đức đã phải nỗ lực thay đổi hết mình, phải coi trọng bệnh nhân như những khách hàng đặc biệt. Trong mỗi hoạt động của bệnh viện, phải cải cách các hoạt động hành chính cũng như thái độ tiếp xúc đối với người bệnh sao cho tốt hơn.
Để nâng cao chất lượng phục vụ đối với người bệnh, bệnh viện đa khoa Thủ Đức đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp để cho 1.500 nhân viên bệnh viện đồng lòng, bao gồm: những lãnh đạo trong bệnh viện phải làm gương hàng đầu, tuyên dương khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt để tạo sức lan tỏa trong bệnh viện, kiên quyết xử lý những trường hợp không tuân thủ quy định của bệnh viện và đặc biệt phải xây dựng được một quy chế chi tiêu nội bộ của bệnh viện, gắn vào trách nhiệm của nhân viên y tế và quyền lợi của họ. Nhờ vậy, có thể bỏ đi cơ chế xin cho trong bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Bỉnh Quân tiết lộ rằng sau 2 năm kiên trì thực hiện các biện pháp này, tỉ lệ bệnh nhân đến với bệnh viện ngày càng cao và ổn định, giúp nguồn thu của bệnh viện tăng lên, dẫn tới thu nhập của cán bộ nhân viên trong bệnh viện cũng tăng lên, gấp 2 – 3 lần so với trước đây.
Các nhân viên y tế phải nhận thức được rằng tôn trọng người bệnh là sự sống còn đối với bệnh viện
Là một nhân viên điều dưỡng đã có hàng chục năm kinh nghiệm, chị Nguyễn Thị Thập cho biết: "Chúng tôi, đội ngũ điều dưỡng, có thời gian tiếp xúc với bệnh nhân nhiều hơn cả, từ khi bệnh nhân vào viện đến khi ra viện, là những người tận tụy phục vụ bệnh nhân. Đồng thời, chúng tôi còn là những người phụ nữ, mà tại cơ quan chúng tôi đã vất vả rồi, nhưng khi trở về gia đình, chúng tôi là những người mẹ, người vợ chăm sóc con cái, gia đình của mình. Chính vì vậy, chúng tôi có rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ điều dưỡng của chúng tôi rất mỏng, lại phải chăm sóc nhiều bệnh nhân, do đó đôi khi dẫn tới tình trạng chăm sóc bệnh nhân này, lơ là bệnh nhân khác. Chính điều này cũng gây bức xúc trong lòng người bệnh. Tuy nhiên, với sự đổi mới của ngành y tế, chúng tôi luôn cố gắng mỉm cười, đem lại tạo sự tin yêu đối với người bệnh khi đến thăm khám tại bệnh viện".
Còn Giáo sư Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội phân tích, đối với những người phục vụ trong ngành y, những tiêu chí để đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh. Đó là thái độ ân cần giúp đỡ người bệnh, dịch vụ thăm khám thật tốt để sao cho người bệnh cảm thấy thoải mái khi đến thăm khám bệnh.
Tuy nhiên, đó là những tiêu chí cần nhưng chưa đủ, bởi quan trọng nhất là công tác chẩn đoán bệnh, có tìm và chữa được bệnh hay không. Nếu một cán bộ y tế muốn làm hài lòng người bệnh thì trước hết cần lưu ý tới thái độ phục vụ, tuy nhiên để người bệnh và người nhà của họ hài lòng hơn, cảm thấy trọn vẹn hơn thì các thầy thuốc, cán bộ y tế phải có nhận thức, kinh nghiệm chữa bệnh. Một thầy thuốc không thể làm tốt được điều đó nếu kiến thức của mình chưa đủ. Giáo sư Mai Trọng Khoa khẳng định rằng các thầy thuốc luôn phải trau dồi kiến thức, học hỏi từ đồng nghiệp trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ của mình. Như vậy, sự phục vụ người bệnh sẽ được trọn vẹn hơn.
Để phục vụ được trọn vẹn người bệnh, các thầy thuốc, y bác sĩ luôn luôn phải trau dồi trình độ khám, chữa bệnh
Trong phần giao lưu tại Chương trình Kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, PGS – TS Trần Xuân Bách - tân PGS trẻ tuổi nhất Việt Nam năm 2016 phát biểu: Tôi cảm thây vô cùng tự hào và cảm phục trước những thành tựu vô cùng to lớn của các thầy đối với ngành y tế VN. Tôi càng cảm phục hơn các thầy, bởi giữa những bộn bề của công tác quản lý, vẫn trực tiếp thăm khám người bệnh, đảm nhận những nhiệm vụ khoa học trọng điểm, nâng cao chất lượng điều trị. Chúng tôi, những học trò của các thầy, có điều kiện để học tập, lao động và rèn luyện cùng sự chỉ bảo của các thầy sẽ luôn nỗ lực để đóng góp cho ngành y tế.