Vụ sập giàn giáo tại khu vực công trình đúc giếng chìm đê chắn sóng cảng Sơn Dương, thuộc công trường Formosa (Hà Tĩnh) đã làm 13 công nhân tử nạn, 29 người bị thương phải nhập viện cấp cứu. Ngay khi nhận tin, Bộ Y tế đã lập tức họp khẩn trong đêm và điện cử những thầy thuốc giỏi nhất từ bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV Việt Đức đến ngay Hà Tĩnh cứu chữa bệnh nhân và hỗ trợ đồng nghiệp chiến đấu với tử thần. Không có thiệt hại thêm về người khi các công nhân được cấp cứu tại BV huyện và BV đa khoa tỉnh đến nay đã hồi phục và ra viện. Sau những con số khô cứng trên là cả một cuộc chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ và quyết tâm của những người thầy thuốc Việt Nam.
Gần đây nhất, trong Hội nghị IPU 132 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội có đại biểu Nurul Islam Milon, 65 tuổi, đến từ Bangladesh bị lên cơn đau thắt ngực, tăng huyết áp trên nền bệnh nhân đái tháo đường đã được cấp cứu kịp thời. Ngay khi bệnh nhân nhập viện không lâu, bên giường bệnh đã lập tức có mặt các giáo sư, bác sĩ đầu ngành như GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam; GS.TS. Đỗ Kim Sơn, chuyên gia cao cấp về ngoại khoa của Bộ Y tế; GS.TS. Lê Văn Thạch, Giám đốc BV Hữu Nghị cùng các chuyên gia đầu ngành về bệnh đái tháo đường; thần kinh; nội khoa... đã hội chẩn. Tính khẩn trương và trách nhiệm của các thầy thuốc Việt Nam đã cứu được bệnh nhân qua khỏi cơn hiểm nghèo, thực sự gây xúc động với bạn bè quốc tế.
Xa hơn nữa, vụ sập hầm lúc 7 giờ sáng ngày 16/12 năm ngoái, tại công trình thi công đập thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng khiến 11 người mắc kẹt, các thầy thuốc ứng trực sẵn sàng cấp cứu, đồng thời tiếp sữa, thức ăn cho người đang gặp nạn. Kết cục thiệt hại về người cũng không xảy ra.
Tính khẩn trương, tích cực của thầy thuốc bên cạnh trình độ chuyên môn vững vàng đã là chỗ dựa với tất cả niềm hy vọng của người bệnh. Không chỉ trong những “vụ việc” cụ thể, chuyện “y đức” thầy thuốc hay “nằm ghép” tại các bệnh viện hiện nay cũng đang được khẩn trương một cách ráo riết. Bản thân người viết bài này đang có người thân nằm viện cũng thật sự ngỡ ngàng khi vào Khoa Nội 2 - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Một buồng bệnh bình thường không phải “dịch vụ” với 7 giường có điều hòa nhiệt độ, toa-lét khép kín là một sự biến chuyển lớn trong hoạt động điều trị hiện nay. Chưa thấy nhân viên y tế nào ở đây gợi ý “phong bì”. Được biết, BV Xanh Pôn chưa đăng ký không có BN nằm ghép nhưng chuyện nằm ghép ở đây thật hiếm hoi. Nghĩ lại năm trước, bà cụ thân sinh tôi ngoài 80 tuổi cũng vào bệnh viện này phải nằm ở hành lang so với bây giờ mà thật ngỡ ngàng.
Đáng nhớ là các thầy thuốc tương lai về thực tập tại đây luôn coi bệnh nhân như người nhà, sẵn sàng đưa người già yếu đi xét nghiệm, chụp chiếu tại các bộ phận khác trong bệnh viện. Các em còn biết “trêu đùa” động viên bệnh nhân với những nụ cười thật hồn nhiên và trong sáng. Đấy cũng là “thuốc” chăng?
Thầy thuốc luôn có mặt bên tai họa, nỗi đau của đồng loại với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương nhất chính là hình ảnh của nền y tế cách mạng chúng ta. Đặc biệt, gần đây, những biến chuyển tích cực thật rõ rệt từ những cải cách về hành chính, thủ tục khám chữa bệnh cũng như “không khí” khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đã thực sự tạo được niềm tin của nhân dân. Những biến chuyển ấy trong hoàn cảnh khó khăn chung của cả nước hiện nay xứng đáng ghi nhận và khâm phục.
Lê Đức Trí