Thầy thuốc đặc biệt của bệnh nhân phong

09-05-2022 15:13 | Y tế
google news

SKĐS - Bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa điều trị phong Ea Na (còn gọi là Làng phong Ea Na, thuộc Trung tâm Da liễu Đắk Lắk đóng chân ở Buôn Tuôr A, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) được đông đảo bệnh nhân phong cũng như người dân xem như người ruột thịt.

Bác sĩ của những bệnh nhân đặc biệt

Chỉ cách TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gần 20 km, nhưng ít ai biết Buôn Tuôr A một thời gian dài từng là khu tách biệt, gian khó. Buôn Tuôr A hôm nay đã hoàn toàn đổi mới, có nhà trẻ, có trường mẫu giáo, trường cấp 1, cấp 2… Khoa điều trị phong Ea Na cũng được xây mới khang trang sạch đẹp. Các gia đình có bệnh nhân phong sau khi được điều trị khỏi bệnh tái hòa nhập cộng đồng và con em họ được đến trường học hành như bao gia đình khác.

Để có được thành quả ấy có công sức của bao thế hệ tập thể cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên đã thầm lặng cống hiến cho mảnh đất này.

Bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa điều trị phong Ea Na có mặt từ những ngày đầu gian khó ấy. Từng là lính quân y, công tác tại Đồn Biên phòng Đắk Ruê (Đắk Lắk) năm 1990. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, anh viết đơn tình nguyện về công tác và gắn bó gần cả cuộc đời với các bệnh nhân phong.

Trái tim nhân hậu của bác sĩ với bệnh nhân phong - Ảnh 2.

Bác sĩ Tố thăm khám cho bệnh nhân phong

Hơn 30 năm gắn bó với những mảnh đời cùi, hủi bị bỏ rơi, ruồng bỏ, bác sĩ Tố kể lại hành trình công tác như cuốn phim dài. Những buổi đầu cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, khu trại phong chỉ là những dãy nhà tôn xập xệ, vá víu. 

Với gần 400 bệnh nhân đang điều trị tại chỗ. Trung bình mỗi ngày bác sĩ Tố thăm, khám, điều trị cho 130 đến 140 bệnh nhân. Ông còn lên lịch để cùng đoàn cán bộ, y bác sĩ băng rừng, vượt suối đi khắp dải đất Tây Nguyên để truy tìm, thu gom, tuyên truyền cho bà con hiểu về căn bệnh, cách phòng tránh, chữa trị để hòa hợp sống chung không xa lánh, không kỳ thị với những người không may mắc bệnh phong.

Đó là những chuyến vượt sông Krông Ana (sông mẹ), Krông Nô (sông cha) bằng xuống máy tiếp cận tất cả các buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Tría, buôn Triết… (huyện Lắk); Cư Króa, Cư Prao (huyện M'Drắk); Quảng Tín, Quảng Trực… (tỉnh Đắk Nông).

Không nơi nào các anh không đi, không một xã nào ở Tây Nguyên mà các anh chưa đến. Có nhiều chuyến chân vịt xuồng máy bị gãy, chìm xuống đáy sông, bác sĩ Tố phải cùng anh em thay nhau mò, lặn tìm kiếm, sửa chữa lắp ráp để tiếp tục lên đường.

Nhiều chuyến đi bằng xe ô tô u-oát cũ kĩ, xe bị lầy lội, rơi bánh, gãy láp… phải đẩy. Những đoạn đường các phương tiện không thể tiếp cận, bác sĩ Tố cùng anh em phải gồng, gánh, khiêng máy phát điện, máy chiếu, pa nô, áp phích, thuốc men đi bộ.

Trái tim nhân hậu của bác sĩ với bệnh nhân phong - Ảnh 4.

Bác sĩ Tố động viên một cặp vợ chồng đều bị bệnh phong

Có những nơi phải cuốc bộ cả ngày mới đến, như trường hợp ở xã Ea Trang (huyện M'Drắk), gần chân đèo Phượng Hoàng giáp ranh tỉnh Khánh Hòa. Cả đoàn y bác sĩ gồng gánh trang thiết bị lội bộ, bơi qua suối tìm vào đến rẫy, thấy bếp lửa còn cháy đỏ, nhưng bệnh nhân phát hiện có người tìm đã chạy trốn biệt vào rừng. Cả đoàn phải cắm trại ở lại để anh Tố liên hệ với chính quyền địa phương kêu gọi, thuyết phục mới đưa được bệnh nhân về chăm sóc, cứu chữa.

Trường hợp bệnh nhân tên Thu ở xã Cư Kty (huyện Krông Bông) làm nghề bán dạo thực phẩm rau, củ, mắm muối… khi phát hiện bị bệnh phong, người dân trong vùng vô cùng hoang mang, lo lắng. Bác sĩ Tố phải thông qua ông Trưởng thôn tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu bệnh phong không lây qua đường ăn uống, bà con mới yên tâm.

Từ con số vài trăm bệnh nhân nặng, với đủ các lứa tuổi già, trẻ, lớn, bé; đủ các thành phần dân tộc; đa số bị gia đình, làng xóm ruồng bỏ, sống vất vưởng chờ chết được thu gom về khu trại phong Ea Na điều trị, phần đông đã khỏi bệnh tái hòa nhập, trở về với gia đình.

Hạnh phúc khi ngày càng ít bệnh nhân

Đến nay, tại Khoa điều trị phong Ea Na chỉ còn 54 bệnh nhân đang được chăm sóc, phục hồi di chứng bệnh phong để lại. Trong đó, 30 bệnh nhân bị thương tật nặng được hỗ trợ, ăn ở nội trú, số còn lại sống rải rác quanh khu điều trị. Cán bộ y bác sĩ chuyên môn từ con số gần 30 người, giờ rút lại chỉ còn 2 người. Bác sĩ Tố vừa là lãnh đạo vừa trực tiếp thăm khám và một nữ điều dưỡng người Êđê tên là H'Rip Êban. Hàng tháng, hai bác cháu thay nhau mỗi người trực 15 đêm. Có khi chị H'Rip đau ốm, bác sĩ Tố trực luôn cả tháng.

Khoa điều trị phong Ea Na đã trở thành mái nhà để bác sĩ Tố đi về, những bệnh nhân phong như người thân trong gia đình ông. Hơn 30 năm gắn bó, ông đã học hỏi để có thể nói, nghe, hiểu vài ba thứ tiếng của đồng bào để tiện nói chuyện, thăm, khám bệnh, trao đổi, cảm hóa.

Nhiều bệnh nhân đã vượt qua bệnh tật một cách ngoạn mục. Điển hình như ông Y Rin (50 tuổi) bị bệnh phong, lại mắc bệnh tâm thần khi được đưa về, sức khỏe yếu. Sau thời gian điều trị bệnh tâm thần đã ổn định, sức khỏe tốt.

Trái tim nhân hậu của bác sĩ với bệnh nhân phong - Ảnh 5.

Bác sĩ Tố động viên bệnh nhân Y Rin

Ông Klan Khó, dân tộc J'Rai (Gia Lai) trong quá trình điều trị phong, lại phát hiện ung thư tế bào gai ở cẳng chân. Bác sĩ Tố gần gũi động viên bệnh nhân phẫu thuật điều trị. Để làm được điều đó, bác sĩ Tố phải hứa nuôi ông ấy trọn đời nên ông Klan Khó mới chịu đi bệnh viện cắt chân và sống khỏe mạnh đến hôm nay. Ông Khó bộc bạch: "Nếu không có bác sĩ Tố khuyên bảo, ung thư chuyển sang di căn, thì mình đã chết lâu rồi. Mình biết ơn bác sĩ lắm.

Nhiều bệnh nhân qua sự mai mối của bác sĩ Tố còn trở thành vợ thành chồng. Như trường hợp ông Y Tlót gia đình ở Buôn Hồ và bà H Chíp Niê ở Ea Diêm (Krông Pắk), trong quá trình điều trị, bác sĩ Tố thấy hai người có tình cảm với nhau nên vun vén động viên và đứng ra tổ chức lễ cưới cho 2 ông bà. Đến nay cả hai ông bà đều hơn 80 tuổi, nhưng vẫn sống tình cảm và chăm sóc cho nhau rất hạnh phúc…

Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân đặc biệt, bác sĩ Trần Sỹ Tố như con tằm rút ruột nhả tơ, cứu chữa những mảnh đời bất hạnh. Chia sẻ với họ những niềm vui, nỗi buồn, vun vén hạnh phúc và lo hậu sự cho cả những người không may qua đời vì bệnh, vì tuổi già.

Xem thêm video được quan tâm

Bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh ở lại chăm sóc bệnh nhân khác




Trương Nhất Vương
Ý kiến của bạn