Hà Nội

Thầy thuốc căng mình dồn sức cứu các bệnh nhân COVID-19 nặng

10-04-2020 20:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đến thời điểm này, có 4 trường hợp bệnh nhân COVID-19 dù đang trong tình trạng nặng, nguy kịch nhưng chưa có trường hợp nào tử vong. Chúng ta giữ được đến thời điểm này là một nỗ lực rất lớn của các y bác sĩ.

Ngày 10/4 tại tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Bệnh nhân 20 ngừng tuần hoàn đã có nhiều cải thiện sức khoẻ

Điểm cầu tại Trung tâm có PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19; GS.TS Nguyễn Gia Bình- Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID -19 diễn biến nặng, nguy kịch- Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam; GS.TS Ngô Quý Châu- Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.

Các điểm cầu tham gia gồm có BV Bạch Mai; Điểm cầu BV Bệnh nhiệt đới TW có GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam và các bác sỹ các khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu của Bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Ngoài ra còn có lãnh đạo và các chuyên gia, bác sỹ điều trị của BV Trung ương Huế; BV Chợ Rẫy; BV Nội Tiết Trung ương; BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh; BV Đà Nẵng, BVĐK tỉnh Hà Nam… tham gia hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia tại các điểm cầu đã trao đổi và xin ý kiến về 4 trường hợp bệnh nhân nặng, trong đó có 3 bệnh nhân tại BV Bệnh nhiệt đới TW là BN số 20, BN 161, BN 251 (bệnh nhân này từ BVĐK Tỉnh Hà Nam chuyển lên hôm qua- ngày 9/4) và BN 91 - nam phi công của Vietnam Airline đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh chủ trì hội chẩn trực tuyến về điều trị bệnh nhân nặng

Bệnh nhân số 20 đã cai ECMO, bệnh nhân vẫn phải thở máy, tuy nhiên bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tuần hoàn ngày 8/4 và được Hội đồng chuyên môn hội chẩn khẩn ngay trong đêm, nhờ đó tình trạng người bệnh đã được cải thiện hơn. Báo cáo về ca bệnh này, bác sỹ BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết đến hôm nay bệnh nhân đã có cải thiện, không tổn thương não sau ngừng tim, nghe, đáp ứng các yêu cầu các bác sỹ.

Xem xét mở nội khí quản điều trị trường hợp bệnh nhân số 161

Đối với BN 161, 88 tuổi từ BV Bạch Mai chuyển sang. Bệnh nhân có tiền sử bị tai biến, xuất huyết não và liệt 1/2 người bên trái, Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị các bác sỹ điều trị trực tiếp xem xét thời điểm để mở nội khí quản cho người bệnh.

Đối với trường hợp BN 251, 64 tuổi vừa được chuyển lên từ BV ĐK Hà Nam, BN có tiền sử gout nặng, uống rượu, xơ gan. Ca bệnh này đã được các bác sỹ khoa Tiêu hóa BV Bạch Mai và BV Nội tiết TW và hội đồng chuyên mốn tư vấn trao đổi về vấn đề dinh dưỡng, điều trị gout, xơ gan, chống đông….

Bệnh nhân số 91 vẫn rất nặng, nhưng tải lượng virus SASR-CoV-2 đã giảm

Đối với tình trạng bệnh nhân số 91 (43 tuổi) hiện vẫn đang trong tình trạng rất nặng, tổn thương đa tạng, nhiễm trùng, xuất hiện suy tim phải.

Bệnh nhân viêm phổi nặng, lọc máu ngày thứ 4, hiện tượng tăng đông diễn ra nặng nên phải thay 4 lần quả lọc máu, ECMO ngày thứ 3. Điều động viên nhất của ca bệnh này đối với hội đồng chuyên môn lúc này là tải lượng virus SASR-CoV-2 của bệnh nhân giảm. Hiện Hội đồng chuyên môn và các bác sỹ đang điều trị bệnh nhân bằng tất cả tâm lực, trí lực và kinh nghiệm điều trị.

Các cơ sở điều trị chủ động "ngăn" COVID-19

Tổng kết buổi hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hôm nay chúng ta đã hội chẩn điều trị cho 4 ca bệnh nặng có trường hợp xuất huyết não, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng... Đến thời điểm này, các bệnh nhân dù đang trong tình trạng nặng, nguy kịch nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.

Chúng ta giữ được đến thời điểm này là một nỗ lực rất lớn của các y bác sĩ. Chúng tôi biết ơn sự cô gắng của các thầy cô, các chuyên gia, các y bác sĩ đã đồng lòng, chung sức, nỗ lực để điều trị, cứu chữa các bệnh nhân mắc COVID-19 nói chung, bệnh nhân nặng nói riêng".

Cũng theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, với phương châm 4 tại chỗ, cả hệ thống điều trị đã và đang nỗ lực trong điều trị. Hiện các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng đã và đang hoàn thành nhiệm vụ, chúng ta đã không chỉ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại tuyến Trung ương, tuyến tỉnh mà thậm chí cả tuyến huyện và đã thành công.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng chia sẻ, chúng ta bước vào giai đoạn 3 của chiến dịch phòng chống COVID-19, do đó cùng với dự phòng, hệ thống điều trị không được lơ là và chủ quan. Tất cả các bệnh viện đều coi những bệnh nhân đến khám đều là F1, những đối tượng nguy cơ cần được lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, các bệnh viện cần thực hiện đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế về chống nhiễm khuẩn bệnh viện, giãn cách xã hội bằng cách tăng cường khám chữa bệnh online, tư vấn từ xa, để hạn chế tối đa người dân đến bệnh viện nếu không cần thiết.

“Đối với những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh/xuất viện, thực hiện theo dõi cách ly 14 ngày theo quy định, các cơ sở điều trị có thể lấy mẫu hoặc trao đổi CDC địa phương lấy mẫu để xét nghiệm thêm lần nữa. Khi kết quả tiếp tục âm tính, điều đó càng thể hiện được ý nghĩa của việc chúng ta nỗ lực nhất vì người bệnh, vì cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, quyết ngăn không cho dịch lây lan”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định.


Thái Bình- Lê Hảo
Ý kiến của bạn