Những điều dưỡng, bác sĩ biết “biến hình”
Ở Khu điều trị COVID-19 của Bệnh viện TP. Thủ Đức TP.HCM có công suất hoạt động 300 giường, tuy nhiên mấy ngày qua lượng bệnh nhân COVID-19 được chuyển tới mỗi ngày một đông.
Những bệnh nhân đến đây đa phần đêu là những trường hợp có triệu chứng nhẹ và trung bình, người có bệnh nền. Đặc biệt có một số “đại gia đình” với nhiều thế hệ cùng mắc COVID-19, nên các bệnh nhân nhí phải theo cha mẹ, ông bà đến để điều trị. Bệnh nhân ở các lứa tuổi khác nhau, nên ngoài việc lo chăm sóc, điều trị tốt nhất, các bác sĩ, điều dưỡng phải đặt mình vào từng người bệnh để ứng xử phù hợp, nâng đỡ người bệnh về mặt tinh thần.
Ngồi trên giường bệnh, bà Đoàn Thị Tằm (63 tuổi, ngụ phường Trường Thọ) khó nhọc rời tấm lưng khỏi bức tường. Bà muốn xoay người, thay đổi tư thế ngồi cho đỡ mỏi, nhưng đôi chân cứng đờ khiến bà khó khăn hơn. Bà thở dốc, than mệt. Con gái của bà là chị Huỳnh Thị Phượng (40 tuổi) nhanh tay xoa bóp đầu gối cho mẹ vừa với gọi một điều dưỡng để nhờ hỗ trợ. Gương mặt chị Phượng hằn lên những âu lo. Chị kể, cả đại gia đình của chị có 11 người cả lớn cả bé thì hết thảy đều mắc COVID-19. Chị Phượng cùng mẹ và một người em dâu vì có bệnh nền nên được điều trị tại đây, còn những thành viên khác điều trị ở những bệnh viện khác.
Chị Huỳnh Thị Phượng (bên trái) đang xoa bóp cho mẹ là bà Đoàn Thị Tằm. Ảnh: H.T
Cả gia đình chị đều dồn sự lo lắng về bà Tằm, bởi bà ngoài thoái hoá cột sống, còn bị đau dạ dày và huyết áp thấp nhiều năm nay. Lại thêm mắc COVID-19 nên tâm trạng của bà trở nên nhạy cảm, lo lắng nhiều hơn, tần suất mệt cũng nhiều hơn. Bà ăn uống kém, trằn trọc triền miên không ngủ được.
Một điều dưỡng đến gần hỏi han, đo huyết áp, đo oxy trong máu. Điều dưỡng nhẹ nhàng giải thích: “Mọi chỉ số đều bình thường. So với tuổi thì cụ còn trẻ và khoẻ lắm nên cụ đừng lo lắng quá, cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi, rồi sẽ sớm khoẻ bệnh nghe cụ”. Được làm công tác tâm lý nên bà Tằm gật gật, hơi thở dần đều đặn hơn.
Điều dưỡng nói nhỏ với chị Phượng: “Bà cao tuổi, mắc COVID-19 nên không tránh khỏi bất an, lo lắng. Chị cố gắng theo dõi sát sức khoẻ của cụ, cố gắng không đề cập đến những chuyện không vui khiến cụ phải lo lắng…”
Rời khỏi vai trò là người con, người em của 2 bệnh nhân, nữ điều dưỡng “nhập vai” là một đứa trẻ. Bên cạnh bệnh nhi Nguyễn Trần Phúc H. (8 tuổi), nữ điều dưỡng gập nhẹ hai đầu gối để chiều cao bằng với bệnh nhi. Cô “biến hình” thành một đứa trẻ, trò chuyện, cười đùa với bệnh nhân nhí này. Một cái chạm tay kèm theo câu “cố lên” và nụ cười giòn rõ to “xây” lên những niềm hy vọng…
Nhân lên những niềm tin
Ông Nguyễn Văn Lắm (SN 1968, ông nội của bệnh nhi Nguyễn Trần Phúc H.), kể lại, H. mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) từ khi 3 tháng tuổi. Sau đó, cha mẹ không hạnh phúc nên đường ai nấy đi. H sống với vợ chồng ông từ đó đến nay. Mỗi tháng ông phải đưa H. đến BV TP Thủ Đức truyền máu một lần.
Các bác sĩ thường xuyên đến từng phòng để theo sát bệnh nhân. Ảnh: H.T
Tuần trước, ông đưa H. đi truyền máu định kỳ thì test ra COVID-19. Hai ông cháu được đưa vào khu điều trị. Ở nhà, vợ của ông cũng được lấy mẫu, kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhưng bà được đưa đi một cơ sở điều trị ở Bình Dương. Đã vài ngày nay, ông quên chính mình cũng mắc bệnh, toàn tâm lo lắng cho vợ nhưng lo hơn là H., dù H. vẫn đang ở cùng ông.
Ông Lắm kể, bệnh tật triền miên nên H. không còn năng động như những đứa trẻ khác, lúc nào cũng chỉ ngồi buồn. Những ngày qua, ở bệnh viện có nhiều trẻ con nhưng H. cũng không chơi đùa. Ông lo sợ H. sẽ bị bệnh tật, dịch bệnh và nỗi buồn đánh gục. May mắn là các bác sĩ và điều dưỡng quan tâm, luôn luôn hỏi han, động viên cả 2 ông cháu. “Những lần có điều dưỡng đến bắt chuyện, tôi thấy cháu cười, nói chuyện là tôi cảm thấy vui, như mở cờ ở trong lòng. Các bác sĩ nói “2 ông cháu cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khoẻ, rồi sẽ sớm được về nhà”. Tôi cũng tin như vậy”- ông Lắm cười, nói.
Cả gia đình của anh Tùng (35 tuổi) cũng bất thình lình test ra COVID-19 rồi vợ chồng con nhỏ phải khăn gói vào bệnh viện. Anh nói đến giờ vẫn chưa biết nguồn lây từ đâu. Lúc đầu, phát hiện mắc bệnh, cả gia đình rơi vào hoang mang, lo lắng cực độ, nhưng rồi vào bệnh viện được vài ngày thì thấy mọi chuyện đều ổn định. Vợ chồng anh đã vững vàng hơn và tin vào những y lệnh của bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Bá Tùng kiểm tra sức khoẻ và động viên tinh thần bệnh nhân. Ảnh: H.T
Một bác sĩ cho hay: “Khác với những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, những bệnh nhân mắc bệnh từ mức độ nhẹ đến trung bình vẫn có đầy đủ ý thức nên việc họ tự tìm hiểu các thông tin về bệnh, cũng như sự lo lắng cực đoan là tất yếu. Để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân, ngoài các công tác chuyên môn, các bác sĩ và điều dưỡng cần ôn tồn giải thích, giúp họ hiểu rõ và tránh lo lắng thái quá. Khi được nâng đỡ về mặt tinh thần, những bệnh nhân sẽ lạc quan hơn, ăn ngủ tốt hơn, thể trạng được nâng lên và quá trình chiến thắng dịch cũng được rút ngắn”.