Những câu hỏi lớn trước quyết định phẫu thuật “ca khó”
Nhớ lại ca phẫu thuật đầu tiên cho bệnh nhi Lê Nhã U. 5 tuổi quê tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa diễn ra cách đây một năm trước, tháng 9/2018, TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K – Trưởng kip phẫu thuật cho biết, bệnh nhi U. nhập viện với khối u phát triển từ vị trí cột sống ngực – thắt lưng, có khối u cả trong và ngoài ống sống và phát triển cả trong ổ bụng.
“Bệnh nhi không thể đi lại được, với cháu bé nhỏ tuổi như vậy bị yếu 2 chân là thiệt thòi và mất mát rất lớn nên chúng tôi đã hội chẩn toàn bệnh viện, xem xét kỹ lượng quyết định phẫu thuật cho bé U. Vấn đề đặt ra cho các bác sĩ lúc bấy giờ là thực hiện phẫu thuật như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Việc lựa chọn đường mổ, số lần mổ được ekip cân nhắc cẩn trọng”- TS Nguyễn Đức Liên nhớ lại
Ảnh phim chụp u tuỷ sống, phát triển cạnh cột sống và vào ổ bụng của bé Lê Nhã U.
Kể thêm về những trăn trở của các bác sĩ ở thời điểm đó, TS Nguyễn Đức Liên nhớ lại: “Bệnh nhân U. mới 5 tuổi, nếu mổ cùng lúc lấy cả khối u ở trong ống sống và cả khối u ở ổ bụng thì cuộc mổ chắc chắn sẽ kéo dài thời gian, nguy cơ thiếu máu, biến chứng cũng như những rủi ro khác có thể xảy đến. Sau khi hội chẩn cùng các chuyên gia chuyên khoa thần kinh, ổ bụng thì ekip phẫu thuật quyết định mổ 2 thì”.
Vào thời điểm nhập viện lúc đó, bệnh nhi Lê Nhã U. ở trong tình trạng hai chân yếu, đau nhiều, chỉ ngồi không thể đi lại được nên cuộc sống của U. và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. U. được chẩn đoán u xâm lấn mặt trước tủy sống, lan tỏa 3 đốt sống và phát triển trong ổ bụng, mặc dù đã được phẫu thuật 1 lần tại Bệnh viện ở Hà Nội nhưng chỉ sinh thiết được u, u chèn ép lên nhiều bộ phận, cơ quan khác nên rất khó để phẫu thuật loại bỏ u.
Chị N.(mẹ của bệnh nhân U.) nhớ lại: “Lúc bấy giờ tôi chỉ có mong ước lớn nhất là chữa khỏi bệnh cho con, để con được đến trường học cái chữ, vui chơi cùng các bạn. Thấy các bạn cùng làng chạy nhảy nô đùa được mà chân con bé đau, U. rất buồn, tôi thương con mà không còn cách nào khác. Đúng lúc gia đình tôi bi quan, tuyệt vọng nhất thì phép màu xuất hiện, con tôi được các bác sĩ Bệnh viện K điều trị. Khi các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho bé U. tôi vừa mừng vừa lo vì con nhỏ quá nhưng tôi luôn động viên con và có niềm tin rằng sẽ có ngày con được đến trường, được bước đi bằng chính đôi chân của mình”.
“Chân con đau quá, con không đi được, các bạn đi học còn con ở nhà một mình buồn lắm. Khi nào con khỏi bệnh con có được đến lớp cùng các bạn không hả mẹ?” – câu hỏi của U. vẫn hay hỏi mẹ và các bác sĩ khi thăm khám cho U mà chính chị N. và ekip phẫu thuật cho con không ai có thể khẳng định chỉ biết mỉm cười động viên con và cùng đưa ra những phương án, những quyết tâm, cân nhắc chuẩn xác để làm sao ca phẫu thuật này phải thành công. Có như vậy bé U. mới được viết tiếp ước mơ đến trường của mình.
Và sự cân nhắc cẩn trọng, lựa chọn cách “hoá giải” chính xác đã mang lại sức khoẻ cho bệnh nhi
Để thực hiện ca phẫu thuật cho U, các bác sĩ đã phải trải qua những tính toán, cân nhắc cẩn trọng
Ngày 12/09/2018, ekip phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, do TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa – Trưởng kip đã tiến hành phẫu thuật cho U. Đầu tiên bệnh nhân sẽ được các bác sĩ phẫu thuật lấy khối u ở mặt trước tủy sống và cạnh cột sống, làm vững cột sống
Mặc dù đã có phương án phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhân U. nhưng trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn. Khối u ở vị trí rất khó thực hiện, để vào được mặt trước tủy sống các bác sĩ phải cắt bỏ diện khớp phía bên để lựa chọn đường vào và cắt bỏ toàn bộ khối u phía trước tủy sống và cạnh cột sống, chỉ để lại u phía sau phúc mạc.
“Khi phẫu thuật như vậy cột sống sẽ mất vững nên thông thường phải nẹp vít cột sống. Tuy nhiên với cháu bé dưới 7 tuổi thì việc nẹp vít là thách thức lớn, nếu để nguyên nẹp vít thì tương lai bệnh nhân có thể bị gù, vẹo gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, do vậy ekip phẫu thuật đã cân nhắc lựa chọn nẹp vít và ghép xương sau bên và chờ đợi khi xương đó ổn định thì tháo nẹp vít hỗ trợ trong thời gian ngắn” – TS.BS Nguyễn Đức Liên cho biết.
Sau ca phẫu thuật đầu tiên 1 tháng bệnh nhân U. đã đi lại được và tiếp tục được bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện K thực hiện phẫu thuật lấy khối u sau phúc mạc và trong ổ bụng. Sau 2 ca phẫu thuật bệnh nhân U.đã hồi phục, đi lại bình thường.
Sau mổ 8 tháng, bệnh nhân U. được chụp chiếu lại, đánh giá ban đầu tại vị trí ghép xương hiện đã ổn định, bệnh nhân vận động, đi lại bình thường, không có u tái phát.
Và, gần một năm sau hai ca phẫu thuật đó, mới đây, ngày 23/8, bệnh nhi Lê Nhã U. được các bác sĩ phẫu thuật tháo nẹp vít, kết quả giải phẫu bệnh u hạch thần kinh lành tính, bệnh nhân đã ra viện và sẽ được theo dõi định kỳ chặt chẽ để nếu có tái phát thì can thiệp sớm đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh.
Sau ca phẫu thuật tháo nẹp, bé Lê Nhã U. đã vận động tốt và đã ra viện
Trước ngày khai giảng năm học mới 2019-2020, bé Lê Nhã U. đã được mẹ đưa về nhà sau lần phẫu thuật tháo nẹp vít. “Trước đây con đau lắm, không được như bây giờ đâu ạ. Giờ con đi được bình thường rồi lưng chỗ mổ thì hơi mỏi thôi, bác sĩ dặn con không chạy nhiều để khỏe hẳn đã. Con được đi học rồi ạ”- giọng nói lanh lảnh, niềm vui của bé U. trước lúc tạm biệt Bệnh viện K chính là lời cảm ơn ý nghĩa nhất mà người thầy thuốc, y bác sĩ Bệnh viện K mong đợi, bởi chính họ bằng những quyết định cẩn trọng, chính xác của mình đã giúp cô bé U. thực hiện được ước mơ đến trường...