Thầy thuốc- Bệnh nhân: Mối quan hệ hữu cơ, nhân văn

05-11-2008 16:53 | Thời sự
google news

Ngày 18/8/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 29/2/2008/QĐ-BYT về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế nhằm tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy thuốc và bệnh nhân; nâng cao kỹ năng giao tiếp, tư vấn của người thầy thuốc, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị...

LTS: Ngày 18/8/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 29/2/2008/QĐ-BYT về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế nhằm tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy thuốc và bệnh nhân; nâng cao kỹ năng giao tiếp, tư vấn của người thầy thuốc, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị... Báo Sức khỏe & Đời sống mở Diễn đàn “Kỹ năng ứng xử” để động viên, cổ vũ kịp thời những thầy thuốc, những bệnh nhân ứng xử nhân ái, bao dung; phê phán những hành vi xấu, góp phần xây dựng mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân ngày càng tốt đẹp hơn. Trân trọng mời quý bạn đọc trong và ngoài nước, các bệnh nhân, thầy thuốc trong cả nước tham gia viết bài cho chuyên mục này. Bài xin gửi về: Diễn đàn “Kỹ năng ứng xử” báo Sức khỏe & Đời sống 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Câu chuyện thứ nhất...

Trên lối đi trong khuôn viên một bệnh viện, một người đàn ông trung tuổi, ăn mặc lịch sự đang vừa đi ra phía cổng vừa nói chuyện điện thoại “... hôm nay em nó cũng có ổn hơn rồi bác ạ, nhưng “lão” giáo sư và mấy “thằng” bác sĩ, chúng nó còn hẹn là phải hội chẩn lại...”. Những nhận xét và lời bình về đoạn hội thoại vừa rồi xin nhường lại cho quý bạn đọc.

 Tình trạng quá tải bệnh viện là một trong những nguyên nhân gây sự hiểu lầm giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Ảnh: Thanh Nhàn
Câu chuyện thứ hai...

Trong phòng làm việc, người bác sĩ đang giải thích cho một người nhà bệnh nhi về tình trạng bệnh của cháu bé và những thủ thuật, phẫu thuật có thể làm được để chữa trị. Nghe xong lời giải thích người nhà bệnh nhi khẩn khoản “xin bác sĩ cứ làm mọi cách để chữa trị cho cháu, bác sĩ cứ dùng loại vật tư nào tốt nhất, thuốc đắt nhất hết bao nhiêu gia đình xin thanh toán...”.

Vài ngày sau tại phòng thanh toán viện phí, người ấy đang trình bày với nhân viên thu viện phí: “Gia đình tôi không còn đủ tiền để thanh toán viện phí nữa rồi, nếu không miễn cho cháu xin các bác tháo cái dụng cụ các bác đã đặt cho cháu hôm nọ ra vậy...”.

Được biết bệnh nhi đó không thuộc đối tượng được Nhà nước miễn giảm viện phí.

Câu chuyện thứ ba...

Trong buồng bệnh của một bệnh viện, một điều dưỡng đang hỏi bệnh nhân “... bệnh nhân X. đâu, tiêm thuốc nhé!”. “Bác ơi cháu tiêm thuốc gì đấy ạ?” - Người bệnh hỏi. “Hỏi lắm chuyện, thuốc bác sĩ cho rồi, nói anh có biết được không”. Người điều dưỡng trả lời. Không thấy người bệnh hỏi thêm gì nữa?

Ba câu chuyện trên đây chỉ là một vài ví dụ phản ánh mối quan hệ giữa bệnh nhân với nhân viên y tế và nhân viên y tế với bệnh nhân hiện nay. Chủ đề không phải là mới, nhiều bài báo cũng đã đề cập, song thiết nghĩ không nên quy kết trách nhiệm cho một phía mà cần có những đánh giá nhiều chiều. Như có người đã từng nhận xét: nếu đặt bất cứ ai vào vị trí đó cũng sẽ mắc sai lầm đúng như vậy thì cần phải xem xét lại cả hệ thống.

Không thể phủ nhận việc môi trường làm việc có ảnh hưởng đến thái độ của nhân viên y tế với người bệnh. Tình trạng bệnh nhân quá tải ở các bệnh viện đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương cùng với việc thiếu nhân lực trong ngành y tế làm cho nhân viên y tế phải làm liên tục với cường độ cao. Một ngày có bác sĩ phải khám đến hàng trăm bệnh nhân, trời nóng mà buồng bệnh 2-3 bệnh nhân nằm ghép trên một giường bệnh thì quả là cường độ làm việc phi thường. Bệnh nhân đông, ai cũng mong được khám kỹ, khám sớm, khám nhanh nhưng phải giải thích cặn kẽ, thì chất lượng tư vấn sẽ không được như mong đợi. Và từ việc tư vấn không được như mong đợi đến việc người bệnh không hài lòng với thầy thuốc chỉ còn một khoảng cách rất gần. Bên cạnh các giải pháp trước mắt như tăng số phòng, tăng số giường trong bệnh viện, về lâu dài phải có chiến lược xây dựng tăng thêm số bệnh viện trong cùng một địa bàn dân cư trên cơ sở đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Người bệnh đòi hỏi rất nhiều ở nhân viên y tế: đến bệnh viện phải được khám ngay, sau khi khám phải được điều trị ngay, được điều trị phải khỏi ngay, điều trị nhưng chi phí không cao. Tuy nhiên, nhân viên y tế đã thực sự được tôn trọng chưa? Ở đâu đó chuyện hành hung cán bộ y tế vẫn còn xảy ra. Làm việc nhiều, làm việc vất vả ắt khó tránh khỏi sai sót. Trong khi đồng lương được trả theo ngạch bậc nhưng nếu chẳng may rủi ro nghề nghiệp có thể xảy ra với nhân viên y tế bất cứ lúc nào. Máu, dịch cơ thể của bất cứ bệnh nhân nào cũng có tiềm ẩn nguy cơ lây truyền HIV, viêm gan..., làm nghề y một nghề nguy hiểm. Thiết nghĩ phải có một cơ chế chính sách thỏa đáng nhằm bảo hiểm, bảo vệ tính mạng và quyền lợi cho nhân viên y tế.

Khi đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh người dân đã thực sự phát huy vai trò làm chủ, tính tự giác trong môi trường tập thể? Hay vẫn còn thiếu ý thức trong việc sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng công cộng.

Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng xin hỏi có bao nhiêu bệnh nhân hoặc người nhà nói được lời chúc mừng các thầy thuốc nhân ngày 27/2 kể cả với các bệnh nhân đang nằm viện như các học sinh làm việc đó với thầy cô giáo nhân ngày 20/11. Các bậc cao niên trong ngành y thường nói với học trò rằng: nghề y là một nghề đặc biệt, khi làm việc thì luôn phải tiếp xúc với sự đau đớn, cau có, nhăn nhó còn khi người ta bắt đầu vui vẻ thì lại ra viện mất rồi...

Thiết nghĩ, bên cạnh sự cần thiết phải có những chương trình hành động và chính sách thiết thực thì sự hiểu biết này không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và sử dụng dịch vụ mà còn là một mối quan hệ có tính nhân văn cao.

Song Anh


Ý kiến của bạn