Hà Nội

Thấy thầy thuốc thì sợ, vắng thầy thuốc lại lo!

12-07-2014 08:08 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thấy thầy thuốc thì sợ đã tạo nên hội chứng áo choàng trắng. Đây là những trường hợp có hiện tượng tăng huyết áp khi gặp thầy thuốc.

Thấy thầy thuốc thì sợ đã tạo nên hội chứng áo choàng trắng (white coat syndrom), đây là thuật ngữ được sử dụng trong y học để chỉ những trường hợp có hiện tượng tăng huyết áp khi gặp thầy thuốc. Vấn đề tăng huyết áp này do yếu tố tâm lý chứ không phải do bệnh lý. Trái lại, trên thực tế, có một số trường hợp trong quá trình điều trị, khi có thầy thuốc bên cạnh thì người bệnh yên tâm, nếu vắng thầy thuốc thì lại lo và dẫn đến hiện tượng rối loạn do tâm lý không ổn định.

Thái độ ân cần của người thầy thuốc giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân khỏi bệnh
Thái độ ân cần của người thầy thuốc giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân khỏi bệnh

Một trường hợp tôi đã gặp bên cạnh khu nhà ở tập thể, có bệnh nhân bị tình trạng dị ứng nặng với triệu chứng mẩn đỏ, nổi mề đay và ngứa toàn thân sau khi đi ăn cưới có dùng các món ăn hải sản như gỏi sứa biển, tôm, cua... và lẽ dĩ nhiên có thêm cả bia uống. Vì cùng hàng xóm và biết tôi là thầy thuốc nên gia đình nhờ thăm khám và xử trí. Gia đình này có con đang lao động ở nước ngoài gửi về một số thuốc thông thường để sử dụng ở trong nhà nên đã đưa ra hỏi thăm có loại thuốc nào sử dụng được không. Trong thùng thuốc, ngoài một số thuốc chữa đau đầu, đau bụng, dạ dày, vitamin... khá phổ biến; tôi thấy có một hộp thuốc pipolphen tiêm. Pipolphen là loại thuốc promethazine được chỉ định dùng trong các trường hợp có biểu hiện dị ứng; dùng để an thần trước và trong khi phẫu thuật hoặc trong sản khoa; phòng ngừa, kiểm soát nôn và buồn nôn do gây mê hay do phẫu thuật; đồng thời cũng có thể sử dụng để chống say tàu xe, viêm phế quản co thắt. Sau khi xem xét, tôi đã kiểm tra và dùng loại thuốc pipolphen tiêm để xử trí trường hợp dị ứng của bệnh nhân này. Tôi đã giải thích, tư vấn cho người nhà có thể dùng thuốc có sẵn, không cần phải đi khám để mua thuốc khác và trực tiếp tiêm thuốc xử trí. Sau khi tiêm thuốc, do bận công việc gấp nên tôi phải rời nhà để đi. Bệnh nhân khi được tiêm thuốc xong không thấy có dấu hiệu gì nhưng sau một lúc biết tôi đã không có ở nhà thì lại lo lắng và cảm thấy có hiện tượng chóng mặt, buồn nôn. Người nhà lo ngại nên gọi xe đưa đến cơ sở y tế gần khu vực ở để theo dõi, khi đến nơi thì hiện tượng chóng mặt, buồn nôn không còn nữa. Bác sĩ kiểm tra phát hiện không có vấn đề gì nghiêm trọng nên cho về lại nhà. Buổi chiều khi qua thăm, tôi mới biết sự cố và xác định có thể bệnh nhân có tâm lý không ổn định nên thấy vắng thầy thuốc thì lo. Những mũi thuốc tiêm sau đó tôi đã giải thích, tư vấn chuyên môn, vẫn trực tiếp thực hiện, ngồi lại chờ tại chỗ với thời gian trên 30 phút mới rời khỏi nhà bệnh nhân và không phát hiện được vấn đề gì. Mấy ngày sau tiếp tục điều trị, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng dị ứng và phục hồi.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng mối liên quan giữa hội chứng áo choàng trắng và nguy cơ bị tăng huyết áp thực thụ rất thấp nên ít được đánh giá và theo dõi một cách thường xuyên, đầy đủ. Thuật ngữ “tăng huyết áp áo choàng trắng” (white coat hypertension) được sử dụng để chỉ tình trạng tăng huyết áp do người bị hồi hộp, sợ hãi, lo lắng, stress... xảy ra trong môi trường bệnh viện, phòng khám bệnh khi thấy thầy thuốc mặc áo choàng trắng. Hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng thường thể hiện chỉ số huyết áp cao tại phòng khám bệnh hay bệnh viện nhưng khi đo huyết áp ở những môi trường và thời điểm khác như ở nhà thì lại có chỉ số bình thường. Hiện tượng tăng huyết áp áo choàng trắng cũng thường thấy trên lâm sàng và chiếm khoảng gần 20% các trường hợp. Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trường đại học Milan, Italia ghi nhận những người bị hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng” dễ có nguy cơ tăng huyết áp cao gấp 2,5 lần so với những người bình thường mặc dù đây là hiện tượng tăng huyết áp giả tạo do yếu tố tâm lý. Thấy thầy thuốc mà sợ đến nỗi tăng huyết áp là điều có thực đã được các nhà khoa học xác định nhưng không phải là bệnh lý.

Hiện tượng thấy thầy thuốc thì sợ, vắng thầy thuốc lại lo có thể xảy ra đối với một số trường hợp trên thực tế do yếu tố tâm lý, không phải là bệnh lý. Từ đây, tôi đã rút được bài học kinh nghiệm, khi tiêm thuốc cho bệnh nhân, kể cả người thân của mình là phải ngồi chờ tại chỗ trên 30 phút mới được rời khỏi vị trí để tránh sự cố như đã từng gặp để yên lòng cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

 


Ý kiến của bạn