Thông tin từ BV Trẻ em Hải Phòng cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận 1 bệnh nhi mắc đa hồng cầu là bé gái sơ sinh vừa chào đời bị da đỏ tía toàn thân, xuất huyết dưới da dạng chấm rải rác vùng bụng và mặt, không sốt (37 độ C), bú kém.
Cụ thể, theo bệnh án, bệnh nhi là con chị Nguyễn Thị T. (ở Tứ Kỳ, Hải Dương), sinh đủ tháng, cân nặng lúc sinh 2.5kg. Bệnh nhi được chuyển vào Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng sau 24 giờ chào đời do xuất hiện tình trạng da đỏ tía toàn thân, chưa rõ nguyên nhân.
Sau khi tiếp nhận bé gái sơ sinh đã được các bác sĩ Khoa Sơ sinh, BV Trẻ em Hải Phòng khám và làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh lý đa hồng cầu, thể nặng. Ngoài ra, trẻ có tim bẩm sinh (còn ống động mạch, còn lỗ bầu dục), rối loạn đông máu, hạ đường huyết sơ sinh.
Theo đó, trẻ được chỉ định điều trị, nuôi dưỡng tĩnh mạch, truyền máu để cải thiện bệnh trạng. Sau điều trị 6 giờ đồng hồ, chỉ số rối loạn đông máu và hạ đường huyết đã ổn định, tuy nhiên chỉ số Hematocrit vẫn tăng cao.
Các bác sĩ khoa Sơ sinh đã hội chẩn với Tổ chuyên môn của bệnh viện, thống nhất chỉ định thay máu một phần cấp cứu để cứu sống bệnh nhân. Qua 6 giờ đồng hồ tiến hành thay máu, 12h chỉ số Hematocrit đã giảm rõ rệt.
Hiện tại, trẻ không còn sốt, tình trạng đỏ da toàn thân cải thiện rõ rệt, bú mẹ tốt, phản xạ tốt, các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường. Dự kiến bé sẽ được xuất viện trong 1-2 ngày tới.
BSCK2 Lê Thị Minh Luyến – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết: "Đa hồng cầu sơ sinh là tình trạng tăng số lượng hồng cầu làm tăng độ nhớt của máu. Tần suất gặp 1-5% trẻ sơ sinh, trong đó, bệnh lý đa hồng cầu nặng cần phải thay máu rất hiếm gặp".
Cụ thể trường hợp này, bệnh nhi mắc đa hồng cầu kèm theo có tim bẩm sinh, rối loạn đông máu và hạ đường huyết sơ sinh làm diễn biến trầm trọng thêm, gia tăng tỉ lệ tử vong cho trẻ. Nếu không thay máu kịp thời, tính mạng của trẻ bị đe dọa bởi các nguy cơ tắc mạch ở các cơ quan như não, phổi, tim, ruột...
Theo BSCK2 Lê Thị Minh Luyến, nguyên nhân gây ra bệnh lý đa hồng cầu không thực sự rõ ràng. Những tình trạng sau được coi là yếu tố nguy cơ đa hồng cầu như:
- Tăng hồng cầu trong tử cung (suy bánh rau, thai già tháng, mẹ đái tháo đường, mẹ nghiện thuốc lá hoặc dùng các chất kích thích, rượu, bia);
- Bệnh lý thai nhi (bất thường nhiễm sắc thể, tăng sản thượng thận bẩm sinh, suy giáp trạng bẩm sinh,…);
- Do truyền hồng cầu (truyền máu từ mẹ sang con, hội chứng truyền máu thai sang thai, đẻ rơi,…).
Trẻ sơ sinh cần được theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để khám và điều trị tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa sâu, có kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại để chẩn đoán, điều trị kịp thời không để lại di chứng.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Ca thay máu toàn phần cho bệnh nhi 3 ngày tuổi bị vàng da mới đây ở BV Trẻ em Hải Phòng.