Hà Nội

Thầy lang dạo hoành hành vùng đất Mũi

04-07-2012 20:39 | Thời sự
google news

Sau một thời gian lắng dịu, tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc Tây trên ghe hàng, tiệm tạp hóa và cả hoạt động châm cứu “dạo” diễn biến khá phức tạp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

(SKDS) –  Sau một thời gian lắng dịu, tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc Tây trên ghe hàng, tiệm tạp hóa và cả hoạt động châm cứu “dạo” diễn biến khá phức tạp trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Những hoạt động này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.

Chủ ghe tạp hóa cũng làm “bác sĩ”

Theo quan sát của chúng tôi, thuốc Tây được bày bán trên ghe hàng bảo quản khá kém, thuốc được đựng trong chiếc rổ nhựa đặt lẫn lộn với hàng hóa trên ghe. Chưa kể đến việc còn hay hết hạn sử dụng, nhưng với điều kiện bảo quản như vậy, chất lượng của thuốc sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Tại một số vùng nông thôn khác như xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi), xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), việc buôn bán thuốc Tây, chủ tiệm tạp hóa, ghe hàng đứng ra làm bác sĩ “cộng” thuốc cho người dân cũng là chuyện thường gặp. Người dân khi mắc các bệnh thông thường đều tin dùng các quầy thuốc di động này.

Anh Bùi Văn Trung, ấp 17, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh cho biết, nhiều người trong xóm khi có bệnh thường mua thuốc của một chủ ghe hàng tên Giang để uống. Người bệnh chỉ cần nói triệu chứng, chủ ghe hàng sẽ tự kê đơn, “cộng” thuốc. Nếu bệnh không giảm thì ngày mai chủ ghe hàng sẽ “cộng” thuốc khác.

Trong vai người bệnh và kể một số triệu chứng là cảm sốt, nóng lạnh, người viết được chủ ghe hàng tên Giang nói trên “cộng” cho 1 liều thuốc 4 viên với giá 3.000 đồng. Ngay sau đó, chúng tôi chuyển số thuốc trên cho một dược sĩ và được biết, liều thuốc trị cảm sốt, nóng lạnh nói trên có hàm lượng paracetamol rất cao, nếu dùng liên tục trong vài ngày sẽ gây hại cho gan.

Ngoài thuốc Tây không kê đơn, không nguồn gốc, tình trạng buôn bán, sử dụng “thuốc miên” (còn gọi là thuốc con cờ, thuốc “thần tiên” có nguồn gốc từ Campuchia) dùng để chữa đủ bệnh lại tái diễn. Tại xã Tân Tiến, người dân được một vài người tiếp thị đến tận nhà quảng cáo về tác dụng “thần tiên” của thuốc. Do thiếu hiểu biết và tin lời giới thiệu, không ít người đã mua và sử dụng loại thuốc độc hại này.

 “Thầy lang” Tân đang châm cứu cho người dân tại chợ thị trấn Thới Bình.    

Chợ cũng là nơi châm cứu

Không chỉ dừng lại ở việc mua bán thuốc và kê thuốc tràn lan, hoạt động châm cứu “dạo” cũng đang diễn ra khá thường xuyên tại xã Nguyễn Phích và thị trấn Thới Bình.

Anh B.V. Lập ở ấp 17, xã Nguyễn Phích cho biết, có một người châm cứu tên Tân thường lui tới châm cứu cho một vài người trong xóm. Khi có nhu cầu được châm cứu, người dân hay gọi điện thoại để Tân đến tận nhà châm.

Được biết, anh Lập bị đau dây thần kinh tọa, anh cũng thử châm vài lần với giá 20.000 đồng/lần nhưng không thấy bệnh thuyên giảm nên thôi.

Trong khi tìm tư liệu cho bài viết, chúng tôi tình cờ bắt gặp Tân đang châm cứu cho một vài người dân tại chợ thị trấn Thới Bình. Dụng cụ “hành nghề” của Tân khá đơn giản, gồm một máy điện châm, kim và một chai nước sát khuẩn. Điều đáng lo ngại là hoạt động châm cứu này diễn ra ngay tại chợ và người được châm cứu phải nằm tạm trên các sạp bán trái cây, hàng hóa thô sơ và nhếch nhác.

Tân cho biết, đã tốt nghiệp một khóa học ở Trường cao đẳng Y tế Cà Mau. Mỗi ngày Tân châm cứu cho từ 5 - 7 người và thường không kết hợp với bắt mạch. Mỗi bệnh nhân phải châm cứu nhiều lần nhưng chỉ có thể làm giảm bệnh chứ không hết hẳn được.

Tính mạng người dân  bị đe dọa

Liên quan đến việc mua bán, sử dụng thuốc trên, dược sĩ Dương Việt Đoàn, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế Cà Mau khẳng định, việc buôn bán thuốc Tây trên ghe hàng, tiệm tạp hóa là hoạt động trái phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người sử dụng. Bởi, nguồn thuốc này không được bảo quản cẩn thận nên khó đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, người bán thuốc không có trình độ chuyên môn, bán theo cảm tính và kinh nghiệm nên nguy cơ gây hại đến sức khỏe người mua là rất lớn.

Người dân cần mua thuốc tại các cửa hàng thuốc được cấp phép theo đơn hoặc chỉ định của thầy thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép, tránh mua thuốc trôi nổi, bán dạo trên thị trường để tránh nguy cơ tiền mất tật mang, dược sĩ Đoàn khuyến cáo.

Về hoạt động khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, lương y Nguyễn Kỳ Nam, Phó Chủ tịch Hội Đông y - Hội Châm cứu tỉnh Cà Mau cho biết, hoạt động châm cứu phải được tiến hành ở những cơ sở được cấp phép. Đối với những trường hợp bệnh nhân không thể tự đi lại được, người châm cứu mới đến tận nhà. Do đó, hoạt động châm cứu “dạo” tại chợ như trên là trái phép, không thể chấp nhận được. Chưa kể tay nghề của người châm cứu, chỉ riêng việc thực hiện châm cứu tại các sạp hàng hóa đã khó đảm bảo vô khuẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.     

Bài và ảnh: Nguyễn Minh


Ý kiến của bạn