Hà Nội

Thay khớp vai đảo ngược - hy vọng cho người bệnh bị tổn thương khớp vai nặng

30-11-2022 16:35 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Vừa qua, Khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa thực hiện thành công 2 ca thay khớp vai đảo ngược cho người bệnh bị tổn thương khớp vai nặng.

Thực tế cho thấy, nhiều người bệnh, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi khi bị đau khớp vai thường chịu đựng kéo dài và đến gặp bác sĩ ở giai đoạn muộn của bệnh với các biểu hiện đau khớp vai liên tục cả ngày đêm, hạn chế vận động khớp vai ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh hoặc không vận động được khớp vai (tình trạng giả liệt).... Đó là hậu quả của những bệnh lý khớp vai giai đoạn muộn như viêm thoái hóa khớp vai, rách chóp xoay khớp vai…

Bên cạnh đó một số chấn thương khớp vai ở người cao tuổi cũng có thể dẫn đến những tổn thương nặng nề có thể gây tàn phế cho người bệnh như gãy phức tạp chỏm xương cánh tay.

Nhưng vừa qua, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao đã thực hiện thành công kỹ thuật thay khớp vai đảo ngược, một kỹ thuật mới giúp điều trị những tổn thương nặng tại khớp vai kể trên.

Những ca bệnh phẫu thuật thành công mở ra niềm hy vọng cho người bệnh

Bà Phạm Thị B. H, 63 tuổi, có tiền sử mổ kết hợp xương nẹp vít điều trị gãy đầu trên xương cánh tay trái cách đây 10 năm. Sau mổ, người bệnh đau và hạn chế vận động khớp vai trái trong tư thế khép và xoay trong. Mặc dù tình trạng đau và hạn chế vận động khớp vai ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày nhưng người bệnh đã cố gắng chịu đựng và điều trị nội khoa nhiều đợt. Thời gian gần đây, tình trạng đau vai ngày càng nặng nề và điều trị nội khoa không đáp ứng, đau vai nhiều về đêm khiến người bệnh mất ngủ thường xuyên.

Thay khớp vai đảo ngược- Niềm hy vọng cho người bệnh bị tổn thương khớp vai nặng - Ảnh 1.

Khi có biểu hiện đau khớp vai, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa, tránh để lâu bệnh trở nên phức tạp.

Qua thăm khám, các bác sĩ tại khoa Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã xác định người bệnh bị hoại tử chỏm xương cánh tay ở giai đoạn nặng, kèm theo thoái hóa của ổ chảo xương vai, gân cơ chóp xoay khớp vai bị rách và thoái hóa mỡ.

Người bệnh đã được phẫu thuật thay khớp vai đảo ngược. Sau phẫu thuật, tình trạng người bệnh diễn biến thuận lợi, triệu chứng đau được cải thiện và đã được xuất viện một tuần sau đó. Người bệnh đang trong giai đoạn phục hồi chức năng để phục hồi lại biên độ vận động khớp vai.

Sau 4 tuần điều trị, vết mổ đã liền tốt, khớp vai được thay thế đã dần ổn định, tình trạng đau khớp vai đã thuyên giảm nhiều, người bệnh chỉ còn đau nhẹ và không phải dùng thuốc giảm đau, biên độ vận động khớp vai dần cải thiện, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Người bệnh tiếp tục được tập phục hồi chức năng để phục hồi lại biên độ vận động và sức mạnh cánh tay.

Cũng vừa thực hiện thay khớp vai đảo ngược được hơn 1 tuần là ông Ngô Đình C, 67 tuổi, mắc bệnh rách chóp xoay vai phải ở giai đoạn nặng. Người bệnh có tiền sử đau vai phải nhiều đợt, tiến triển tăng dần trong nhiều năm qua, đã điều trị nội khoa nhiều cơ sở y tế.

Đợt này, người bệnh đau khớp vai liên tục cả ngày đêm, không đáp ứng với các thuốc giảm đau kèm theo tình trạng "giả liệt" của khớp vai bên phải. Qua thăm khám các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã xác định người bệnh mắc bệnh chóp xoay khớp vai giai đoạn nặng, tổn thương rách hoàn toàn chóp xoay khớp vai và gân cơ chóp xoay đã thoái hóa mỡ không thể phục hồi. Người bệnh đã được mổ thay khớp vai đảo ngược.

Đến nay, tình trạng đau của người bệnh đã thuyên giảm và đã có thể thực hiện một số động tác của khớp vai. Người bệnh tiếp tục được phục hồi chức năng tích cực để phục hồi biên độ vận động và sức mạnh gân cơ khớp vai phải.

Thay khớp vai đảo ngược - hy vọng cho người bệnh bị tổn thương khớp vai nặng - Ảnh 2.

Hình ảnh khớp vai nhân tạo được thay vào sau phẫu thuật thay khớp vai đảo ngược.

Phẫu thuật xoay khớp vai đảo ngược là gì?

Khớp vai là một khớp chỏm cầu (chỏm xương cánh tay)- ổ chảo (ổ chảo xương vai), có biên độ vận động rộng nhất cơ thể. Thay khớp vai đảo ngược là một phẫu thuật thay khớp mà cấu trúc của khớp nhân tạo được thay vào đảo ngược lại cấu trúc của khớp vai giải phẫu, nghĩa là lúc này chỏm cầu biến thành ổ chảo và ổ chảo biến thành chỏm cầu.

Nếu như sự vững chắc và vận động của khớp vai giải phẫu phải dựa vào chóp xoay khớp vai thì khớp vai đảo ngược được giữ vững dựa vào cấu tạo của khớp và vận động dựa vào sức mạnh của cơ delta. Do đó thay khớp vai đảo ngược được chỉ định cho những trường hợp tổn thương khớp vai nặng khi mà cấu trúc chóp xoay khớp vai đã tổn thương không có khả năng phục hồi.

Khớp vai đảo ngược được thiết kế và sử dụng lần đầu cho người bệnh ở châu Âu vào những năm 1980. Năm 2003, FDA chấp thuận cho sử dụng thay khớp vai đảo ngược trong điều trị bệnh lý khớp vai giai đoạn muộn tại Mỹ. Ngày nay, thay khớp vai đảo ngược dần được phổ biến trong điều trị bệnh lý khớp vai giai đoạn muộn trên thế giới.

Những trường hợp nào có thể phẫu thuật xoay khớp vai đảo ngược?

Thay khớp vai đảo ngược là một kĩ thuật cao trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, đòi hỏi các bác sĩ phải có sự hiểu biết và chuyên môn sâu về khớp vai. Thay khớp vai đảo ngược được chỉ định cho một số tình trạng bệnh lý khớp vai giai đoạn muộn. Cụ thể:

- Viêm thoái hóa khớp vai trong bệnh chóp xoay giai đoạn muộn.

- Giả liệt trong bệnh cảnh rách chóp xoay không có khả năng khâu phục hồi ở người cao tuổi.

- Gãy phức tạp chỏm xương cánh tay ở người cao tuổi

- Thất bại sau phẫu thuật thay khớp vai bán phần hoặc toàn phần giải phẫu.

- Trật khớp vai mạn tính.

- Một số thể viêm thoái hóa khớp vai nặng trong bệnh viêm khớp dạng thấp.

- Một số tình trạng u xương đầu trên xương cánh tay.

Điều kiện tiên quyết để chỉ định phẫu thuật thay khớp vai đảo ngược cho những trường hợp trên là chức năng cơ delta của khớp vai bị tổn thương còn tốt và bệnh nhân không có tình trạng nhiễm trùng toàn thân hoặc tại chỗ tiến triển.

Lời khuyên của chuyên gia

Đối với bệnh lý xương khớp chi dưới như khớp gối và khớp háng, khi bị tổn thương thường khiến người bệnh gặp khó khăn trong đi lại nên người bệnh thường tìm kiếm sự trợ giúp y tế sớm. Nhưng đối với bệnh lý khớp vai, người bệnh đặc biệt là người trung niên và cao tuổi thường chịu đựng kéo dài, nên khi đến gặp bác sĩ thường bệnh đã ở giai đoạn muộn. Điều này gây bất lợi cho người bệnh và khó khăn trong điều trị bệnh.

Do đó, người bệnh khi có biểu hiện đau khớp vai, đặc biệt triệu chứng đau thường tăng về đêm, kèm theo các biểu hiện hạn chế các động tác vận động khớp vai như khó khăn trong rửa mặt, chải tóc, kỳ lưng hoặc cài khuy áo sau lưng…, cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để có được những tư vấn tốt nhất về chẩn đoán, điều trị cũng như phục hồi chức năng khớp vai.

Mời độc giả xem thêm video:

an chay




TS.BS Đỗ Văn Minh
Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn