Thay khớp háng ở người lớn tuổi

08-06-2009 14:21 | Bệnh người cao tuổi
google news

Người lớn tuổi thường bị loãng xương nên xương giòn và dễ gãy, dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Một trong những loại gãy xương thường gặp nhất là gãy cổ xương đùi.

Người lớn tuổi thường bị loãng xương nên xương giòn và dễ gãy, dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Một trong những loại gãy xương thường gặp nhất là gãy cổ xương đùi. Theo thống kê, những người từ 50 tuổi trở lên đều có thể bị chấn thương này. Riêng ở Việt Nam, cứ 10 người bị gãy cổ xương đùi thì có 9 người trên 50 tuổi.

Gãy cổ xương đùi xảy ra khi nào?

Gãy cổ xương đùi là một loại gãy xương nặng, khó liền xương và thường có nhiều biến chứng. Đây là loại gãy xương thường gặp ở người lớn tuổi, liên quan đến tình trạng loãng xương và nuôi dưỡng kém của cổ và chỏm xương đùi.

 Khớp háng nhân tạo.

Những trường hợp đi trên nền láng, trơn và bị trượt té, ngồi bệt xuống đất; sau đó thấy đau vùng háng và không thể đứng dậy đi có thể là dấu hiệu của gãy cổ xương đùi. Khi đó, bệnh nhân cần được chụp Xquang khớp háng bên bị đau để xác định chính xác chấn thương. Nếu kết quả Xquang cho thấy bị gãy cổ xương đùi, bệnh nhân phải được điều trị ngay tại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Gãy cổ xương đùi nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong do gãy xương gây đau đớn, bệnh nhân không thể cử động chân bị gãy, phải nằm yên một chỗ; từ đó sinh ra những biến chứng như loét da vùng lưng, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, tắc mạch ở các cơ quan bộ phận do ứ trệ tuần hoàn.

Gãy cổ xương đùi rất dễ xảy ra với người lớn tuổi vì thường liên quan đến tình trạng loãng xương. Ở người già, nuôi dưỡng chỏm xương đùi rất kém do các mạch máu thường bị thoái hóa, việc nuôi dưỡng chỏm xương đùi chủ yếu dựa vào các mạch máu từ thân xương đi lên, khi gãy cổ xương đùi, các mạch máu này thường bị tổn thương do đó gần như chỏm xương đùi không được nuôi dưỡng.

Làm sao để điều trị hiệu quả gãy cổ xương đùi?

Đối với gãy cổ xương đùi, một số trường hợp may mắn, không di lệch hoặc di lệch rất ít thì mới có khả năng điều trị bảo tồn, không phẫu thuật, còn các trường hợp khác thường phải điều trị phẫu thuật. Một số trường hợp, có thể đặt lại ổ gãy và cố định bằng dụng cụ, tuy nhiên khả năng liền xương rất kém, nguy cơ tiêu chỏm cao. Chính vì vậy, đối với những trường hợp gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi, thường được chỉ định thay khớp háng nhân tạo. Mục đích của phương pháp này là lấy bỏ phần cổ xương đùi bị gãy và thay vào đó bằng một khớp háng nhân tạo.

Nhờ phương pháp thay khớp háng nhân tạo, bệnh nhân có thể cử động khớp háng mà không bị đau đớn, có thể đứng lên và đi sớm, tránh được các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Cần lưu ý là sau khi mổ thay khớp háng nhân tạo, bệnh nhân cần tránh ngồi bắt chéo chân, ngồi xổm, chơi thể thao hoặc lao động nặng. Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của một khớp háng nhân tạo kéo dài từ 10-15 năm. Vì thế, sau thời gian này, bệnh nhân cần phải thay một khớp háng nhân tạo khác.

 Loãng xương là một nguyên nhân dẫn đến gãy cổ xương đùi.

Thay khớp háng nhân tạo có an toàn không?

Hầu hết bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi đều có thể mổ thay khớp háng nhân tạo, ngay cả đối với những trường hợp 70-80 tuổi; có những bệnh nhân trên 90 tuổi mà kết quả phẫu thuật vẫn tốt. Khi khớp háng được thay sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, làm cho bệnh nhân không đau và đi lại được, tránh tình trạng tàn phế và các tai biến do nằm lâu. Tuy nhiên điều lo lắng nhất khi tiến hành phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân cao tuổi là vấn đề gây mê hồi sức. Do đặc điểm sức khỏe của người cao tuổi nên có rất nhiều nguy cơ xảy ra trên bàn mổ, sau mổ, do vậy nhiều người bệnh từ chối điều trị bằng phẫu thuật và đành chấp nhận tàn phế, làm gánh nặng cho gia đình. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với việc ứng dụng kỹ thuật vô cảm tiên tiến, có khả năng đáp ứng yêu cầu an toàn trong phẫu thuật cho người cao tuổi, đồng thời làm giảm đau sau phẫu thuật cho những bệnh nhân này, giảm thiểu những ảnh hưởng của thuốc tê lên bệnh nhân đã giúp cho khả năng thực hiện được các phẫu thuật cho những bệnh nhân cao tuổi, trong đó có phẫu thuật thay khớp háng.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân vận động bình thường, tuy nhiên người bệnh cần đặc biệt chú ý cẩn thận khi vận động, tránh những tai nạn làm ảnh hưởng đến khớp háng nhân tạo. Nếu thấy có những bất thường cần đến nơi đã phẫu thuật điều trị để được khám và điều trị kịp thời.

ThS. Trần Trung Dũng


Ý kiến của bạn