Đây là bệnh nhân cao tuổi thứ 5 (trên 96 tuổi) tính từ năm 2016 đến nay mà các bác sĩ khoa Chấn thương Bệnh viện đa khoa Hà Đông phẫu thuật thành công. BS. Toản cũng cho hay: Trong năm 4 qua khoa đã phẫu thành công gẫy liên mấu chuyển xương đùi đối với bệnh nhân trên 80 tuổi là 20 ca, còn 100 tuổi trở lên là 2 ca.
Cụ ông Nguyễn Văn Trử (96 tuổi, ngụ tại Thượng Lâm – Mỹ Đức, Hà Nội) vào viện trong tình trạng đau, thể trạng gầy yếu, suy kiệt, đau hạn chế vận động háng phải do trước đó một ngày bệnh nhân bị ngã đập hông phải xuống nền cứng.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, tại khoa Chấn thương khám lâm sàng và chẩn đoán: Gãy kín liên mấu chuyển xương đùi phải, các bác sĩ tiến hành truyền dịch, giảm đau, bất động nẹp chống xoay, hoàn thiện các xét nghiệm và hội chẩn bác sĩ trong khoa và liên khoa. Sau hội chẩn các bác sĩ đưa ra quyết định chỉ định phẫu thuật thay khớp háng bán phần với đường mổ nhỏ cho ông cụ.
BSCKII.Trần Quang Toản – Phó khoa Ngoại Chấn thương, trưởng kíp mổ cho biết: Bên cạnh quy trình phẫu thuật được tính toán cẩn thận, sự chuẩn bị trước mổ chu đáo, cùng với kỹ thuật gây tê tủy sống, giảm đau sau mổ đã giảm bớt nguy cơ trong và sau mổ giúp cho ca phẫu thuật thành công.
"Đặc biệt ca mổ này phức tạp hơn các ca khác rất nhiều bởi bệnh nhân còn mắc thêm nhiều chứng bệnh tuổi già khác như: tim mạch, suy thận độ 2 do đó trước mổ phải điều trị nội khoa, truyền thêm máu… Sau mổ lại tiếp tục điều trị nội khoa và nuôi dưỡng bệnh nhân ăn qua đường ống xông dạ dày trong những ngày đầu giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh hơn"- BS. Toản nói.
Sau 2 ngày phẫu thuật bệnh nhân đã ngồi dậy, bớt đau nhức. Dự kiến sau 10-15 ngày bệnh nhân có thể xuất viện.
Bác sĩ Hoàng Văn Vạn - người cùng tham gia ê kíp mổ cho hay: Bệnh nhân già yếu, cao tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi thường rất đau đớn khi di chuyển và có nhiều biến chứng nếu không được phẫu thuật sớm sẽ dẫn đến các biến chứng như: lở loét, nhiễm trùng, viêm phổi, viêm đường tiết niệu… kèm theo đó bệnh nhân sẽ suy kiệt và có thể tử vong trong thời gian ngắn nếu không can thiệp kịp thời.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, đối với gãy xương vùng cổ xương đùi trên bệnh nhân cao tuổi không nên điều trị bằng bó lá hay bó bột mà cần phải đưa bệnh nhân đến Bệnh viện có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để khám và tư vấn điều trị phẫu thuật. Chỉ có chỉ định phẫu thuật mới giúp bệnh nhân tránh được tai biến do nằm lâu, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý hạn chế nguy cơ lão hóa của hệ cơ xương, người nhà cần phải hỗ trợ, chăm sóc chu đáo. Tại những điểm có nguy cơ té ngã cao như bậc thềm, bậc thang, nhà cầu hoặc sàn nhà phải có miếng lót sàn hoặc lát gạch có độ ma sát cao, tường nhà cần phải làm tay vịn để hỗ trợ việc đi lại cho các cụ.