Thay khớp háng cho người cao tuổi, dễ mà khó. Vì sao?

14-05-2020 14:31 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Ngày 14/5/2020, tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công 2 trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi có nhịp tim rất chậm.

Các bác sĩ thực hiện đặt máy tạo nhịp

Bà Lê Thị Hồng, 77 tuổi, Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, được tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 22/4/2020 trong tình trạng, đau nhiều vùng mông trái, cử động bị hạn chế sau té ngã do tai nạn sinh hoạt .

Kết quả X quang khung chậu: Gãy mấu chuyển xương đùi Holter. Điện tâm đồ có hội chứng suy nút xoang – ngưng xoang nhịp thoát bộ nối40 lần/ phút.

Sau hội chẩn các bác sĩ quyết định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trước khi phẫu thuật thay khớp háng trái bán phần và được thực hiện bởi ê-kíp ThS.BS Thân Hoàng Minh và BS.CKI Nguyễn Tâm Thoại – Khoa Nội Tim mạch –Khớp.

Ngày 6/5/2020 ê-kíp gồm ThS.BS Nguyễn Văn Hết, BS.CK1. Nhâm Phúc Duy – Khoa Chấn thương chỉnh hình và BS.CKI Nguyễn Văn Vĩnh – Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành thay khớp háng trái bán phần. Sau phẫu thuật thay khớp háng trái bán phần, bệnh nhân tiếp tục được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn ngày 9/5/2020. Hiện tại ngày 13/5/2020 sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện.

Ê kíp phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân

Tương tự như bà Hồng, bà Nguyễn Thị Đủ, 84 tuổi, huyện Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 26/4/2020 trong tình trạng đau nhiều hông phải sau khi ngã, bàn chân phải đổ ngoài.

X quang khung chậu cho thấy, bà Đủ gãy liên mấu chuyển xương đùi phải, nhịp tim rất chậm 40lần/ phút. Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trước khi phẫu thuật chỉnh hình. Ngày 6/5/2020 ê kíp do ThS.BS Thân Hoàng Minh thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời.

Sau khi thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời, nhịp tim bệnh nhân tăng lên 60 lần/phút, đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật. Ngày12/5/2020, ThS.BS Nguyễn Tâm Từ - Trưởng khoa Phẫu thuật nội soi và cổ bàn chân thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình- BS Nguyễn Công Danh- Khoa Gây mê hồi sức thực hiện thay khớp háng bán phần cho bệnh nhân.

Bệnh nhân đã hồi phục tốt sau khi đặt tạo máy nhịp tim và thay khớp háng

Đến hôm nay, 14/5/2020, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, khám vận động khớp háng tốt, nhịp tim 60 lần/phút. Dự kiến ngày 16/5/2020 sẽ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bà Đủ.

Theo BS.CKII Huỳnh Thống Em, Giám đốc trung tâm chấn thương chỉnh hình, BVĐK Trung ương Cần Thơ: Gãy cổ xương đùi và gãy xương vùng liên mấu chuyển xương đùi là một gãy xương do tai nạn té ngã rất hay gặp ở người cao tuổi.

Do gãy cổ xương đùi xương khó lành, còn các gãy xương vùng liên mấu chuyển ở bệnh nhân cao tuổi có kèm bệnh nội khoa thì việc phẫu thuật thay khớp nhằm giúp cho người bệnh mau phục hồi vận động đi lại nhằm tránh các biến chứng do phải nằm tại chỗ, bất động như: chăm sóc vệ sinh cá nhân khó khăn; khó xoay trở, thay đổi tư thế người bệnh trên giường; đau đớn kéo dài do các đầu xương gãy chạm vào nhau.

Do nằm lâu nên các cơ quan như đại tràng, bàng quang hoạt động ít, dẫn đến đại tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu; loét ở những vùng tỳ đè như mông, gót chân, lưng...; ứ trệ đờm dãi, phản xạ ho kém do nằm lâu, đau đớn sẽ gây ra viêm phổi do bội nhiễm, viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới do người bệnh không hoặc ít vận động.

Để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, ngày nay, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn ưu tiên cho người cao tuổi. Người bệnh được phục hồi vận động và tập đi 1-2 ngày sau mổ.

BS.CKII Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, trước đây gãy khớp háng ở người lớn tuổi là thách thức đối với các phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê vì người lớn tuổi sức yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm nhất là bệnh tim mạch.

Block nhĩ thất độ 3 là mức độ cao nhất trong rối loạn dẫn truyền nhịp tim, làm cho tim không thể bóp đủ tần số nhằm cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác, dễ dẫn đến ngất và tử vong. Nếu không xử lý rối loạn nhịp thì nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tình trạng nhịp tim quá chậm như vậy nếu tiến hành phẫu thuật có nguy cơ trụy mạch và ngừng tim trên bàn mổ rất cao.Vì vậy cần đặt máy tạo nhịp tạm thời trước và sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật thay khớp háng.

Thực tế và kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, mặc dù phẫu thuật thay khớp háng ở người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam đều có tỷ lệ rủi ro và tử vong nhất định do bản thân cơ thể người bệnh đã bị lão hóa các cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, thận, mạch máu…, đồng thời người lớn tuổi cũng thường mắc nhiều bệnh lí đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim..

Tuy nhiên, không có nghĩa người lớn tuổi là không thể phẫu thuật. Nếu được đánh giá kĩ càng và chuẩn bị đầy đủ trước cuộc mổ, thể trạng người bệnh cho phép, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị gây mê, trình độ chuyên môn tốt của đội ngũ nhân viên y tế và sự phối hợp đồng bộ nhiều chuyên khoathì người lớn tuổi hoàn toàn có thể trải qua một cuộc phẩu thuật an toàn ngay cả khi mắc bệnh tim mạch nặng, qua đó cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.


PV
Ý kiến của bạn