Thay khớp háng cho cụ bà cao tuổi nhất TP Cần Thơ

09-06-2020 10:38 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sáng 9/6/2020, tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công cho cụ bà 103 tuổi, lão suy, có nhiều bệnh nội khoa kết hợp.

Bác sĩ thực hiện thay khớp háng cho cụ Cảnh

Cụ bà Trần Thị Cánh, 103 tuổi, huyện Phong Điền – Cần Thơ, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào lúc 21h40ngày 31/5/2020 trong tình trạng: Đau nhiều vùng háng phải, bàn chân phải đổ ngoài, hạn chế vận động sau khi ngã võng, tiền sử tăng huyết áp và nhiều bệnh lý nội khoa tim mạch đang điều trị.

Hình ảnh chụp X. quang khung chậu thẳng cho thấy cụ Cảnh gãy cổ xương đùi phải. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn đánh giá nguy tim mạch và hô hấp trong phẫu thuật cao do bệnh nhân cao tuổi, lão suy, kết hợp nhiều bệnh nội khoa như: tăng huyết áp, hở van hai lá, hở van động mạch chủ vàquyết định hồi sức nội khoa cho bệnh nhân và tiến hành phẫu thuật.

ThS. BS. Nguyễn Hữu Thuyết – Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống và chấn thương; ThS.BS. Trương Nhật Tôn- Trung tâm Chấn thương chỉnh hình; BS.CKI Nguyễn Hữu Nghiệm - Khoa Gây mê hồi sức thực hiện thành công thay khớp háng phải bán phần cho bệnh nhân vào ngày 4/6/2020.

Đến sáng nay cụ Cảnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt, khám vận động khớp háng tốt, cụ tự ngồi được, dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Sáng 9/6/2020, cụ Cảnh đã ngồi dậy và tỉnh táo

BS.CKII Trần Huỳnh Đào - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Gãy cổ xương đùi và gãy xương vùng liên mấu chuyển xương đùi là một gãy xương do tai nạn do ngã rất hay gặp ở người cao tuổi.

Do gãy cổ xương đùi khó lành, còn các gãy xương vùng liên mấu chuyển ở bệnh nhân cao tuổi có kèm bệnh nội khoa thì việc phẫu thuật thay khớp nhằm giúp cho người bệnh mau phục hồi vận động đi lại nhằm tránh các biến chứng do phải nằm tại chỗ, bất động.

Trước đây thay khớp háng ở người lớn tuổi là thách thức đối với các phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê vì người lớn tuổi sức yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm nhất là bệnh tim mạch.

Thực tế và kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, mặc dù phẫu thuật thay khớp háng ở người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam đều có tỷ lệ rủi ro và tử vong nhất định do bản thân cơ thể người bệnh đã bị lão suy các cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, thận, mạch máu…, đồng thời người lớn tuổi cũng thường mắc nhiều bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim...

Nếu được đánh giá kĩ và chuẩn bị đầy đủ trước cuộc mổ, thể trạng người bệnh cho phép, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị gây mê, trình độ chuyên môn tốt của đội ngũ nhân viên y tế và sự phối hợp đồng bộ nhiều chuyên khoa thì người lớn tuổi hoàn toàn có thể trải qua một cuộc phẫu thuật an toàn , qua đó cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Theo BS.CKII Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, té ngã rất thường xảy ra ở người lớn tuổi, tỉ lệ và độ trầm trọng của té ngã tăng lên ở độ tuổi 60, đặc biệt phụ nữ.

Điều quan trọng là ở người cao tuổi, ngã thường gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như gãy xương (trong đó gãy cổ xương đùi là rất nặng nề), do người cao tuổi có tỷ lệ khá cao mắc bệnh loãng xương. Gãy xương gây ra nhiều biến chứng và di chứng, tiêu tốn rất nhiều tiền của cho quá trình chăm sóc và điều trị.

Ngoài ra ngã có thể gây chấn thương sọ não, có khi phải nằm liệt giường, các hậu quả tiếp theo về thần kinh, tâm thần cũng như về thể chất cũng nặng nề hơn so với người trẻ rất nhiều.

Lý do người già dễ bị ngã là do sức khỏe giảm sút, cơ quan vận động suy giảm chức năng, phản ứng chậmvới các tình huống xảy ra trong sinh hoạt, do giảm thị lực, rối loạn thăng bằng, sa sút trí tuệ, mắc một số bệnh mãn tính (Tăng huyết áp, thoái hóa khớp, viêm đa khớp, cơ teo yếu, …).

Ngoài ra, nơi ở, điều kiện sống không an toàn như: Nền nhà dễ trơn trợt, thiếu ánh sáng, khu vực thiếu thông thoáng,... dễ tác động gây tai nạn cho người già.

Ngăn ngừa té ngã ở người cao tuổi, các bác sĩ khuyến cáo:

Tập thể dục đều đặn: Làm tăng sức cơ, giữ cho khớp dẻo dai, và kích hoạt các hệ thống kiểm soát cân bằng và vận động trong cơ thể bạn

Chế độ ăn uống là rất quan trọng để ngăn ngừa việc thiếu vitamin (đặc biệt là vitamin D), sắt, các loại thực phẩm giàu tinh bột và protein. Đảm bảo lượng nước uống hằng ngày để tránh mất nước.

Kiểm tra mắt thường xuyên: Khám mắt mỗi hai năm hoặc theo lời dặn của bác sĩ nhãn khoa.

Tránh lót nền gạch láng: Để tránh trơn trợt dễ té ngã

Đo kiểm tra mật độ xương và điều trị sớm khi có dấu hiệu loãng xương đặc biệt ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh.

Phòng tránh té ngã ở người cao tuổi phải phối hợp nhiều biện pháp với nhau.


Phạm Phong
Ý kiến của bạn