Tôi năm nay 67 tuổi, bị viêm khớp gối mạn tính đã hơn 10 năm nay, đi lại rất khó khăn nhất là khi thời tiết thay đổi. Tôi có đọc tài liệu thấy nói đến bệnh của tôi có thể tiến hành thay khớp gối nhân tạo, xin quý báo tư vấn.
Nguyễn Thị Hạnh (Hà Nội)
Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo chỉ được tiến hành cho những bệnh nhân có khớp gối bị tổn thương nặng hoặc sụn bị mòn, hoặc do bệnh lý thấp khớp phá hủy mặt khớp mà điều trị nội khoa không thể khắc phục được. Người bệnh đau khớp gối khi đi lại và có thể bị cứng khớp gối. Mục đích của việc thay khớp gối là lấy đi khớp bị hư hỏng và thay vào đó khớp nhân tạo. Kết quả của việc thay khớp gối là trả lại chức năng vận động cho người bệnh trong sinh hoạt như lên xuống cầu thang, có thể tập những môn thể thao nhẹ nhàng như đi xe đạp, đi bộ vài km, khiêu vũ. Tuy nhiên, khớp nhân tạo không thể mang lại cho người bệnh những vận động mạnh mẽ như khớp của người bình thường. Mặt khác, trong kỹ thuật thay khớp gối cũng vẫn có những biến chứng xảy ra như nhiễm khuẩn, hoại tử da, bong khớp gối làm cho tình trạng bệnh còn tồi tệ hơn khi chưa thay. Thời hạn của khớp gối nhân tạo cũng chỉ từ 10-15 năm. Vì vậy nên thận trọng khi thay cho những người dưới 40 tuổi (trừ những trường hợp bị tổn thương như tai nạn bắt buộc phải có chỉ định thay). Mặt khác, chỉ định thay khớp gối phải cân nhắc ở những bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch nặng, huyết áp không ổn định, bệnh phổi mạn tính, có tiền sử tai biến mạch máu não... Để có được chỉ định tốt nhất, bác nên đi khám bệnh ở các chuyên khoa xương khớp - chấn thương chỉnh hình và nên khám sức khỏe toàn diện để bác sĩ có được chỉ định đúng.
BS. Phan Ngọc Minh