Nếu chỉ nhìn vào những con số ghi mốc tuổi, mốc nghề thì thấy nhiều người na ná như nhau. Điểm khác biệt nằm ở phía sau những con số, ở sâu trong hành trình của các con số đó cùng với điểm tương tác, có thể là nhỏ nhẹ thôi mà chúng lại nói được khá nhiều ý nghĩa về con người, sự nghiệp. Nhân vật tôi kể sau đây là dạng nhân vật, đôi khi cần được nhìn sâu vào các điểm tưởng như "nhỏ" ấy mới có thể vẽ lên được chân dung đời ông. Ông là bác sĩ Tạ Xuân Hợi.
Những con số ghi mốc tuổi, mốc nghề của bác sĩ Hợi giản dị thế này: Tên khai sinh: Tạ Xuân Hợi, sinh ngày 20/8/1952. Ông bà, bố mẹ đều là nông dân và họ là một gia đình nông dân nghèo, phải tới năm 1956 - 1957, cải cách ruộng đất gia đình mới được chia cho ít ruộng vườn. Từ ngày đó trở về sau, gia đình bố mẹ ông mới thực sự tồn tại đúng nghĩa là một gia đình nông dân có mái nhà riêng ở nông thôn... Về nhân khẩu, anh chị em có 6 người, 5 trai, 1 gái và Tạ Xuân Hợi là con thứ ba. 5 người anh chị em của Hợi đều không có điều kiện học tập, về sau một người hy sinh ở chiến trường miền Nam hồi chống Mỹ. Duy có Tạ Xuân Hợi may mắn được học Đại học Y Hà Nội, khoá 1970 - 1976. Tốt nghiệp ra trường, ông được phân công công tác về Trường Đại học Y Thái Bình...
Những con số liệt kê đó tuy chính xác nhưng khô khan và rất hạn hẹp tính biểu cảm. Riêng điểm tư liệu về nghề nghiệp của một bác sĩ, giảng viên đại học, khi được biết thêm hẳn nhiều người sẽ giật mình. Ấy là điểm: Tốt nghiệp Đại học với bằng giỏi, sau 34 năm công tác, hiện bác sĩ Tạ Xuân Hợi đang giữ cương vị Phó Chủ nhiệm phụ trách Bộ môn Giải phẫu bệnh, ở cương vị này từ năm 1998 đến nay mà thầy Hợi vẫn chỉ là một bác sĩ, chưa có học hàm, học vị gì...
Thật khó tin một vị bác sĩ, giảng viên ở một trường đại học khá danh tiếng lại là người mới chỉ có bằng cấp như vậy. Phải có gì riêng biệt? Cách đây cả chục năm, hồi còn ở quê tôi đã từng nghe bà con kháo nhau về khả năng xét nghiệm, chẩn đoán chính xác bệnh "u lành u ác" của bác sĩ Tạ Xuân Hợi. Để rồi khi có điều kiện, qua những người bạn, tôi được làm quen với ông, biết thêm nhiều điều về ông. Ngẫm ngợi về số phận con người và nghề nghiệp của ông mà không thể không tiếc nuối. Còn nhớ một lần trò chuyện với thầy Hiệu phó phụ trách Đào tạo của trường về bác sĩ Tạ Xuân Hợi, thầy Hiệu phó, PGS.TS. Hoàng Năng Trọng có nói:
- Thầy Hợi là một bác sĩ, giảng viên có trình độ chuyên môn vững vàng, là một thầy giáo, thầy thuốc giàu tâm huyết với nghề.
Tôi gặng hỏi:
- Thầy nói là giỏi nghề, tâm huyết với nghề... Tôi tin đấy mà vẫn... ngờ đấy. Bởi, thực vậy thì sao thầy Hợi lại không thể có được một tấm bằng sau đại học, dù là khiêm tốn...?
Nghe vậy thầy Hoàng Năng Trọng cười, đáp:
- Là giảng viên của trường đại học ngày nay, việc học lên cao không chỉ là nguyện vọng mà còn là một đòi hỏi tất yếu. Rõ ràng để phát triển chất lượng đào tạo của một trường đại học thì không thể để cảnh "cơm chấm cơm" tồn tại được. Riêng trường hợp thầy Hợi thì khác, rất khác. Để hiểu sâu hơn, ông nên tìm hiểu qua chính thầy ấy, chắc có tâm sự riêng đấy...
*****
Đồng Xâm là một ngôi làng cổ nổi tiếng trên đất Thái Bình, làng có nghề làm đồ bạc, kỹ nghệ tinh xảo lắm và đây chính là làng quê của thầy Hợi. Sinh sống trong một ngôi làng với nghề truyền thống luôn đòi hỏi người thợ thủ công chế tác đồ mỹ nghệ một đức tính cần cù đến mức kỳ khu nhẫn nại, cùng với một gia cảnh riêng nhiều khó nhọc, phải chăng hai yếu tố đó là yếu tố hợp thành cơ bản tạo nên tính cách, tư chất cho con người bác sĩ Hợi như ngày nay. Tính cách thầy Hợi thể hiện rõ qua từng cử chỉ, đến cách cư xử, lời ăn tiếng nói. Nghĩa là ở thầy như mỗi vẻ bề ngoài đến nội dung đều lộ rõ, đủ sức "tố" rõ ràng đầy đặn tính hiền lành, nhu thuận và sức bền bỉ với công việc mà mình lựa chọn. Chính bởi vậy, vẻ nhu thuận kia còn cho ta thấy một thứ sức lực, một tri thức nên nó mới tạo rõ một cõi tình vô tư trước những thăng trầm biến đổi, những hơn thua, sang hèn, cao thấp mà lẽ thường càng ở nơi học đường, phố thị con người ta càng dễ cuốn vào. Con đường theo nghiệp y khoa của bác sĩ đến cũng tình cờ như một cái duyên nghiệp. Chả là khi học xong cấp III, thầy có nguyện vọng thi vào trường Bách khoa và Hàng hải, nhưng lớp học trò tuổi thầy ngày ấy việc theo học ngành nghề không chỉ tùy vào ý nguyện riêng mà còn phải tùy thuộc vào sự phân công của Nhà nước.
Tôi gợi chuyện:
- Thầy đã không chọn nghề y ngay từ đầu là vì sao?
- Ngày ấy mình chọn nghề cũng hồn nhiên, ngẫu hứng lắm. Có lẽ là biết tới đâu thì ghi đơn vào đấy thôi. Vả nữa, hồi đó đất nước còn trong cảnh chiến tranh ác liệt. Bao thanh niên, cả người tuổi trung niên cũng được động viên ra trận, mình thì được ở nhà đi học là cả một ưu tiên đặc biệt rồi. Mình quan niệm, học nghề gì cũng là để phục vụ xã hội con người, nên cứ học cho tốt, làm việc cho tốt là được...
Và thế là cứ thực thà với quan niệm sống, làm việc đó, học tới năm thứ sáu, nhà trường phân thầy học chuyên khoa Giải phẫu bệnh, một khoa mà không mấy sinh viên y muốn theo, có không ít người còn tìm cách thoái thác nhưng thầy thì vẫn vô tư đón nhận. Ra trường, thầy Hợi được trên điều về công tác ở Trường Đại học Y Thái Bình, bộ môn Giải phẫu bệnh trong bấy nhiêu năm qua.
Nói về bộ môn Giải phẫu bệnh Trường Đại học Y Thái Bình, thủa ban đầu, bộ môn này chỉ có 4 bác sĩ giảng viên, sau 2 người đi học trên đại học và để rồi... học xong thì chuyển công tác đi nơi khác. Rốt cuộc còn lại chỉ có hai người là thầy Hợi cùng thầy Nguyễn Huy Cát phải đảm đương toàn bộ khối lượng công việc mà nhà trường giao phó. Và cái cảnh "bộ môn hai thầy" kéo dài tới gần chục năm trời.
Bác sĩ Tạ Xuân Hợi. |
Năng lực học tập, như đã biết, đạt bằng giỏi, vậy lẽ nào thầy lại không có mơ ước học cao lên? Hẳn bất cứ ai trước hoàn cảnh vậy cũng sẽ đặt nghi vấn đó. Cũng vậy khi tôi hỏi, thầy nói: "Có chứ, sao lại không. Song ông bảo, ngót mười năm trời cả khoa chỉ còn có hai giảng viên mà thời gian liên tục phải dạy tới chục lớp, với trên 30 giờ học mỗi tuần, lại còn liên trách nhiệm khám chữa bệnh với viện tỉnh, với ngành pháp y tỉnh nữa, thế thì tôi và thầy Cát có thể dứt ra mà đi học được không? Ai cho đi đây? Sau đó thì tôi lại gặp đận khó khăn về gia đình. Nỗi khó khăn, bề bộn việc trường việc nhà là thế, còn nỗi cực nhọc mà các bác sĩ thường e ngại về công tác ở khoa Giải phẫu bệnh thì nhất phải kể đến việc pháp y, thường xuyên phải làm là mổ khám nghiệm các xác chết để giúp cho ngành công an giải quyết các vụ án. Có những khi đang đêm mưa phùn gió bấc, nhóm bác sĩ, kỹ thuật viên bọn tôi vẫn phải đi khai quật mộ mới chôn lên để lấy mẫu xét nghiệm. Ôi! Kể ra thì nhiều và e không tránh được cảm giác ngại ngần cho người nghe... Vả lại...”. Ngập ngừng hồi lâu sau thầy mới ý tứ nói tiếp: “Nói ra thì vẫn câu làm gì cũng được miễn là làm tốt... sợ mọi người lại cho mình là lý tưởng hoá. Khó nhọc là thế, thua thiệt là thế mà còn nói điều lý tưởng nọ kia ư!? Thời nay, con người ta thực tế lắm. Nói điều "lý tưởng" càng dễ bị xem là lẩm cẩm. Quả lòng mình nó thế, nghĩ thế và luôn làm theo thế. Có nhẽ, tôi lẩm cẩm thật hay sao ấy, ông ạ. Mà là một thứ lẩm cẩm bẩm sinh, không đợi đến môi trường xã hội có điểm quy chiếu mới bị lộ diện. 34 năm qua rồi, ông biết đấy, mình vẫn chỉ có trong tay tấm bằng bác sĩ như ngày mới ra trường, kinh tế, địa vị cũng chả bằng ai...". Nói rồi thầy cười khà khà. Quen biết nhau lâu lâu rồi, đây là lần hiếm hoi tôi thấy thầy Hợi cười một câu dài thành tiếng như thế...
34 năm công tác, vượt qua bao nỗi khó khăn riêng cũng như chung, chắc hẳn trong lòng thầy mang không ít niềm tâm sự, ấy vậy mà mọi người ít được nghe thầy kể. Thầy Hợi là người hay giấu tâm sự. Lời ai hoài, than trách càng không hề có ở thầy. Với thầy, dường như những nỗi đời, sự đời và tinh thần trách nhiệm, tình cảm sống luôn hoà nhịp với nhau một cách hồn nhiên với càng ít sự can hệ của tính cá nhân, điều lợi ích thì càng tốt và nó luôn thuận chiều trôi chảy không ngưng nghỉ. Những khúc mắc, nếu có, hẳn cũng luôn được hoá giải trong quan niệm sống đó trong thầy một cách nhẹ nhàng, giản dị.
Trường Đại học Y Thái Bình qua 40 năm hoạt động, tính đến ngưỡng 2010 này cho thấy những thăng trầm, khó khăn đã đi qua. Trường đang đi vào kỳ phát triển với những cơ hội tốt đẹp, mang không ít hy vọng cho một bước nhảy vượt bậc để trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu y dược có tầm cỡ... Trong tình hình chung đó, tôi muốn biết riêng về Bộ môn - Khoa Giải phẫu bệnh mà bác sĩ Tạ Xuân Hợi phụ trách đang trong tình trạng thế nào, cả về nhân sự, trang thiết bị cho công việc giảng dạy và xét nghiệm bệnh lý? Tôi lại bắt gặp nụ cười hiền với câu trả lời thủ thỉ: "Về nhân sự đã khá hơn nhiều. Hiện bộ môn có 5 thầy, trong đó 2 thầy có trình độ thạc sĩ. Nhàn hơn, chất lượng hơn nhiều rồi. Còn về trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và xét nghiệm bệnh lý thì vẫn còn khá thiếu. Bộ môn Giải phẫu bệnh của tôi đang rất cần có các loại máy như máy cắt lạnh, máy dùng cho kỹ thuật nhuộm hay như cần hoá chất đủ cho một labô hiện đại... Có những loại thiết bị như tủ ấm, tủ sấy cũ mà bộ môn đã phải sử dụng những 30 năm nay...".
Ôi chà chà! Thiếu thốn trang thiết bị hiện đại như vậy có đồng nghĩa là việc giảng dạy những chỗ cần được máy móc phụ trợ song do không có, nên vẫn phải dạy "vo", xét nghiệm xác định bệnh còn có khi phải mò mẫm, phải đoán bằng kinh nghiệm, trực giác không? Hỏi thì thầy Hợi lại cười vui, bảo: "Hiểu nôm na vậy cũng được. Việc xác định bệnh lý qua xét nghiệm, về căn bản phải dựa trên phân tích tổ chức tế bào, mô bệnh. Máy móc hiện đại, đồng bộ thì kết quả càng cao. Tuy vậy, tính kinh nghiệm, trực giác của người thầy thuốc ở khoa nào cũng vẫn cần, rất cần, ông ạ...". Vâng, có nhẽ đó cũng là một cái ngưỡng phân định y thuật cao thấp trong nghề chăng. Về chuyên khoa của bác sĩ Hợi, nói như cách nói báo chí ngày nay là rất có "thương hiệu". Những tờ xét nghiệm kết luận bệnh lý khi đã được ký bởi "bác sĩ Tạ Xuân Hợi" thì độ tin cậy rất cao cho bệnh nhân và các đồng nghiệp, cả với các trường hợp bệnh được chuyển lên tuyến trên, được xác định lại bởi các chuyên gia hàng đầu. Khoa sư phạm của thầy cũng nhiều chuyện đáng nói. Tôi còn nhớ lần một cậu sinh viên người Nghệ An kể về giờ học khá tế nhị, là bài học pháp y sinh dục: Hiếp dâm và rối loạn tâm thần, sa đoạ sinh dục. Rằng, thầy Hợi dạy giờ này rất hay. Và rằng cái hay không chỉ vì căn bệnh nhạy cảm, mà thầy đã vận dụng sâu sắc thuyết phân tâm học của Sigmund Freud về tính khát dục (libido), trong tính bản năng và ý thức xã hội của nó... nên bài giảng sinh động và rất có chiều sâu về bản chất bệnh lý. Bằng cứ kể về sự lý thú và hiệu quả trong công việc của thầy Hợi thì còn nhiều nhiều lắm. Hiện tại có trường hợp bệnh của vị bác sĩ đang đương chức giám đốc một trung tâm y tế ở Thái Bình. Ngay từ lần làm xét nghiệm đầu, thầy Hợi đã kết luận là K vòm họng. Bệnh nhân lên viện TW khám thì xét nghiệm không ra. Để rồi thầy Hợi thêm một lần làm xét nghiệm lại và vẫn kết luận: K vòm họng. Và tất nhiên, viện TW nọ cuối cùng đã đồng ý với kết luận đó... Những ca bệnh được truyền tụng như thế đã từ lâu đến tai người bệnh ở khu vực Thái Bình và lỡ khi ai đó bị nghi ngờ mắc phải căn bệnh ác nghiệt này thì họ thường rất muốn được làm xét nghiệm bởi bác sĩ Tạ Xuân Hợi. Ấy là một nhu cầu buồn! Vâng, phải nói như vậy. Nhưng sự thực cái nếp nghĩ ấy nó đã bám rễ vào ý thức thường trực của dân bệnh khu vực này rồi. Vả nữa, những trường hợp xét nghiệm mô bệnh - loại tế bào đa dạng, phức tạp thì các đồng nghiệp ở viện trong tỉnh cũng thường phải nhờ đến sức hỗ trợ của thầy, cơ mà...
Đoạn kết
Một bác sĩ, giảng viên chưa có học hàm, học vị gì mà vẫn được tín nhiệm bởi mấy khoá Giám hiệu giao phụ trách bộ môn và nhiều năm được xếp hạng Giáo viên dạy giỏi, Lao động tiên tiến, xuất sắc...; Một bác sĩ, giảng viên trọn đời cống hiến cho sự nghiệp dạy học và vì người bệnh, không nề gian khó, cực nhọc cả những thua thiệt về văn bằng, về kinh tế... Hiện tại, gia đình ông có 4 người, sống trong ngôi nhà hai tầng, tổng diện tích xây dựng là 78m2. Nhà chia làm bốn phòng. Phòng khách, phòng bếp và hai phòng ngủ với đôi cái giường. Một ngôi nhà nhìn vào đâu như cũng thấy bóng bẩy, rêu phong, chật ních.
Đó là đôi điều cơ bản tôi nhận biết về thầy Hợi và gia đình thầy.
Cách đây chừng 1 năm, lần đến chơi nhà tôi, khi ra về, thầy nói nhỏ: "Nhà ông tuy thế mà xem ra khang trang, sạch sẽ, tiện nghi sinh hoạt còn tươm tất hơn nhà tôi đấy...". Câu nói ngỡ vui vẻ thôi mà đặt lại lòng tôi suy nghĩ. Tôi vốn bị bệnh trọng từ lâu, đã mất hết sức lao động. Ơn giời, nhờ có chút khiếu văn chương, được Đông phù Tây trợ mới có nổi cái cơ ngơi be bé với ít tiện nghi... Ấy vậy mà cũng còn hơn nhà ông thật sao? Được biết, vợ ông cũng là bác sĩ, giảng viên của trường. Hai ông bà, hai đồng lương bác sĩ?.. Chẳng đừng được, dù khó khăn trong việc đi lại, chiều ấy tôi đã đến "mục sở thị" cảnh nhà ông mới hay ông nói thật. Ôi chà, nhà với cửa như thế thì những góc riêng tư, thảnh thơi ngơi nghỉ của mỗi người, mà toàn là người lớn rồi chứ, ở đâu? Tôi tính hỏi trêu, mới nghĩ thôi, chưa dám nói ra lời thì vẻ như đoán được ý, bà bác sĩ vồn vã: "Có đồng nào dồn cho các cháu nó ăn học, cùng với trăm thứ chi tiêu bà giằng bà gí, ông ạ...". Bà bác sĩ nói vui, giọng nhỏ. Lẽ thường trong hoàn cảnh công việc khá sang trọng như ông bà mà về phần đời sống nhà cửa tiện nghi chưa mấy khá giả thì con người ta dễ chạnh lòng, sinh ra điều ta thán, nhất là với lớp trẻ ngày nay, họ sống thường mang nhiều so sánh, ganh đua. “Nét tâm lý, tâm thế ấy cũng có điểm rất tích cực, lợi cho chí tiến thân, song đó cũng là một thứ dao hai lưỡi nên nhiều cô cậu đã bị trọng thương bởi chính sự ganh đua ấy, mà là loại vết thương nhân bản, hiểm lắm, sâu lắm!... Tôi hỏi nhỏ với thầy điều này thì được nghe: "Chúng tôi đều bằng an, tự tại trong ngôi nhà mình. Thực thà, chưa bao giờ bà ấy và hai cháu tỏ ra trách cứ hay so bì nọ kia giữa nhà mình với thiên hạ. Vả nữa, so với mươi mười lăm năm trước thôi, hồi vợ chồng tôi mỗi độ chiêm mùa đến là phải về quê cấy hái chung với ông bà để kiếm thêm ít thóc, tối đến phải châm đèn mà đan làn mây thuê, sáng dậy cơm nguội cũng chả có mà ăn thì nay được vậy là xênh xang chán rồi. Hai cháu hiện vắng nhà, nói vụng, các cháu vốn con nhà chân chỉ hạt bột nên tính nết siêng năng, chăm chỉ, học tập cũng khá...". Thực lòng xem việc thầy làm, nghe lời thầy tâm sự, tôi không tránh được niềm cảm kích.
Có đôi lời tôi cứ giữ trong lòng, nói ra e cho là nói lấy lòng thầy. Mà nào lấy lệ lấy lòng gì đâu, khi nói điều, có nhẽ ngay đến trẻ nhỏ chúng cũng đồng cảm, rằng: Sống bên những con người có tấm lòng trong sáng, thuần hậu, giản dị lại giỏi nghề yêu việc thì tâm tư chúng ta sẽ luôn tìm được sự thảnh thơi, nơi tin cậy yên bình biết mấy. Và khi con người ấy, nghề nghiệp ấy, tấm lòng ấy lại ở một bác sĩ thì điều quý càng thêm bội phần quý giá.
Hạ tuần tháng 6 năm 2010
Bút ký dự thi của ĐỖ TRỌNG KHƠI