Hà Nội

Thầy hiệu trưởng - tổng đài tư vấn tuổi học trò

18-11-2021 17:57 | Xã hội

SKĐS - Nhiều phụ huynh, học sinh Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) bất ngờ bởi dưới tấm pano tuyên truyền "Khi các em bị bắt nạt, xâm hại hãy gọi 111" có kèm thêm số điện thoại của thầy hiệu trưởng. Từ đó, bao chuyện buồn vui, khúc mắc trong cuộc sống các học trò cũng nhắn đến số điện thoại của thầy.

Thầy hiệu trưởng... tư vấn tình cảm

Thầy hiệu trưởng kiêm "tổng đài tư vấn tuổi học trò"   - Ảnh 1.

Tấm pano cùng thầy Hồ Tuấn Anh trước cổng Trường THCS Quỳnh Phương.

Nhắc đến tấm pano được in trên khoảng tường rộng ngay cổng trường, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trường Trường THCS Quỳnh Phương hào hứng: "Tấm pano được in từ năm 2019 sau chuyến công tác của tôi ở Hà Nội. Thời điểm đó, tôi cùng với một đồng nghiệp tình cờ đi qua một ngôi trường có tấm biển "Nếu bạn bị bắt nạt, bạo hành thì hãy gọi 111". Tấm pano quá ý nghĩa nên tôi chụp lại rồi về trường làm ngay".

Làm ngay - bởi thầy hiểu rất rõ vấn nạn bắt nạt học đường ảnh hưởng kinh khủng đến tâm sinh lý của lứa tuổi học trò, kéo theo đó là bao hệ lụy. 

Trước khi về công tác tại ngôi trường này (từ năm 2017),  trường đã có "tiếng" không tốt về an ninh nề nếp, an toàn trường học. Nằm ở vùng ven biển, nới có số học sinh bỏ học khá nhiều, hiện tượng bắt nạt thường xảy ra ở đây.

"Về trường tôi cùng Ban giám hiệu xác định ưu tiên số một là an ninh trường học, giáo dục đạo đức học sinh, coi đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng toàn diện. Nhiều biện pháp được đưa ra để học sinh đến trường là một ngày vui, phụ huynh đưa con đến trường luôn được yên tâm. Tấm pano góp phần rất lớn trong việc này" – thầy Tuấn Anh nói.

Thầy hiệu trưởng kiêm "tổng đài tư vấn tuổi học trò"   - Ảnh 2.

Thầy Hồ Tuấn Anh hào hứng kể về những tin nhắn của học trò.

Điểm khác với tấm pano ở ngoài Hà Nội là xuất hiện thêm số điện thoại của thầy hiệu trưởng. Thầy Tuấn Anh nói ngay: "Gặp chuyện gấp mà học sinh của mình gọi tổng đài 111 không được thì phải có số phụ chứ? Bởi vậy, số điện thoại của tôi được thêm vào".

Có quyết định này, thầy cũng chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ có tin nhắn phá phách, quấy rầy nhưng tuyệt nhiên không có. Ngược lại  là những tin nhắn trao đổi nghiêm túc của học trò. Các phụ huynh cũng rất thích thú khi thấy số điện thoại của hiệu trưởng trên tấm biển. Nhiều người chụp ảnh đăng lên Facebook và nhận được những bình luận tích cực "yên tâm hơn rồi", "thầy hiệu trưởng trực tiếp bảo vệ học sinh thì quá tốt"…

Khi có tấm biển, thầy Tuấn Anh bận rộn hơn bởi tin nhắn dồn dập đến máy di động. Chuyện này khiến thầy thắc mắc "Các em học sinh có rất nhiều chuyện cần được tư vấn. Tại sao phòng tư vấn của trường lại chẳng có bóng dáng học sinh?". Rồi thầy dần nhận ra "các em ngại vào phòng này vì các bạn xung quanh sẽ để ý, trêu ghẹo khi biết mình đang có "vấn đề".

Từ đó, tin nhắn gửi đến thầy ngày càng nhiều hơn. Có những tin nhắn rất ngô nghê tuổi học trò nhưng cũng có tin nhắn rất giá trị. Có những chuyện học sinh không biết nói với ai kể cả bố mẹ cũng được nhắn đến thầy.

Ai bắt nạt cứ gọi thầy

"Em có chuyện quan trọng muốn gặp thầy trao đổi được không ạ?" – một tin nhắn của em học sinh lớp 6 gửi trực tiếp đến số điện thoại của thầy Tuấn Anh. Thế là, cuộc trò chuyện của thầy trò ở ngay bậc thềm cạnh phòng hiệu trưởng vào buổi chiều muộn.

Thầy hiệu trưởng kiêm "tổng đài tư vấn tuổi học trò"   - Ảnh 3.

Tin nhắn của cậu học trò lớp 6 gửi đến thầy hiệu trưởng.

Gặp thầy hiệu trưởng, em học sinh ngạc nhiên nói: "Em cứ nghĩ thầy là ông bảo vệ". Thầy cười rồi giải thích: "Vì dịch COVID-19 nên từ khi học trực tiếp đến nay nhà trường chưa chào cờ lần nào. Vì thế mà các em không biết thầy. Các em chỉ thấy thầy đứng cùng ông bảo vệ ở cổng trường để kiểm tra, đo thân nhiệt cho các em nên nghĩ thầy là ông bảo vệ cũng đúng thôi".

Câu chuyện vui, cởi mở khi gặp thầy hiệu trưởng khiến cậu học sinh rất thoái mái. Cậu liền kể: "Lớp em có một cô chơi điện thoại trong lớp thì chúng em có được chơi không…Chúng em đến trường để học. Cô dùng điện thoại thế không đúng…". 

Thấy Tuấn Anh ngạc nhiên bởi tâm sự ngô nghê nhưng rất đáng lưu tâm. Tâm sự của cậu học trò này được thầy biên tập thành một câu chuyện rồi gửi nhóm riêng của giáo viên nhà trường. Từ đó, chuyện này cũng được giải quyết ổn thỏa, vui vẻ. Các học sinh thấy vậy nên rất thoái mái.

Thầy hiệu trưởng kiêm "tổng đài tư vấn tuổi học trò"   - Ảnh 4.

Tấm pano được in ngay trên khoảng tường rộng ngay cổng trường.

"Phải gần gũi, tâm sự chân thành, giải quyết sự việc thấu đáo dù là những chuyện nhỏ nhất thì mới có được lòng tin từ các em. Từ đó, tôi nhận được nhiều tâm sự, thắc mắc hơn của học sinh" - thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Có tin nhắn "bạn nọ chửi bố em", "bạn ấy thách em lên mạng", "2 bạn… thích nhau muốn bỏ học thầy à"… nhận những tin nhắn này thầy Tuấn Anh tiếp cận ngay. Thầy ân cần tìm mọi cách để giải thích, cần thiết mời cả bố mẹ để cũng phân tích cho các em hiểu. 

Rồi những tin nhắn báo "Nhóm này hẹn nhóm kia chuẩn bị đánh nhau thầy à". Thế là, hiệu trưởng cùng Tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh… ngăn chặn, giải thích tác hại việc làm này để các em hiểu rõ.

Thầy Tuấn Anh phấn khởi: "Gần gũi, thấu hiểu, chuyện trò nhiều hơn với học sinh mà trường đã khác hẳn so với 4 năm trước. Các em gần như thay đổi 180 độ. Không còn chuyện văng tục, đánh nhau trong trường.... giờ học sinh đến trường vui hơn, an toàn hơn và đầy đủ hơn".

Nghĩ về sự đãi ngộ với người Thầy thuốc và Thầy giáo Nghĩ về sự đãi ngộ với người Thầy thuốc và Thầy giáo

SKĐS - Có lần một bạn comment vào một status của tôi nói: Em thấy nghề nào cũng quý, cũng vinh quang chứ không riêng gì ngành Y.

Người dân các tỉnh Về Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần lưu ý những gì? | SKĐS

V. Đồng
Ý kiến của bạn