Viết ca khúc về bệnh nhân ung thư bằng sự thấu cảm
Nhìn và nghe thầy giáo Lê Minh Tâm hát như "nghệ sĩ nhập thần" với cây đàn, ít người biết những lời ca đó ngân lên từ một người hoàn toàn sống trong bóng tối, có hoàn cảnh éo le đặc biệt.
Lê Minh Tâm sinh năm 1990 trong một gia đình nghèo ở xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh. Bố mẹ Tâm có 11 người con thì có đến 5 người bị khiếm thị bẩm sinh. Khác với 4 người anh cùng bị khiếm thị, Tâm may mắn hơn khi được "ăn học đến nơi đến chốn" và hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh).
Chứng kiến Tâm say sưa cùng những nốt nhạc và lời ca chân thật của bài "Người chiến binh K", chị Võ Yến Bình - một bệnh nhân ung thư quê Tây Ninh, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - xúc động chia sẻ: "Tự dưng tôi chảy nước mắt vì không nghĩ rằng, chỉ qua lời kể của tôi về những bệnh nhân ung thư, rồi nghe cô làm chung kể về tôi mà Tâm lại có thể thấu hiểu sâu sắc những gì bệnh nhân ung thư phải vượt qua. Họ không gục ngã mà còn sống có ích cho đời. Tâm không chỉ kể câu chuyện của bệnh nhân ung thư mà còn truyền tải hy vọng, nghị lực và khát vọng sống cho họ".
Thầy giáo Lê Minh Tâm biểu diễn bài hát "Người chiến binh K". Clip: NVCC
Được biết, bài hát "Người chiến binh K" của thầy giáo Lê Minh Tâm đã lan truyền mạnh trong cộng đồng những bệnh nhân ung thư.
Bài hát là câu chuyện về những "chiến binh" thầm lặng đang chiến đấu với căn bệnh quái ác không chỉ bằng thuốc men mà còn bằng ý chí kiên cường và tình yêu cuộc sống.
Với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng cùng lời ca mộc mạc, đầy cảm xúc, "Người chiến binh K" đã chạm đến trái tim của nhiều người, không chỉ là các bệnh nhân mà cả những người khỏe mạnh, nhắc nhở họ về giá trị của sức khỏe và sự trân trọng cuộc sống.
Và nhiều "chiến binh K" đã học thuộc lời và ngân nga bài hát Tâm sáng tác. Trong số đó, có chị Lục Kim Thúy ở Hà Nội:
"Tôi xin cảm ơn ca khúc "Người chiến binh K" của thầy Lê Minh Tâm đã chạm đến đáy lòng. Tôi đã học thuộc và tập hát theo đúng giai điệu, từng câu, từng chữ. Bài hát rất đúng tâm trạng của một chiến binh K. Tôi thấy mình lâng lâng và nghẹn ngào khi cất tiếng hát. Đến đoạn điệp khúc, tôi đã khóc vì cảm xúc dâng trào (lời "hát lên để lắng những cơn đau, để bước đi và cùng nhau chiến đấu" - PV). Là một chiến binh K, tôi cảm nhận ca khúc này quá tuyệt vời và ý nghĩa sâu sắc. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi chúc thầy giáo Lê Minh Tâm luôn luôn mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc", chị Kim Thúy nói.
Chia sẻ với PV Sức khỏe và Đời sống, Lê Minh Tâm cho biết, đến nay anh sáng tác hơn chục ca khúc. Hầu hết các bài hát của anh sáng tác đều gắn liền với một thông điệp sống đẹp, sống tích cực. Mỗi bài hát đều nói về một câu chuyện, một hoàn cảnh trong cuộc sống mà Tâm biết.
Ca khúc "Người chiến binh K" được Tâm viết sau những cuộc trò chuyện cùng với chị Võ Yến Bình - một bệnh nhân ung thư vú kiên cường và là người phụ nữ có trái tim nhân hậu, luôn lạc quan, mạnh mẽ trước những đau đớn hiểm nguy của bệnh tật.
"Từ câu chuyện cuộc đời của chị Yến Bình và qua các kênh thông tin đại chúng hằng ngày nói về căn bệnh ung thư, những tác hại, hậu quả của nó; những đau đớn, hiểm nguy khi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo ấy, tôi đã vô cùng trăn trở, nghĩ suy về số phận của mỗi chúng ta trong kiếp nhân sinh. Đồng cảm, thấu hiểu và cả khâm phục nghị lực, sự chịu đựng vô hạn mà những chiến binh K đang từng ngày đối diện là mạch cảm xúc để tôi sáng tác nên ca khúc này", anh Tâm tiết lộ.
Tâm cũng hào hứng chia sẻ, âm nhạc là món ăn tinh thần của anh. Nó không chỉ là niềm đam mê mà còn là ngôn ngữ để Tâm bày tỏ cảm xúc và sự đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời khó khăn. Đến nay, Tâm thành thạo hơn 10 loại nhạc cụ như: piano, guitar, organ, đàn cò, đàn tranh…. để có thể dạy học trò.
Người thầy truyền cảm hứng từ nghị lực sống
Bên cạnh âm nhạc, thầy Lê Minh Tâm còn là một người thầy mẫu mực tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh, nơi anh luôn tận tâm truyền đạt kiến thức và động viên học sinh.
Hàng ngày, anh lên lớp, trở thành chỗ dựa tinh thần và tri thức cho các em học sinh cùng cảnh ngộ. Ngoài dạy chữ, môn văn, anh còn dạy toán, kỹ năng sống và âm nhạc cho học sinh. Hơn ai hết, anh hiểu và thương những học trò đặc biệt của mình. Tâm thường kể những câu chuyện về chính cuộc đời mình để khuyến khích các em vượt qua khó khăn.
Đó là những ngày học phổ thông ở TPHCM, Tâm phải theo vợ chồng anh trai khiếm thị lăn lộn, bươn chải khắp các ngõ ngách ở Sài Gòn, các tỉnh gần như Long An, Bình Dương… bằng nghề hát rong, bán vé số dạo để có tiền trang trải cho cuộc sống.
Khó khăn, vất vả vô cùng nhưng trong những năm học phổ thông, Tâm được Quận đoàn 10 và Thành đoàn TPHCM trao tặng huy chương Thanh niên ưu tú làm theo lời Bác. Năm lớp 12, Tâm đạt giải nhì học sinh giỏi môn văn cấp thành phố.
Tiếp đó, là những ngày tháng khó khăn, vật vã theo học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM (khóa 2012 - 2016). Giống như tất cả mọi sinh viên xa nhà, Tâm phải đối diện với cuộc sống đắt đỏ ở thành phố, phải thuê một mình một phòng trọ (do hoàn cảnh như Tâm rất khó tìm người ở chung).
"Mỗi khi giảng viên giảng bài, tôi xin được ghi âm để về nghe lại. Đối với giáo trình, tài liệu thì tôi ra ngoài nhờ tiệm scan từ giấy ra file pdf. Từ file này lại chuyển sang bản word rồi đưa vào máy tính nhờ phần mềm đọc hỗ trợ cho người khiếm thị để ôn bài", Tâm kể lại.
Cuộc sống học tập và mưu sinh đầy gian khó nhưng chưa bao giờ Tâm chùn bước với việc học và ước mơ trở thành thầy giáo, được giảng dạy cho những em nhỏ khiếm thị như mình: "Khó khăn để làm mình lo toan, toan tính thì nhiều, nhưng những khó khăn mà phải khiến Tâm có suy nghĩ bỏ cuộc thì Tâm chưa bao giờ từ bỏ ước mơ của mình...", thầy giáo Lê Minh Tâm nói.
Năm 2017, chàng sinh viên khiếm thị Lê Minh Tâm đã chạm tay vào giấc mơ trở thành thầy giáo sau vô số nỗ lực khi được là giáo viên của Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị (thuộc Sở LĐ-TB-XH Tây Ninh). Lê Minh Tâm là giáo viên khiếm thị đầu tiên của tỉnh Tây Ninh, ngày ngày cần mẫn dắt dìu các lớp "đàn con" đồng cảnh ngộ.
Nhiều học sinh khiếm thị tại trung tâm đã tìm thấy niềm tin vào bản thân nhờ sự dẫn dắt của thầy Tâm.
Dưới sự dẫn dắt, dạy dỗ của Tâm, đã có 2 em học sinh ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh trở thành sinh viên đại học.
"Thầy Tâm không chỉ dạy em cách đọc chữ nổi, mà còn dạy em rằng đôi mắt không phải là thứ duy nhất để nhìn thấy cuộc sống. Tấm lòng và nghị lực của thầy là ánh sáng dẫn đường cho chúng em", học sinh Lê Hùng nói.
Ngoài những giờ lên lớp tại Trung tâm, Tâm cho biết, anh thường nghe nhạc thư giãn, tập đàn để nâng cao kỹ năng, chơi cờ vua và cờ tướng để rèn luyện tư duy, trò chuyện với người thân, … đặc biệt là tìm sự bình yên nơi tâm hồn bên gia đình nhỏ của mình gồm vợ và cô con gái 1 tuổi.
"Tôi mong sao những bài hát cũng là những thông điệp từ trái tim mình lan tỏa đến mọi người và được mọi người đón nhận, cảm thông để cuộc sống này trở nên ý nghĩa, tốt đẹp hơn. Ước mơ lớn nhất của đời tôi là được sống, được cống hiến cho xã hội những việc làm ý nghĩa, những người thân yêu quanh mình bình an".
Thầy giáo Lê Minh Tâm hát và chia sẻ tại đêm nhạc "Người gieo hy vọng". Clip: NVCC
Và với người thầy giáo đặc biệt này, từ bóng tối cuộc đời, anh đã tạo nên ánh sáng của tri thức và âm nhạc, truyền cảm hứng sống tích cực đến mọi người. Âm nhạc của anh có sức mạnh chữa lành, không phải bằng cách xoa dịu nỗi đau mà bằng cách khơi dậy hy vọng.